Hành trình minh oan cho người đàn ông Mỹ ngồi tù hơn 20 năm - Kỳ 1
Một người vô tội ngồi tù hàng thập kỷ vì cáo buộc giết hại một cặp vợ chồng da màu. Gần 40 năm sau, cảnh sát nói đã tìm ra kẻ sát nhân.
Tiếng cười luôn rộn ràng trong ngôi nhà của Dennis Perry. Khi ai đó hỏi ông về các cháu, ông lập tức bật cười. Nếu nhắc đến chuyện câu cá hoặc tình yêu ông dành cho vợ mình, bà Brenda, ông sẽ bật một tràng cười sảng khoái.
Bọn trẻ gọi ông là “Papa Sunshine” (ông Mặt trời), một biệt danh phù hợp với người đàn ông có nụ cười mà người nghe có thể cảm nhận qua điện thoại. Việc Perry có thể cười được là một điều kỳ diệu, nhất là sau những gì ông đã trải qua.
Năm 2003, Perry, một người da trắng, bị kết án và nhận hai bản án chung thân liên tiếp vì vụ giết hại dã man một cặp vợ chồng da màu, Harold và Thelma Swain, tại nhà thờ ở miền Nam bang Georgia vào năm 1985.
Ông luôn kiên quyết khẳng định mình vô tội: từ khi bị bắt, trong suốt phiên tòa, quá trình xét xử và từng ngày trong gần 21 năm ông bị giam giữ.
Năm 2020, các luật sư từ Dự án Minh oan Georgia và một công ty luật quốc tế tại Atlanta là King & Spalding đã trình bày trước thẩm phán một loạt bằng chứng ADN mới để chứng minh điều Perry luôn biết: “Các vị đã bắt nhầm người”.
Chỉ trong vài tháng, Perry được trả tự do, trở về vòng tay yêu thương của vợ và đàn con cháu. Nhưng bản án sai lầm đã cướp đi hàng thập kỷ cuộc đời ông và ông Perry được minh oan đã kéo theo hàng loạt câu hỏi mới: Làm thế nào hệ thống tư pháp lại sai lầm đến vậy? Và nếu Perry không sát hại vợ chồng ông Swain, vậy ai đã làm?
Đầu tháng này, Cục Điều tra Georgia tiến thêm một bước trong việc trả lời các câu hỏi đó khi bắt giữ và buộc tội một người đàn ông bị cáo buộc đã sát hại hai vợ chồng Swain tại nhà thờ Baptist Rising Daughter gần 40 năm trước.
Kỳ 1: Vụ sát hại Harold và Thelma Swain
Vào một đêm thứ 2 tháng 3/1985, một người đàn ông da trắng bước vào tiền sảnh nhà thờ Baptist Rising Daughter ở một cộng đồng nhỏ có tên Spring Bluff, bang Georgia.
Bên trong, các phụ nữ trong hội thánh lịch sử của người da màu đang họp. Tham dự buổi họp hôm đó có ông Harold Swain, 66 tuổi, một phó tế của nhà thờ và là thành viên được yêu mến trong cộng đồng gần bờ biển Georgia.
Một phụ nữ tên là Vanzola Williams tham dự buổi họp sau đó kể với cảnh sát rằng bà rời phòng họp trước 9 giờ tối và thấy một người đàn ông da trắng, tóc dài màu vàng ở cửa vào nhà thờ.
Bà kể với tờ Atlanta Journal ngày hôm sau: “Tôi hỏi xem anh ta có cần gì không và anh ta trả lời có, anh ta muốn nói chuyện với ai đó rồi chỉ vào bên trong nhà thờ, nơi có phó tế Swain”.
Ông Swain ra nói chuyện với người đàn ông đó và các nhân chứng sau đó kể lại rằng họ nghe thấy tiếng giằng co ở sảnh và tiếp đó là những âm thanh không thể nhầm lẫn của tiếng súng. Mọi người nấp sau ghế hoặc chạy trốn, trừ vợ ông Swain là bà Thelma, 63 tuổi. Bà đã chạy về phía sảnh nơi có chồng mình. Một tiếng súng khác vang lên, rồi im lặng.
