Hợp tác Việt Nam với Liên bang Nga và các nước bạn bè truyền thống trong giáo dục
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã có buổi làm việc song phương với Lãnh đạo Bộ Khoa học và Giáo dục Cộng hòa Azebaijan, Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga, Bộ Giáo dục Cộng hòa Belarus, ký Hiệp định về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm Pushkin với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Bộ trưởng Valeryi Falkov trao Hiệp định tại điện Kremlin dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Putin. Ảnh: GD
Ngày 8/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga, ngài Valeryi Falkov và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga, ngài Konstantin Mogilevskyi.
Năm 2025 cũng là năm Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Giáo dục và đào tạo là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng lãnh đạo Bộ Khoa học Giáo dục đại học Liên bang Nga vui mừng khẳng định quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển. Năm 2025, đã có gần 1.500 ứng viên dự tuyển học bổng Hiệp định với Liên bang Nga theo các chuyên ngành khoa học kỹ thuật, xã hội - nhân văn, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, công nghệ mới. Ba mạng lưới các trường đại học Việt - Nga về kỹ thuật công nghệ, về công nghệ thông tin và về Kinh tế đang ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Hai bên thống nhất sẽ tổ chức diễn đàn hiệu trưởng các trường đại học Việt - Nga lần thứ 3 tại Hà Nội vào đầu năm 2026 nhân dịp năm hợp tác Việt - Nga.
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Bộ trưởng Valeryi Falkov đã thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về thành lập và hoạt động của Trung tâm tiếng Nga A.X.Puskin.
Văn kiện quan trọng này sau đó đã được trao chính thức trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin vào ngày 10/5.
Hiệp định này sẽ củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga, là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy việc tuyên truyền quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga, thúc đẩy phát triển việc nghiên cứu, dạy và học tiếng Nga, văn học Nga ở Việt Nam, góp phần vào ngoại giao nhân dân, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tham dự buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Nga. Ảnh: GD
Trước đó, ngày 7/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Cộng hòa Azebaijan, ngài Gasan Gasaly.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng Thứ trưởng Gasan Gasaly vui mừng khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Azerbaijan vẫn được duy trì và củng cố.
Thứ trưởng Gasan Gasaly khẳng định mặc dù 2 nước ở khoảng cách rất xa, nhưng giáo dục sẽ là cầu nối đưa 2 bên gần nhau hơn. Azerbaijan mong muốn hợp tác về giáo dục và đào tạo với Việt Nam, một đất nước đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực như kinh tế, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật công nghệ, y dược...
Hai Thứ trưởng đã thống nhất trong thời gian tới sẽ sớm ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục vào đào tạo để tiếp tục thực hiện đào tạo nguồn nhân lực theo diện Hiệp định. Đặc biệt thúc đẩy việc hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở giáo dục của hai nước trong các ngành hai bên quan tâm và có thế mạnh.
Dự kiến, ngày 12/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp tục làm việc song phương với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Belarus để trao đổi về các hoạt động hợp tác giáo dục giữa 2 nước, thống nhất nội dung Nghị định thư về hợp tác đào tạo để sớm ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cử và tiếp nhận công dân 2 nước đến học tập.
Hợp tác giáo dục với Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ đã có bề dầy truyền thống, luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo đảng, nhà nước của các bên. Hợp tác này cần được tăng cường, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.