Hành trình phục dựng chân dung liệt sĩ của chàng trai 10X góp phần tri ân 50 năm Giải phóng miền Nam

Khuất Văn Hoàng (sinh năm 2003, Thạch Thất, Hà Nội) chọn cho mình một sứ mệnh ngược dòng: Phục dựng di ảnh liệt sĩ. Bằng tài năng, lòng trắc ẩn và tinh thần tri ân sâu sắc, chàng trai trẻ đã 'thắp lửa' hồi sinh bao chân dung anh hùng, liệt sĩ, mang lại niềm an ủi vô bờ cho những gia đình còn mang nặng nỗi đau chiến tranh.

Từ một bức ảnh nhòe mờ đến hành trình phục dựng ký ức liệt sĩ

Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa với điểm số cao, Văn Hoàng từng được nhiều công ty mời về làm việc. Thế nhưng, thay vì chọn một công việc ổn định với lịch trình lặp lại ngày đi – tối về, anh quyết định gác lại những lời mời hấp dẫn để theo đuổi một con đường khác tự do hơn, nhưng cũng nhiều thử thách hơn.

Khuất Văn Hoàng (2003, Thạch Thất, Hà Nội) với sứ mệnh phục dựng di ảnh liệt sĩ, thắp sáng ký ức và tri ân những anh hùng đã hy sinh.

Khuất Văn Hoàng (2003, Thạch Thất, Hà Nội) với sứ mệnh phục dựng di ảnh liệt sĩ, thắp sáng ký ức và tri ân những anh hùng đã hy sinh.

Với Hoàng, cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi được góp phần lan tỏa điều tốt đẹp. Anh chọn làm nghề tự do để vừa được sống với đam mê, vừa có thể giúp ích cho đời bằng chính khả năng của mình. Ước mơ giản dị ấy đã đưa Hoàng đến với một hành trình đặc biệt: phục dựng chân dung các anh hùng liệt sĩ – những con người đã hy sinh để Tổ quốc hôm nay được sống trong hòa bình.

Văn Hoàng được trao Giấy khen vì có thành tích tốt trong phối hợp thực hiện phục chế ảnh các Liệt sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Văn Hoàng được trao Giấy khen vì có thành tích tốt trong phối hợp thực hiện phục chế ảnh các Liệt sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Năm 2021, giữa những ngày cả nước chậm lại vì đại dịch COVID-19, Hoàng vô tình nhận được một tin nhắn. Đó là lời khẩn cầu từ một gia đình liệt sĩ, mong muốn có một tấm ảnh thờ rõ nét hơn – vì bức ảnh duy nhất của người bác đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nay đã mờ nhòe theo năm tháng. Với kỹ năng về đồ họa, Hoàng nhận lời, không ngờ rằng việc làm ấy đã mở ra một bước ngoặt.

Khi bức ảnh hoàn thiện được gửi lại, chỉ ít phút sau, màn hình điện thoại vụt sáng với những giọt nước mắt nghẹn ngào – cả gia đình gọi lại, xúc động đến không thốt nên lời. Trong khoảnh khắc ấy, Hoàng hiểu rằng: đây không đơn thuần là một bức ảnh. Đây là niềm mong mỏi hàng chục năm trời của một gia đình – là khát khao được nhìn thấy khuôn mặt người thân đã ngã xuống vì Tổ quốc, một lần nữa, rõ ràng và trọn vẹn.

Văn Hoàng cùng đồng đội trao tặng 30 chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Văn Hoàng cùng đồng đội trao tặng 30 chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Văn Hoàng góp phần hồi sinh ký ức anh hùng, lan tỏa thông điệp tri ân qua những bức chân dung trao tặng.

Văn Hoàng góp phần hồi sinh ký ức anh hùng, lan tỏa thông điệp tri ân qua những bức chân dung trao tặng.