Khi cảnh sát đến, ông bà Harold và Thelma Swain đã chết, còn kẻ sát nhân đã trốn thoát. Cảnh sát thu được vỏ đạn, cúc áo và ba cặp kính tại hiện trường. Các nhà điều tra sau đó xác định hai cặp kính thuộc về ông bà Swain, còn cặp thứ ba được cho là của kẻ sát nhân. Sau khi kiểm tra kỹ hơn, họ phát hiện một số sợi tóc của người da trắng trên kính này.
Phân tích ADN từ tóc đã trở thành chìa khóa để minh oan cho Perry và giúp bắt giữ kẻ tình nghi. Nhưng vào đêm đó, các phụ nữ trong hội thánh đã đưa ra những mô tả rất khác nhau về người đàn ông trong sảnh. Nhiều bản phác thảo máy tính được kết hợp thành một hình ảnh tổng hợp về một người đàn ông trẻ da trắng, có mái tóc dài và được lan truyền khắp cộng đồng.
Joshua Sharpe là một nhà báo điều tra, người có các bài viết đạt giải thưởng về vụ án giết người của gia đình Swain và bản án sai đối với Perry, sắp cho ra mắt cuốn sách “The Man No One Believed: The Untold Story of the Georgia Church Murders” (tạm dịch: Người đàn ông mà không ai tin: Câu chuyện chưa kể về vụ sát hại tại nhà thờ ở Georgia). Ông nói: “Bạn phải đặt mình vào khoảnh khắc năm 1985 khi sự việc kinh hoàng này xảy ra trong một nhà thờ dành cho người da đen. Vụ án này đặc biệt và nghiêm trọng, rất hiếm khi xảy ra, nếu có, thì càng khó xảy ra tại chính nơi này. Có rất nhiều manh mối, chúng ta đang nói đến hàng chục, và sau đó là hàng trăm nghi phạm”.
Nhưng tuần này qua tuần khác mà không có vụ bắt giữ nào, sau đó là hàng tháng, rồi hàng năm. Vụ án dần trở nên nguội lạnh trong khi gia đình Swain vẫn đang đau buồn. Anh trai của Harold, ông Charlie Swain, và chị gái của ông, bà Pearl Swain Cole, nói với CNN rằng sự ra đi đột ngột của anh trai họ đã làm rung chuyển cả gia đình.
Ông Swain nói: “Thật đau đớn khi có ai đó lại vào nhà thờ và giết một người. Anh ấy rất được tôn trọng. Anh ấy lái xe buýt trường học và là một phó tế… Không ai thực sự ghét anh ấy”.
Gia đình không hiểu ai có thể làm điều kinh hoàng như vậy. Sau đó, vào năm 1988, các nhà điều tra nhận được sự hỗ trợ từ một nguồn không ngờ tới: chương trình “Unsolved Mysteries” (Bí ẩn chưa có lời giải).
Vào tháng 11, chương trình truyền hình này đã phát sóng một đoạn tái hiện vụ giết vợ chồng ông Swain, trong đó có sự tham gia của một số phụ nữ đã chứng kiến cuộc tấn công và các bằng chứng thực tế từ hiện trường vụ án. Tập phim cũng phát sóng bản vẽ phác họa kẻ bị cho là thủ phạm và ngay sau đó, các manh mối lại đổ về.
Cơ quan chức năng xem xét nhiều nghi phạm, kiểm tra các chứng cứ ngoại phạm, nhưng vẫn không có vụ bắt giữ nào. Hơn một thập kỷ trôi qua, vụ án giết vợ chồng ông Swain vẫn chưa có tiến triển. Điều này đã thay đổi vào năm 1998, khi Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Camden tuyển dụng một cựu cảnh sát và giao cho ông một năm để tái điều tra vụ án giết người.
Chỉ trong vài tuần, ông đã tập trung vào một nghi phạm: Dennis Perry.
Đón đọc kỳ tới: Bỗng dưng trở thành nghi phạm