Hành trình 'kể lịch sử' bằng công nghệ dọc Việt Nam của Báo Nhân Dân và YooLife

Một ngày đầu tháng 3, chuyến xe 7 chỗ chở đầy thiết bị ghi hình cùng các phóng viên, kỹ thuật viên Báo Nhân Dân và mạng xã hội thực tế ảo YooLife lăn bánh rời Hà Nội, hướng về miền nam với sứ mệnh đặc biệt: Kể lại lịch sử bằng công nghệ mới cho Dự án 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Hành trình “số hóa di sản lịch sử” đã được bắt đầu lặng lẽ như thế nhằm “làm mới và nối dài những ký ức không thể quên của dân tộc” bằng những nhịp cầu công nghệ…

Gom ký ức tháng 4 lịch sử

Trước đó nhiều tháng, dự án truyền thông đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của Báo Nhân Dân đã được khởi động, triển khai trên mọi ấn phẩm, bao gồm các ấn bản Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân Cuối tuần, Nhân Dân Hằng tháng, Thời Nay…

Riêng đối với nền tảng số (ấn phẩm Báo Điện tử), trang thông tin đặc biệt mang tên Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng được lên kế hoạch thực hiện, với nhiều chuyên mục hấp dẫn, hướng tới mục tiêu làm sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng.

Về mặt công nghệ, chuyên trang có sự hợp tác chặt chẽ với đối tác là Mạng xã hội YooLife nhằm tái hiện lại diễn biến, “kể” những câu chuyện lịch sử… một cách trực quan, sinh động. Bài toán mà Báo Nhân Dân đặt ra cho YooLife là làm thế nào phải giúp bạn đọc “nhìn thấy, cảm nhận thấy” những khoảnh khắc đã làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Nhận được “đề bài khó” từ Báo Nhân Dân, YooLife đã lựa chọn phương pháp “ảo hóa” thông qua công nghệ VR360. Đây là công nghệ cho phép người xem có thể tương tác trực tiếp với hình ảnh bằng cách chọn vị trí, góc nhìn, phóng to, thu nhỏ hay xem thêm các thông tin liên quan ngay trên chính điện thoại của mình. Trải nghiệm này còn cho phép bạn đọc có cảm giác như đang hiện diện tại địa điểm cụ thể, dù ở bất kỳ nơi đâu.

Với mục tiêu “tạo ra điểm chạm” mới mẻ ấy, một ngày đầu tháng 3, chiếc ô-tô 7 chỗ bắt đầu rời Hà Nội lên đường. Cả nhóm với 5 thành viên đã rong ruổi qua nhiều tỉnh, thành phố, từ Huế, Đà Nẵng tới Tây Nguyên, Đồng Nai, trước khi dừng ở điểm cuối cùng là thành phố mang tên Bác. Tại mỗi điểm dừng chân, nhóm sẽ tiến hành khảo sát, ghi hình, quay chụp không gian VR360, flycam cũng như thu thập tư liệu thực địa để chuẩn bị cho giai đoạn… số hóa lại lịch sử.

Hồng Quân, phóng viên Báo Nhân Dân cho biết: Chỉ trong vòng hơn 20 ngày giữa tháng 3, đoàn đã di chuyển qua hàng chục tỉnh, thành phố, ghi lại nhiều thước phim quý giá…

“Sức ép thời gian là rất lớn khi chúng tôi phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Vừa quay, chụp các địa điểm nổi tiếng gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh; vừa gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng sống. Chưa kể, hành trình cũng vất vả khi thời tiết thay đổi liên tục theo từng đoạn đường đi qua”, Hồng Quân chia sẻ.

Thế nhưng, ý thức được trách nhiệm của mình, cả đoàn đều quyết tâm cao. Mỗi cú bấm máy, mỗi cảnh quay đều được thực hiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng, với mong muốn đem đến những thước phim chân thực nhất, lay động nhất.

Vinh Khánh, một trong những người tham gia triển khai dự án.

Vinh Khánh, một trong những người tham gia triển khai dự án.

