Hành trình gieo tri thức, ươm mầm khát vọng

Trong sự nghiệp 'trồng người' cao cả, mỗi giáo viên được ví như người lái đò thầm lặng, ngày ngày chở tri thức qua bến bờ tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, các thầy cô không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là những người tiên phong, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hành trình ấy tuy lặng lẽ nhưng đã viết nên những câu chuyện đầy cảm hứng, đặt nền tảng cho tương lai của bao thế hệ học sinh ở Lạng Sơn.

Cô giáo trẻ Tô Lan Anh (Giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn) hướng dẫn học sinh trong giờ học

Cô giáo trẻ Tô Lan Anh (Giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn) hướng dẫn học sinh trong giờ học

Người ta thường nói, không có con đường nào trải sẵn thảm đỏ và không có thành công nào mà không trải qua những tháng ngày rèn luyện vất vả, gian nan. Trên bước đường gập ghềnh, chông gai đó, thầy cô chính là những người đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, tiếp sức và định hướng cho học trò những hướng đi phù hợp, đúng đắn như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Ở Lạng Sơn, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, hành trình ấy còn mang những đặc thù riêng, gắn liền với sự nỗ lực không ngừng của những "người lái đò" nhằm đem ánh sáng tri thức đến với mọi miền, từ thành thị đến nông thôn.

Tận tâm cống hiến

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), những năm qua, các cấp, ngành đã và đang có nhiều nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên; đồng thời chủ động giải quyết những khó khăn phát sinh về thiếu giáo viên, góp phần ổn định đội ngũ trong từng năm học. Đến nay toàn tỉnh có hơn 14.000 giáo viên các cấp học. Nhìn chung đội ngũ giáo viên đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, năng động, sáng tạo và có tinh thần học tập tích cực để nâng cao nhận thức, trình độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.

Ghi nhận tại Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn), từ năm học 2023 - 2024 đến nay, nhà trường duy trì số lượng cán bộ quản lý, giáo viên là hơn 90 người, trong đó khoảng 60% giáo viên nhà trường là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và hầu hết là giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT. Thầy Mông Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường hiện có 32 lớp với hơn 1.000 học sinh. Xác định đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dạy và học, từ nhiều năm nay, nhà trường đã tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tạo điều kiền để giáo viên có nhu cầu, nguyện vọng được học tập nâng cao trình độ.

Giáo viên hướng dẫn học sinh trong một tiết học Địa lý tại lớp 12E Trường THPT chuyên Chu Văn An

Giáo viên hướng dẫn học sinh trong một tiết học Địa lý tại lớp 12E Trường THPT chuyên Chu Văn An

Nhờ đó, công tác dạy học của nhà trường luôn được đảm bảo, ghi nhận trong năm học 2023 - 2024 vừa qua, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi, kết quả học tập tốt đạt gần 80%.

Không chỉ riêng tại trường THPT chuyên Chu Văn An, những năm qua, toàn ngành đã và đang nỗ lực thực hiện đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, giáo viên chính là những người trực tiếp triển khai, thực hiện những yêu cầu đổi mới này. Bước vào thời đại công nghệ phát triển, mỗi bài giảng của giáo viên cần sự đầu tư về cả kiến thức, công nghệ, vốn hiểu biết xã hội để đem đến cho các em những bài học hấp dẫn nhất. Đây vừa là một thách thức, vừa là cơ hội cho giáo viên tiếp tục học hỏi, thay đổi vì một nền giáo dục hiện đại.

Cô giáo Tô Lan Anh, Giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn (được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp trung ương lần thứ IV năm 2024) chia sẻ: Trong thời đại công nghệ phát triển, việc đổi mới giáo dục không chỉ là nhiệm vụ mà còn là động lực để mỗi giáo viên không ngừng hoàn thiện mình. Học sinh ngày nay có khả năng tiếp cận thông tin phong phú từ nhiều nguồn, vì vậy mỗi bài giảng của thầy cô cần sự sáng tạo, đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp. Với tôi, việc tích hợp công nghệ vào dạy học, chẳng hạn như: sử dụng các ứng dụng học tiếng Anh hay khai thác video, trò chơi tương tác, giúp các em hứng thú hơn với bài học. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tôi tiếp tục học hỏi, thay đổi vì một nền giáo dục hiện đại.

