Chuyện về nữ bác sĩ đầu tiên của người Mông trên 'cổng trời' Kỳ Sơn

Vừ Y Xừ là nữ người Mông đầu tiên ở huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An trở thành bác sĩ. Vị bác sĩ nơi 'cổng trời' vẫn nặng những trăn trở về công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào của mình.

Vượt qua rào cản

Bác sĩ Vừ Y Xừ, năm nay 41 tuổi, có dáng người đậm, khuôn mặt phúc hậu toát lên vẻ tin cậy và dễ mến. Hành trình trở thành bác sĩ của người phụ nữ người Mông là cả một chặng đường dài, với những nỗ lực không ngừng và ý chí bền bỉ.

Vừ Y Xừ sinh ra tại bản Trung Tâm (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn), một vùng giáp biên giới với Lào, nơi 100% cư dân là người Mông. Đây là dân tộc thiểu số đông thứ tư ở Nghệ An, chỉ sau người Thái, Thổ và Khơ Mú, tập trung chủ yếu tại huyện Kỳ Sơn với hơn 26 nghìn người. Theo tư liệu lịch sử, người Mông đến Nghệ An khá muộn. Dòng họ có mặt ở Kỳ Sơn sớm nhất chưa tới 200 năm, thậm chí có những dòng họ mới định cư chưa đầy một thế kỷ. Khoảng 20 năm trước, không nhiều trẻ em người Mông ở Nghệ An mới có cơ hội đến trường, đặc biệt là các bé gái. Khi ấy, để tìm con chữ, nhiều đứa trẻ hiếu học phải băng rừng, lội suối suốt hai ngày mới tới được trường. Chính những đứa trẻ ấy, sau này góp phần làm thay đổi suy nghĩ về việc cho con đi học của người Mông nơi đây.

Chị Vừ Y Xừ, là người nữ người Mông đầu tiên trở thành bác sĩ.

Chị Vừ Y Xừ, là người nữ người Mông đầu tiên trở thành bác sĩ.

Dù Trường THPT Kỳ Sơn thành lập từ lâu, nhưng mãi đến năm 2002 mới có nữ sinh người Mông đầu tiên tốt nghiệp lớp 12. Đó chính là Vừ Y Xừ, hiện là Phó trưởng Khoa Chăm sóc sinh sản và Phụ sản - Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn. Năm 2009, Xừ cũng trở thành cô gái người Mông đầu tiên ở Nghệ An có bằng đại học.

Nhìn lại hành trình học tập của mình, bác sĩ Xừ luôn cho rằng bản thân may mắn hơn nhiều thiếu nữ Mông khác. Từ nhỏ, chị học khá giỏi nên không bị gia đình cấm cản chuyện đến trường. Tuy nhiên, theo phong tục, năm lớp 6, Xừ phải lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ. "Năm đó thấy họ lấy chồng thì mình cũng lấy chồng, thật sự chẳng hiểu gì. Nhưng may mắn là chồng mình khi ấy cũng đang học ở TP Vinh, mỗi năm chỉ về ít ngày. Bố mẹ chồng thấy vậy nên cũng thông cảm, không bắt ở nhà mà cho đi học tiếp", bác sĩ Xừ kể.

Hồi học cấp 3 nội trú ở trường huyện, Xừ chưa từng nghĩ mình sẽ theo học ngành y, bởi trước đó trong gia đình chưa có ai theo đuổi con đường này. Bố mẹ làm nông, nhà có sáu anh chị em, cuộc sống vô cùng vất vả. Là con cả, từ nhỏ Xừ vừa đi học vừa trông em, còn bố mẹ bận rộn lên nương làm rẫy. Nhưng ngay từ khi bước vào cổng trường, trong đầu óc non nớt của Xừ luôn tự nhắc mình phải học thật tốt để các bạn quý mến mình hơn.

Sau khi tốt nghiệp, chị Xừ trở về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn.

Sau khi tốt nghiệp, chị Xừ trở về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn.

Những năm 1999 - 2002, con đường đến trường của Xừ là chuỗi ngày gian nan. Nhà ở Huồi Tụ xuống trường huyện phải đi bộ hơn nửa ngày. Chủ nhật hằng tuần, người mẹ nghèo lại gói cơm cho chị mang theo để xuống trường huyện.

