Hành trình giữ biển, bảo vệ ngư trường truyền thống
Những ngày biển yên, khi nắng trải nhẹ trên mặt sóng, từng chiếc thuyền nằm nép mình trong vũng neo chờ ngày ra khơi. Trên bãi, tiếng gõ lưới rộn ràng, mùi nhựa tàu, mùi mặn mòi của cá, của gió, của biển cứ thế quyện lấy nhau trong một vòng quay nhẫn nại. Với ngư dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ, biển không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là phần máu thịt, không gian sinh tồn và gìn giữ truyền đời. Chính trong nhịp sống ấy, một cuộc khảo sát đặc biệt vừa được thực hiện, nối đất liền với biển khơi bằng cả sự lắng nghe, thấu hiểu và hành động thiết thực.

Lực lượng Cảnh sát biển và BĐBP Phú Yên phối hợp kiểm tra tàu cá của ngư dân Phú Yên hoạt động trên biển. Ảnh: Ngũ Tố
Khảo sát để lắng nghe, đồng hành để sẻ chia
Những ngày cuối tháng 4, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phối hợp với BĐBP Phú Yên và Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên thực hiện khảo sát thực địa ngư trường truyền thống từ Bình Thuận đến Phú Yên. Suốt hải trình, bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ ngư dân trên biển, đoàn công tác còn đến nhiều làng biển, bến cảng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và trực tiếp kiểm tra thực trạng chấp hành pháp luật của ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên biển.
Qua khảo sát, đoàn công tác đánh giá cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân Phú Yên. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 tàu cá, trong đó, 676 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm 22,54% số tàu cá trên địa bàn. Phần lớn các chủ tàu đã thực hiện việc ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ, đúng quy định. Đặc biệt, ở các tổ đội sản xuất an toàn trên biển, ngư dân thường xuyên nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật, hỗ trợ nhau về thông tin, kỹ thuật và động viên tinh thần mỗi khi ra khơi.
Tuy vậy, vẫn còn đó những khó khăn không dễ vượt qua. Nhóm tàu nhỏ hoạt động gần bờ thường thiếu thiết bị hiện đại, trong khi thao tác kỹ thuật chưa thuần thục. Tại nhiều khu vực, sóng điện thoại yếu, tài liệu tuyên truyền chưa phù hợp với đặc thù hoạt động dài ngày, khiến việc tiếp cận thông tin pháp luật trở nên hạn chế.
Thượng tá Huỳnh Văn Đính, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên cho biết: “Thực tế cho thấy, ngoài tuyên truyền, rất cần hỗ trợ thực hành, hướng dẫn trực tiếp trên tàu và tại bến. Việc tuyên truyền phải đổi mới, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với ngư dân”. Không dừng ở việc khảo sát, đoàn công tác còn mang theo những phần quà ý nghĩa: Áo phao, nhu yếu phẩm, tài liệu pháp luật như một cách gửi gắm sự sẻ chia từ đất liền. Đó không chỉ là vật chất, mà còn là sự đồng hành, tiếp sức để mỗi ngư dân thêm vững lòng vươn khơi.
Giữa cái nắng như đổ lửa của dải đất miền Trung, ông Nguyễn Khuyên, một ngư dân lão luyện ở phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên vẫn cẩn thận vá lưới, chuẩn bị cho chuyến khơi xa sắp tới. Trò chuyện với chúng tôi, ông thẳng thắn chia sẻ: “Làm nghề biển bây giờ không đơn giản chỉ là ra khơi đánh bắt. Chúng tôi phải tuân thủ nhiều quy định từ hồ sơ, nhật ký, thiết bị hành trình đến các quy chuẩn kỹ thuật. Chấp hành pháp luật không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách tự bảo vệ mình và gìn giữ ngư trường của cha ông để lại”. Lời chia sẻ của ông Khuyên như chạm đến cái gốc sâu xa trong câu chuyện biển rằng, phát triển nghề cá bền vững không thể chỉ dừng ở việc đánh bắt, mà còn là nhận thức, là hành xử có trách nhiệm với biển, với cộng đồng, với tương lai.