Theo Vinh Khánh, một trong những người tham gia triển khai dự án, thách thức hơn cả là làm sao lột tả được tinh thần lịch sử trong từng góc máy và sau đó sắp xếp ảnh đúng với hành trình di chuyển thực tế, bởi các địa điểm đều có diện tích rộng, cùng hàng trăm nghìn hiện vật được trưng bày.

Đặt máy quay giữa sân Dinh Độc lập, Vinh Khánh không khỏi trăn trở: "Liệu những người trẻ hôm nay, khi trải nghiệm không gian này qua công nghệ thực tế ảo, có cảm nhận được phần nào sự thiêng liêng của khoảnh khắc 30/4/1975?".

Chính câu hỏi ấy trở thành áp lực, nhưng cũng là động lực để mỗi cú bấm máy, mỗi chuyển động camera đều được thực hiện với sự cẩn trọng cao nhất. Với các thành viên trong đoàn, lịch sử không chỉ cần được nhìn thấy, mà còn cần được cảm nhận bằng cả trái tim.

Chỉ trong vòng hơn 20 ngày giữa tháng 3, đoàn đã di chuyển qua hàng chục tỉnh, thành phố, ghi lại nhiều thước phim quý giá…

Chỉ trong vòng hơn 20 ngày giữa tháng 3, đoàn đã di chuyển qua hàng chục tỉnh, thành phố, ghi lại nhiều thước phim quý giá…

Ngay sau quá trình quay chụp tại các điểm di tích như Kỳ đài Huế, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, quân cảng Đà Nẵng hay Dinh Độc lập, toàn bộ dữ liệu VR360 và flycam sẽ được gửi về đội hậu kỳ. Tại đây, những bức ảnh VR360 được dựng công phu từ việc ghép thủ công khoảng 50 điểm ảnh nhỏ, đồng thời decor các bước di chuyển để không gian trở nên sống động và liền mạch.

Điển hình như để tái hiện trọn vẹn không gian Dinh Độc lập rộng tới 4.500m², đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên của Báo Nhân Dân và YooLife đã thực hiện hơn 5.000 bức ảnh VR360, tái hiện gần 100 căn phòng. Quá trình hậu kỳ kéo dài suốt một tuần, với từng chi tiết nhỏ được xử lý kỹ lưỡng, bảo đảm hình ảnh có độ chân thực và sắc nét tối ưu, sẵn sàng đưa người xem du hành ngược dòng lịch sử.

Tại những điểm di tích đông khách như Đại Nội Huế, Dinh Độc lập hay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, việc quay chụp đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng về thời gian. Để ghi lại những khung hình trọn vẹn và vắng người nhất, nhóm thực hiện đã chủ động xin phép ban quản lý cho phép quay từ 6 giờ sáng, khi các khu vực còn chưa đón khách tham quan.

 Để tái hiện trọn vẹn không gian Dinh Độc Lập rộng tới 4.500m², đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên của Báo Nhân Dân và YooLife đã thực hiện hơn 5.000 bức ảnh VR360, tái hiện gần 100 căn phòng.

Để tái hiện trọn vẹn không gian Dinh Độc Lập rộng tới 4.500m², đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên của Báo Nhân Dân và YooLife đã thực hiện hơn 5.000 bức ảnh VR360, tái hiện gần 100 căn phòng.

Dù hành trình thực địa còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và lịch trình dày đặc, các thành viên trong đoàn vẫn luôn nhận được sự đón tiếp nồng hậu và sự hỗ trợ tận tình từ người dân địa phương.

Chính những tình cảm mộc mạc ấy đã tiếp thêm động lực để mỗi thành viên kiên trì với công việc, hoàn thiện tốt nhất từng khung hình ghi dấu lịch sử.