Từ một lần tình cờ, Hoàng nhận ra đó là điều mình cần làm, không phải vì nghề, mà vì nghĩa. Bởi các Mẹ Việt Nam Anh hùng không thể đợi lâu hơn, và bởi những gia đình liệt sĩ đã đợi quá lâu rồi.

“Chạy đua với thời gian” để gìn giữ ký ức anh hùng

Suốt hơn 4 năm qua, Văn Hoàng đã cùng đồng đội tham gia phục dựng hơn 7.000 chân dung liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi bức ảnh là một lát cắt ký ức, một cuộc trở về ngược dòng thời gian, để làm đầy thêm những khoảng trống chưa từng được gọi tên.

Văn Hoàng cùng đồng đội đã phục dựng hơn 7.000 chân dung liệt sĩ suốt hơn 4 năm qua, lan tỏa hành trình tri ân trên khắp mọi miền đất nước.

Văn Hoàng cùng đồng đội đã phục dựng hơn 7.000 chân dung liệt sĩ suốt hơn 4 năm qua, lan tỏa hành trình tri ân trên khắp mọi miền đất nước.

Văn Hoàng vẫn nhớ như in khoảnh khắc khiến anh day dứt nhất trong hành trình của mình. Đó là lần mang bức ảnh phục dựng đến tặng một Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Hải Dương. Khi vừa bước qua ngưỡng cửa căn nhà nhỏ, khung cảnh tĩnh lặng đến nao lòng. Hoàng lặng người khi nghe gia đình nói: “Mẹ mất rồi, mới ba ngày trước thôi…”.

Khoảnh khắc ấy, Văn Hoàng không chỉ lặng người, mà còn cảm thấy nghẹn đắng nơi lồng ngực. Anh trách mình, trách thời gian, vì đã không thể đến sớm hơn chỉ vài ngày, để người mẹ ấy được thấy con trai mình một lần nữa, thật rõ nét và chân thực như thuở còn sinh thời. Từ đó, với trái tim nhiều trăn trở, Hoàng tự nhủ: bất kể hoàn cảnh nào, anh sẽ ưu tiên phục dựng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng trước tiên.

Văn Hoàng nhận Giấy khen tại tỉnh Hải Dương.

Văn Hoàng nhận Giấy khen tại tỉnh Hải Dương.

Không chỉ dừng lại ở những gia đình đơn lẻ, Văn Hoàng tích cực tham gia, góp phần làm sống dậy ký ức dân tộc qua những dự án phục dựng chân dung tập thể: 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, 64 anh hùng biệt động Sài Gòn, hay 30 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… Với Hoàng, đó không chỉ là những tấm ảnh, mà là những mảnh ghép của lịch sử, là gương mặt cụ thể của lòng yêu nước, của máu xương đã hóa thành non sông.

“Mình cảm thấy thật vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ trong việc tái hiện chân dung các anh hùng dân tộc” – Văn Hoàng chia sẻ. “Để rồi mỗi lần người thân hay nhân dân đến những di tích lịch sử, không chỉ thấy tên trên bia đá, mà còn được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt của những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do”.

Văn Hoàng cùng các thành viên trong nhóm tại Chương trình Tô màu ký ức phục dựng và trao tặng ảnh liệt sĩ.

Văn Hoàng cùng các thành viên trong nhóm tại Chương trình Tô màu ký ức phục dựng và trao tặng ảnh liệt sĩ.

Hồi sinh ký ức với 300 di ảnh liệt sĩ và thước phim AI

Khi bước chân qua Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Trị, Hà Nội và nhiều vùng đất thấm đẫm máu xương, Văn Hoàng không chỉ phục dựng những bức ảnh chân dung liệt sĩ, mà còn kết nối quá khứ với hiện tại bằng một cách rất riêng. Với Hoàng, mỗi tấm ảnh không chỉ là sản phẩm công nghệ, mà là một phần lịch sử sống động, là hành trình “đưa người lính trở về” trong trái tim người thân và cả dân tộc.