Năm 2003, sau khi hoàn thành một năm dự bị, Xừ thi vào Đại học Y Thái Nguyên theo diện cử tuyển. Những ai đủ điểm sẽ vào hệ đại học, còn nếu không sẽ theo học hệ cao đẳng. Từ năm 2003 đến 2009, chị miệt mài theo đuổi giấc mơ áo trắng. Xừ chọn Trường đại học Y Thái Nguyên để chinh phục chỉ với mục tiêu trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Nhắm vào cái đích đến ấy nên ở ký túc xá của trường, cô là người tắt đèn muộn nhất và bật đèn sớm nhất để học. Cứ như thế, cô trở thành người phụ nữ Mông ở Kỳ Sơn tiên phong trong chuyện học hành. Để rồi sau đó, nhiều thiếu nữ người Mông khác cũng noi theo, hầu hết năm nào cũng có học trò nữ vào đại học.

Sau khi tốt nghiệp, Xừ trở về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn. Chị không có ý định rời đi, gắn bó với mảnh đất quê hương.

Đường xa, đi mãi cũng tới

Học lực tốt và có tố chất, nhưng hành trình trở thành bác sĩ của Vừ Y Xừ không hề dễ dàng. Với cô, tiếng Việt, đặc biệt là những thuật ngữ y khoa, chẳng khác gì một ngoại ngữ. "Từ nhỏ đến khi học THCS, THPT, tôi vẫn chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Mông. Khi vào trường y phải dành rất nhiều thời gian để làm quen và thành thạo với tiếng Việt", bác sĩ Xừ kể.

Trước khối lượng kiến thức khổng lồ của ngành y, những ngày đầu với Xừ thật sự gian nan. Nhưng cô luôn tâm niệm "đường dù xa, đi mãi rồi cũng sẽ tới". Sau 6 năm kiên trì vượt qua mọi thử thách, cuối cùng, Vừ Y Xừ chạm tay đến ước mơ trở thành bác sĩ.

Bác sĩ Xừ trong một ca mổ. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Xừ trong một ca mổ. (Ảnh: NVCC)

Không chút đắn đo suy nghĩ, Xừ mang tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ về quê, hăm hở nộp vào Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn để thực hiện ý nguyện được chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình.

Suốt hơn 16 năm gắn bó với nơi này, bác sĩ Xừ luôn tận tâm với từng bệnh nhân. Những đêm trực ở bệnh viện, cô chỉ ngủ chập chờn vài ba tiếng, nhưng ngay cả những ngày được nghỉ, bác sĩ Xừ vẫn tự nguyện đến bệnh viện làm việc. "Với ngành y, kiến thức không bao giờ là đủ, nên mình vẫn phải học mỗi ngày", bác sĩ Xừ nói.

Tại Trung tâm Y tế huyện, phần lớn bệnh nhân là người đồng bào, nhiều người còn nói tiếng Việt chưa thạo. Vì thế, ngoài việc khám và điều trị, Xừ còn kiêm luôn vai trò phiên dịch viên, hỗ trợ các bác sĩ khác trong giao tiếp với bệnh nhân. Từ ngày đầu nhận việc đến nay, trong mắt đồng nghiệp, cô luôn là một bác sĩ tận tâm, giàu tình cảm và trách nhiệm.

Bác sĩ Xừ thừa nhận, nghề y thực tế khác xa những gì chị từng mường tượng, áp lực công việc đôi khi khiến cô kiệt sức. Nhưng với chị chỉ cần coi bệnh nhân như người thân, thấy họ khỏe mạnh, nụ cười trở lại trên gương mặt họ, thì mọi mệt mỏi cũng tự khắc tan biến.

"Nhiều chị em người đồng bào trong bản vẫn chưa có thói quen đi khám thai, sinh đẻ tại trạm y tế hay tiêm phòng đầy đủ cho con. Việc thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng không thể một sớm một chiều, mà cần cả một quá trình dài với sự kiên trì và tận tâm", bác sĩ Xừ nói.

BS.CKII Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn luôn dành sự động viên, khích lệ khi nói về bác sĩ Vừ Y Xừ. "Bác sĩ Xừ là người có chuyên môn vững vàng, chăm lo và tâm huyết với sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Xừ được đào tạo bài bản, năng động, đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản ở huyện Kỳ Sơn. Ngoài ra, bác sĩ Xừ cũng là người giàu chí tiến thủ, ham học hỏi khi xuất phát điểm có những hạn chế nhất định", bác sĩ Sầm Hải chia sẻ.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nu-bac-si-dau-tien-cua-nguoi-mong-tren-cong-troi-ky-son-169250403140528793.htm
Zalo