Hành trình khẳng định vị thế của Đại học Huế
Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) khẳng định vị thế của một đại học vùng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trong một tiết thực hành
Đổi mới và tự tin
Năm 1996, tôi may mắn được tá túc trong khu tập thể Trường Đại học Sư phạm, ĐHH để học tập. Khu tập thể lúc đó cũ kỹ và xuống cấp. Cách khu tập thể này không xa là khu giảng đường A và nhiều khu giảng đường khác cũng xuống cấp theo thời gian. Giờ đây sau 30 năm, mọi thứ ở Trường Đại học Sư phạm, ĐHH đã có nhiều thay đổi. Khu tập thể ngày nào giờ được xây nhà cao tầng làm giảng đường, các khoa, phòng chức năng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đại học, Giám đốc ĐHH (2006 - 2016) đánh giá, không riêng Trường Đại học Sư phạm mà hầu hết hạ tầng cơ sở, trang thiết bị giáo dục tại các trường, khoa của ĐHH lúc bấy giờ đều không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nay không chỉ đổi thay về hạ tầng trường, lớp mà các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐHH còn có nhiều chuyển biến trong nâng cao chất lượng đào tạo. Từ chủ yếu dạy lý thuyết, các trường từng bước đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
"Trường Đại học Sư phạm, ĐHH là một trong ba trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục uy tín hàng đầu đất nước. Trong khi các trường đại học sư phạm trên cả nước đã và đang đào tạo đa ngành, thì chỉ có Trường Đại học Sư phạm, ĐHH chuyên đào tạo giáo viên với 23 ngành, bao gồm cơ bản, khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, âm nhạc, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục chính trị, giáo dục kinh tế và pháp luật", TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐHH tự hào.

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế ứng dụng công nghệ vào điều trị
TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách ĐHH trao đổi, ĐHH còn có nhiều trường thành viên có sứ mệnh đào tạo ngành đặc thù. Trong số 5 đại học quốc gia và đại học vùng, chỉ ĐHH có các ngành đào tạo về nghệ thuật tại Trường Đại học Nghệ thuật. Đây là nơi đã và đang đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân cho đất nước nói chung, miền Trung - Tây Nguyên nói riêng với đầy đủ các ngành thuộc lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, gắn liền với giá trị di sản của văn hóa Huế và Triều Nguyễn.
ĐHH là đại học duy nhất ở Việt Nam đã và đang đào tạo nhóm ngành du lịch ở các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đó là Trường Du lịch - ĐHH. Trường Du lịch hiện có quy mô tuyển sinh từ 1.000 - 1.200 sinh viên, học viên hàng năm, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng, chất lượng cao cho phát triển du lịch của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh kinh tế du lịch và du lịch công nghiệp, du lịch điện tử.
ĐHH đang duy trì các ngành đào tạo khoa học cơ bản, những ngành chiếm 30% số ngành đào tạo cho đất nước để làm nền tảng cho khoa học kỹ thuật và công nghệ, duy trì sự nghiệp giáo dục toàn diện cho quốc gia. Những ngành này đang được đào tạo tại Trường Đại học Khoa học, ĐHH và đã trở thành những ngành học có truyền thống ở Huế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục chung của nước nhà. Trường được xem như là trung tâm khoa học cơ bản thứ ba của cả nước.
Số lượng sinh viên chính quy gấp 9 lần
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn cho rằng, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) chủ trương thành lập các đại học có quy mô lớn nhằm sớm tạo ra những trung tâm, cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Đại học Quốc gia và Đại học vùng ra đời, trong đó có ĐHH, có điểm chung là hình thành từ việc cơ cấu lại các trường đại học độc lập trong một không gian nhất định (TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh: Thái Nguyên, TP. Huế, TP. Đà Nẵng) mà các trường này vốn có lịch sử phát triển lâu dài từ trước, đều trực thuộc các Bộ chủ quản.
Tháng 4/1994, ĐHH được thành lập từ việc tổ chức lại 5 trường đại học hiện có tại Huế: Trường Đại học Nông nghiệp II Huế, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Tổng hợp Huế, Trường Đại học Y khoa Huế và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Các trường này lần lượt trực thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Văn hóa để thành 6 trường đại học thành viên: Đại cương, Khoa học, Sư phạm, Nông lâm, Y khoa và Nghệ thuật.
Sau 4 năm đào tạo chương trình đại cương cho các trường chuyên ngành, năm 1998 Trường Đại học Đại cương - ĐHH giải thể. Hiện nay, ĐHH phát triển lên 8 trường đại học thành viên; trong đó, thành lập mới các Trường Đại học Kinh tế - 2002, Trường Đại học Ngoại ngữ - 2004, Trường Đại học Luật - 2015; 1 viện thành viên và các Trường Du lịch, Phân hiệu ĐHH tại Quảng Trị, các khoa đào tạo thuộc ĐHH; các viện, trung tâm nghiên cứu và Nhà xuất bản trực thuộc ĐHH.
Số liệu phát triển quy mô qua các thời kỳ cho thấy, tỷ lệ giảng viên có trình độ GS, PGS, TS thuộc tốp đầu các đại học hiện nay. Năm 1994, ĐHH chỉ có 1.592 công chức, viên chức và lao động; trong đó, có 27 GS, PGS, 74 TS, 79 thạc sĩ, thì nay con số này tăng lên 3.647 viên chức và lao động; trong đó, có 214 GS, PGS, 807 TS, 1.526 thạc sĩ. Số lượng sinh viên chính quy hiện nay toàn ĐHH gấp 9 lần so với khi mới thành lập. Quy mô, số lượng tuyển sinh của ĐHH cách đây 30 năm chỉ bằng quy mô tuyển sinh của một trường đại học thành viên, khoa thuộc, trực thuộc ĐHH hiện nay.
TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách ĐHH cho biết, qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập, ĐHH đào tạo và cấp bằng cho hơn 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; khoảng 24.230 thạc sĩ và 700 tiến sĩ. Riêng giai đoạn 2018 - 2024, ĐHH đào tạo và cung cấp cho xã hội một số lượng lớn nhân lực chất lượng cao, gồm 45.227 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư; hơn 7.000 thạc sĩ; hơn 200 tiến sĩ và gần 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II.