Văn Hoàng nhận Bằng khen từ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Văn Hoàng nhận Bằng khen từ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Dịp 30/4 năm nay trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết khi cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước – một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Với Văn Hoàng, đây không chỉ là ngày lễ trọng đại, mà còn là lời nhắc nhở thiêng liêng về cái giá của hòa bình và sự hy sinh thầm lặng của hàng vạn người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Giữa niềm hân hoan chung, Hoàng cùng đồng đội miệt mài hoàn thành một sứ mệnh đầy nhân văn: phục dựng hơn 300 bức ảnh chân dung liệt sĩ và lần đầu tiên cho ra mắt một thước phim lịch sử được tạo dựng hoàn toàn bằng công nghệ AI.

Từ những hình ảnh mờ nhòe, Văn Hoàng kiên trì phục dựng lại gương mặt liệt sĩ, trả lại hình hài cho ký ức gia đình và dân tộc.

Từ những hình ảnh mờ nhòe, Văn Hoàng kiên trì phục dựng lại gương mặt liệt sĩ, trả lại hình hài cho ký ức gia đình và dân tộc.

“Khác với những năm trước, năm nay là một dấu ấn lớn – 50 năm giải phóng. Vì vậy, mình tự đặt ra mục tiêu phải làm hết năng suất, làm nhiều nhất có thể”, – Văn Hoàng chia sẻ. Những bức ảnh không còn dừng lại ở sự rõ nét, mà được “thổi hồn” bằng công nghệ chuyển động AI, giúp người xem cảm nhận như chính các liệt sĩ đang chào cờ, vẫy tay – những hành động nhỏ nhưng đầy xúc động, làm sống dậy cả một thời ký ức.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ, Hoàng mong muốn tận dụng công nghệ như một cây cầu kết nối giữa lịch sử và thế hệ trẻ. “Nhiều tư liệu quý của lịch sử đã bị thiếu hụt hoặc thất lạc. Mình chỉ mong rằng qua những thước phim này, ký ức về chiến tranh, về những con người anh hùng sẽ không còn là những dòng chữ khô khan trong sách, mà hiện lên sinh động, dễ tiếp cận, đặc biệt với học sinh, sinh viên”.

Văn Hoàng cùng các thành viên trong nhóm thăm và trao tặng ảnh phục dựng cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Thụ, một trong 32 anh hùng tham gia Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Văn Hoàng cùng các thành viên trong nhóm thăm và trao tặng ảnh phục dựng cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Thụ, một trong 32 anh hùng tham gia Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quá trình dựng phim bằng công nghệ AI không hề dễ dàng. Có những phân cảnh chỉ dài 5 giây nhưng Hoàng phải làm đi làm lại hàng trăm lần. “AI là công cụ, nhưng cảm xúc là điều không thể lập trình. Mình phải kiểm soát từng chi tiết để kết quả vừa chính xác về lịch sử, vừa giữ được cái ‘hồn’ của người lính” – Hoàng nói.

Với niềm tin vào sức mạnh của công nghệ, Hoàng hy vọng rằng trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ không chỉ học lịch sử qua sách vở, mà còn cảm được lịch sử qua hình ảnh, âm thanh, và những câu chuyện cá nhân chân thật.

Văn Hoàng nhắn gửi: “Là người trẻ, mình mong muốn lan tỏa tới các bạn trẻ rằng trong thời đại phát triển hôm nay, chúng ta có nhiều cách để ‘uống nước nhớ nguồn’. Không nhất thiết phải làm điều lớn lao, chỉ cần giữ lòng biết ơn và sống có trách nhiệm. Vì máu của cha ông đã đổi lấy hòa bình hôm nay, để chúng ta có thể sống cuộc đời mình chọn, làm điều mình yêu và đi đến những nơi mình mơ để góp phần dựng xây và phát triển đất nước”.

(Ảnh: NVCC)

Nguyễn Linh Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-phuc-dung-chan-dung-liet-si-cua-chang-trai-10x-gop-phan-tri-an-50-nam-giai-phong-mien-nam-post1738162.tpo
Zalo