Vẽ nên chiến dịch, dựng lại một thời hoa lửa

Song song những chuyến đi là những ngày tháng miệt mài của đội ngũ họa sĩ, kỹ thuật viên dựng mô hình 3D. Dựa trên những những bản đồ chiến dịch được Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam) cung cấp, ê-kíp thực hiện đã vẽ lại từng sa bàn 3D, tái hiện những chiến dịch huyền thoại: từ giải phóng Tây Nguyên, tiến công Huế-Đà Nẵng, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ê-kíp thực hiện đã vẽ lại từng sa bàn 3D, tái hiện những chiến dịch huyền thoại: từ giải phóng Tây Nguyên, tiến công Huế-Đà Nẵng, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ê-kíp thực hiện đã vẽ lại từng sa bàn 3D, tái hiện những chiến dịch huyền thoại: từ giải phóng Tây Nguyên, tiến công Huế-Đà Nẵng, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hải Sơn, một nhân sự của YooLife trực tiếp tham gia quá trình dựng mô hình, cho biết: Thách thức lớn nhất không chỉ nằm ở việc chuyển đổi từ các bản đồ 2D thành mô hình 3D mà còn ở khâu tối ưu dung lượng mô hình.

“Mỗi sa bàn cần bảo đảm hiển thị đầy đủ chi tiết lịch sử, đẹp mắt mà vẫn phải giữ dung lượng nhẹ nhất. Thông thường 1 mô hình 3D có dung lượng khoảng 50MB, thì cả 4 sa bàn được thực hiện lần này chỉ dưới 10MB, nhằm tăng tốc độ tải và cải thiện trải nghiệm người dùng”, anh giải thích.

Bên cạnh việc tái hiện tổng thể địa hình chiến dịch, mỗi sa bàn còn tích hợp hệ thống "story map" tương tác. Người dùng có thể lựa chọn ngày cụ thể trong chiến dịch để theo dõi hướng tấn công qua các mũi tên động, kèm theo phần mô tả ngắn gọn về sự kiện lịch sử diễn ra trong ngày đó.

Bên cạnh việc tái hiện tổng thể địa hình chiến dịch, mỗi sa bàn còn tích hợp hệ thống "story map" tương tác. Người dùng có thể lựa chọn ngày cụ thể trong chiến dịch để theo dõi hướng tấn công qua các mũi tên động, kèm theo phần mô tả ngắn gọn về sự kiện lịch sử diễn ra trong ngày đó.

Quá trình hoàn thiện các sa bàn kéo dài hơn một tháng, trải qua ba lần điều chỉnh lớn, từ lớp texture bề mặt cho đến hệ thống mô phỏng hướng tấn công, để bảo đảm hình ảnh cuối cùng vừa chính xác vừa dễ dàng tiếp cận với đông đảo người dùng.

Bên cạnh việc tái hiện tổng thể địa hình chiến dịch, mỗi sa bàn còn tích hợp hệ thống "story map" tương tác.

Bên cạnh việc tái hiện tổng thể địa hình chiến dịch, mỗi sa bàn còn tích hợp hệ thống "story map" tương tác.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập mạng xã hội thực tế ảo YooLife, để lịch sử không còn khô khan, không xa rời thực tại, điều cần thiết là phải để công nghệ và xúc cảm con người đồng hành. Những nét vẽ 3D, những thước phim VR360 vì thế không chỉ tái hiện cảnh quan, mà còn tái hiện khí chất và tinh thần của những thời khắc đã qua. Kết hợp với nội dung phong phú và cẩn trọng được các phóng viên, biên tập viên Báo Nhân Dân thực hiện trước đó, công nghệ và hàng trăm bài báo công phu, chất lượng, đã tạo nên một “cách kể chuyện” mới mẻ, sáng tạo và gần gũi với bạn đọc về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Không dừng lại ở việc dựng lại hình ảnh, Báo Nhân Dân và YooLife cũng hướng tới việc làm mới cách tiếp cận di sản, thông qua những mô hình thực tế ảo tương tác, các hành trình tham quan ảo linh hoạt và những hoạt động truyền thông đa nền tảng.

Trong tương lai, hành trình số hóa lịch sử vẫn sẽ tiếp tục được mở rộng. Những chuyến xe thực địa sẽ còn băng qua nhiều vùng đất mới, những bức tranh sa bàn 3D sẽ tiếp tục được hoàn thiện thêm chi tiết, thêm cảm xúc. Và qua mỗi lần trải nghiệm, tình yêu với lịch sử, lòng tự hào dân tộc sẽ âm thầm được bồi đắp, dù chỉ qua một cú chạm nhẹ trên màn hình số.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-ke-lich-su-bang-cong-nghe-doc-viet-nam-cua-bao-nhan-dan-va-yoolife-post876125.html
Zalo