Không chỉ tích cực trong công tác giảng dạy, nhiều giáo viên còn phát huy năng lực thông qua các sáng kiến, kinh nghiệm, cải tiến phương pháp giảng dạy qua đó đem lại hiệu quả giáo dục tích cực. Có thể kể đến đó là cô giáo Phùng Thị Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng. Từ năm 2015 đến nay, qua thực tiễn giảng dạy của bản thân, cô Thảo đã có 8 đề tài, sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở và áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy, bản thân cô vừa là cán bộ quản lý, vừa trực tiếp giảng dạy ôn luyện cho học sinh thi vào 10, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhờ sự nỗ lực của cô và tập thể sư phạm nhà trường, trong 3 năm qua, nhà trường đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, nhà trường có trên 50 lượt học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật, thể thao cấp tỉnh, cấp bộ…

Trên đây chỉ là số ít nhà giáo trong tổng số hơn 16.500 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó có trên 14.000 giáo viên toàn tỉnh - những người vẫn ngày đêm miệt mài bên từng trang giáo án, không ngừng sáng tạo, trao tri thức, truyền cảm hứng cho học sinh. Từ những giáo viên vùng sâu, vùng xa vượt khó đến trường, đến những nhà giáo tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tất cả đều đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giáo dục tỉnh nhà. Nhờ sự nỗ lực bền bỉ ấy, giáo dục Lạng Sơn đã có những bước tiến đáng ghi nhận không chỉ về chất lượng học sinh giỏi mà còn ở việc nâng cao nhận thức, kỹ năng và khả năng hội nhập cho thế hệ trẻ. Đây chính là minh chứng cho tinh thần tận tụy của đội ngũ nhà giáo, những người đã âm thầm xây dựng nền móng tri thức, gieo niềm đam mê học tập và khơi gợi những ước mơ lớn lao cho học sinh.

Những kết quả đáng ghi nhận

Bằng sự nỗ lực, tận tâm của các thầy, cô giáo, hành trình gieo tri thức đã mang lại "trái ngọt" cho ngành giáo dục tỉnh nhà, chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT các môn văn hóa năm học 2023 - 2024 có 87 thí sinh dự thi với 9 môn thi. Kết quả có 33/87 thí sinh đạt giải (đạt 37,93%), tăng 17 giải so với năm học 2022 - 2023, trong đó có 1 giải nhất, 12 giải ba và 20 giải khuyến khích. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, 11 và 12 cấp tỉnh năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 3.630 thí sinh dự thi 9 môn văn hóa (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc). Kết quả cụ thể: đối với lớp 9 có 400/699 thí sinh đạt giải; đối với lớp 11 có 884/1559 thí sinh đạt giải; đối với lớp 12 có 818/1.372 thí sinh đạt giải.

Em Vy Thu Hiền, học sinh lớp 12 chuyên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia vừa qua, em rất vui khi đạt giải ba môn Ngữ Văn. Thành tích này không chỉ là kết quả của sự cố gắng cá nhân mà còn nhờ sự tận tâm, dẫn dắt và truyền cảm hứng từ thầy cô giáo. Thầy cô không chỉ giảng dạy kiến thức chuyên môn mà còn luôn động viên, giúp em phát huy khả năng tư duy và niềm đam mê với môn học. Những giờ học sôi nổi trên lớp hay buổi ôn luyện kỹ lưỡng và cả những lời động viên chân thành không chỉ trang bị kiến thức mà còn tiếp thêm động lực để em tự tin hơn trong các kỳ thi. Em xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô và coi đây là động lực lớn để tiếp tục nỗ lực, chinh phục những thử thách mới trên con đường học tập.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Dũng, giáo viên môn Toán (Trường THPT chuyên Chu Văn An) dạy học sinh làm bài tập trên lớp

Thầy giáo Nguyễn Thanh Dũng, giáo viên môn Toán (Trường THPT chuyên Chu Văn An) dạy học sinh làm bài tập trên lớp

Cùng với chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà cũng đã được nâng lên, đặc biệt ở cấp THPT. Cụ thể, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,1%, cao hơn năm 2023 0,84%. Điểm trung bình các môn của tỉnh là 6,43 điểm, tăng 0,26 điểm so với năm 2023. Toàn tỉnh có 90 thí sinh đạt điểm 10 các môn thi tốt nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà giáo ưu tú Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Các thầy cô giáo chính là những người đặt nền móng, tạo dựng tương lai cho sự phát triển của xã hội. Là tỉnh miền núi, biên giới nên nhiều năm qua, đội ngũ giáo viên trong tỉnh đã âm thầm cống hiến, vượt qua muôn vàn khó khăn để mang tri thức đến với học sinh, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Chính từ sự tận tụy ấy, ngành giáo dục tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như: nâng tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi và cải thiện chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và sự phát triển không ngừng của thời đại, mong rằng các thầy cô sẽ tiếp tục học hỏi, sáng tạo trong giảng dạy, phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt, là người truyền đạt kiến thức, khơi gợi đam mê, cảm hứng học tập, góp phần xây dựng thế hệ trẻ tự tin, năng động và sẵn sàng hội nhập với thế giới.

Hành trình của các thầy cô giáo ở Lạng Sơn vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Những người lái đò ấy không chỉ dạy kiến thức mà còn gieo mầm ước mơ, xây dựng nhân cách và thắp sáng niềm tin cho bao thế hệ học trò.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/gieo-tri-thuc-gat-thanh-cong-hanh-trinh-tham-lang-cua-nguoi-lai-do-5028922.html
Zalo