Từ nhật ký hành trình đến những mong mỏi thực tế
Trên chiếc tàu PY94777TS đang neo tại cảng cá Dân Phước, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ông Trương Văn Nêu, chủ tàu lật giở từng trang nhật ký khai thác, chỉ vào màn hình thiết bị giám sát hành trình mới được cập nhật và nói: “Chúng tôi xác định rõ, nghề cá giờ phải bài bản, phải theo luật. Không thể làm kiểu chụp giật như xưa được nữa. Tàu đi đến đâu đều có định vị, có nhật ký, để nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng dễ truy vết, dễ được hỗ trợ”.
Ông Nêu chia sẻ thêm, điều mà ngư dân mong mỏi không chỉ là thiết bị, mà còn là các lớp hướng dẫn cụ thể, trực tiếp, sát thực tế. Nhiều ngư dân vẫn lúng túng khi sử dụng thiết bị, nhiều chỗ chưa được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Nếu có lực lượng về tận cảng hướng dẫn thì dễ tiếp thu hơn nhiều. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết: Tuyên truyền phải đi cùng huấn luyện; hỗ trợ pháp lý cần đồng đều hơn giữa các vùng và hơn hết, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và bà con ngư dân ngay từ trong từng phiên biển.
Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã phối hợp với các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên tổ chức 195 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các bến cá, làng chài, thu hút 2.815 lượt ngư dân tham gia. Hàng ngàn tờ rơi, sổ tay pháp luật cũng đã được phát tận tay các chủ tàu, thuyền viên. Song song với công tác tuyên truyền, nhiều mô hình như: “Tổ sản xuất an toàn trên biển”, “Dòng họ tự quản”, “Bến bãi an toàn” tiếp tục được triển khai hiệu quả. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển” nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã duy trì 81 dòng họ với 716 thành viên tự quản về an ninh trật tự; 5 bến bãi an toàn với 37 thành viên; 170 tổ sản xuất an toàn trên biển, quản lý 1.703 tàu cá với tổng số 6.801 lao động.
Từ những tác động thực chất đó, bà con ngư dân dần hình thành thói quen ghi chép nhật ký khai thác, kiểm tra thiết bị trước mỗi chuyến đi. Tại nhiều nơi, người dân còn chủ động nhờ các lực lượng hướng dẫn kỹ thuật, cử người đi học tập mô hình từ các địa phương khác. Đặc biệt, qua các chuyến khảo sát thực tế như lần này, nhiều vấn đề tồn đọng đã được nhận diện rõ ràng: Nhu cầu trang bị thiết bị giám sát hành trình cho tàu nhỏ; nhu cầu được tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan sinh động và cả nhu cầu đối thoại trực tiếp để tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể.
Khảo sát ngư trường truyền thống không chỉ là hoạt động kiểm tra, mà còn là dịp để lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành với ngư dân. Trên từng con tàu đang rẽ sóng ra khơi hôm nay không chỉ có cá tôm, mà còn có cả niềm tin vào một hậu phương vững chắc, luôn sẵn sàng tiếp sức, luôn lắng nghe và hành động. Những hoạt động cụ thể, từ chiếc áo phao được trao đến một buổi nói chuyện trực tiếp giữa lực lượng chức năng và ngư dân đều góp phần tạo nên sự thay đổi bền vững. Để mỗi chuyến ra khơi không chỉ an toàn, đúng luật, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, vun đắp cho ngư trường truyền thống ngày thêm trù phú.
Đại tá Lê Văn Tú, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 khẳng định: “Những khảo sát thực địa như lần này không chỉ giúp chúng tôi nắm chắc tình hình, mà còn tạo nền tảng để xây dựng kế hoạch tuyên truyền sát thực tế hơn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư, chính quyền địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nhất là trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đó là cách để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giữ biển”.