Hành trình gần 40 năm phát triển du lịch tàu biển quốc tế (bài 1)

Ngành du lịch tàu biển ở Khánh Hòa được coi như đi lên từ 'chân đất'. Xác định khách châu Âu đi bằng đường biển sẽ 'mở đường' cho nhiều dòng khách từ các thị trường khác đến Khánh Hòa, sau gần 40 năm phát triển, Khánh Hòa trở thành một trung tâm du lịch lớn đẳng cấp thế giới. Mùa đón tàu du lịch biển năm 2024-2025 có vẻ như đang bị 'hụt hơi', nhiều tàu du lịch đã thông báo hủy chuyến vào Nha Trang, Khánh Hòa.

Bài 1: Đón tàu quốc tế sau năm đổi mới

“Bây giờ, với năng lực tổ chức của doanh nghiệp lữ hành du lịch, số lượng xe ô tô, hướng dẫn viên quốc tế ở Khánh Hòa, thì cùng một lúc đón được 3 chiếc tàu du lịch biển quốc tế cỡ lớn cập vào cảng Nha Trang, với 3.000-4.000 khách lên bờ đi tham quan các nơi. Trong khi đó, cách đây mấy chục năm, đón một chiếc tàu chỉ mấy chục du khách, mà phải lập ra đủ các ban bệ của tỉnh, họp lên họp xuống nhiều lần, phái Công an đến các điểm “nằm vùng”. Mới giai đoạn đầu phát triển sợ đủ thứ”.

Đó là chia sẻ của ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Du lịch Thương mại Phương Thắng, tỉnh Khánh Hòa. Ông Thắng là hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu đón khách tàu biển ở Nha Trang. Ông Thắng cảm nhận thực tiễn: “Hồi trước đón tàu nhỏ, ít khách, nhưng toàn dân giàu đi du lịch tàu biển, họ đi từ nước này qua nước khác. Chỉ cần phục vụ một tàu là “đủ ăn” cả năm, bây giờ tàu nào cũng chở từ 2.000-4.000 khách, kèm theo cả 1.000 thủy thủ, phục vụ trên tàu. Riêng xe ô tô chờ đón khách tại cảng Nha Trang nằm dài cả bãi, “tiền bo” cũng ít lắm”.

Tàu du lịch Ocean Pearl cập vào cảng Nha Trang sau năm đổi mới (1986). Ảnh: Ông Bùi Minh Thắng cung cấp

Tàu du lịch Ocean Pearl cập vào cảng Nha Trang sau năm đổi mới (1986). Ảnh: Ông Bùi Minh Thắng cung cấp

Đón khách xịn bằng “xe điếc”

Năm 1987, chiếc tàu du lịch quốc tế cập cảng Nha Trang đầu tiên, coi như sau một năm đổi mới. Cảng Nha Trang là cảng hàng hóa tổng hợp, chủ yếu tiếp nhận tàu hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô (Nga), Triều Tiên, Trung Quốc... “Thời kỳ chưa có tàu du lịch biển quốc tế vào Nha Trang, dòng khách chủ yếu đến từ Liên Xô đi theo đoàn, là những cán bộ, công nhân sản xuất giỏi được đi nghỉ mát. Cách phục vụ cũng rất “kế hoạch, bao cấp”, "bán bia kèm theo lạc". Đến khi đón tàu du lịch biển toàn khách châu Âu, họ chu du khắp thế giới, người làm du lịch ở Nha Trang chuyển sang làm tàu du lịch giống như từ “chân đất” đi lên, nghèo nàn, lạc hậu” - ông Trịnh Văn Sáu, nguyên Trưởng phòng Hướng dẫn du lịch, Công ty du lịch tỉnh Khánh Hòa nhớ lại.

Biểu hiện “cái nghèo” rõ nhất, công ty du lịch phải đánh công văn qua xí nghiệp xe khách tỉnh mượn mấy chiếc xe đò chở khách đi các huyện, xuống cảng chở khách tàu du lịch quốc tế. “Xe phủ lên lớp bụi đỏ, công nhân xịt nước cho sạch một chút, xe không có quạt, không có điều hòa. Khách đang ở dưới tàu mát rười rượi, thơm tho, bước lên chiếc xe đò bốc mùi dầu nồng nặc, nóng đổ mồ hôi. Người của tàu đi theo xe, họ cho mượn bộ đàm để có việc gì gọi về điều hành tàu. Đôi khi bộ đàm không gọi được, coi như thành “xe điếc”, chẳng có cách nào để liên lạc với điều hành. Khách người già nhiều rất sợ trượt gãy chân” - ông Sáu kể tường tận.

- Rõ ràng có sự khác biệt quá lớn, giữa tiện nghi, phương tiện của khách hạng sang đang sử dụng, có khi nào khách từ chối lên xe ô tô tại cảng chưa? - tôi hỏi.

- Thời đó, khách mua một tour đi qua 2-3 quốc gia, ghé nhiều cảng, với số tiền 20.000 USD/khách, số tiền này đủ mua căn nhà mấy tầng mặt tiền ở Nha Trang. Chỉ có những người giàu họ mới đi du lịch tàu biển quốc tế. Chắc khách cũng có sự cảm thông với một đất nước Việt Nam vừa mới trải qua cuộc chiến tranh bị tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận, không có khách nào từ chối lên xe ô tô cả, mặc dù xe rất nóng. Hồi đó còn chưa có chai nước suối mời khách, dưới tàu chuẩn bị cho thùng nước mang lên xe để khách uống dọc đường. Được cái, khách đến chợ Đầm và một điểm du lịch rất thanh bình, không có người chèo kéo bán hàng như bây giờ.

Phục vụ một tàu khách đến từ châu Âu, ở nước ta đặt ra công tác đảm bảo an ninh, an toàn rất cao, đặc biệt là đề phòng kẻ xấu móc nối hoạt động tình báo, gián điệp rất cao. Ông Sáu tâm sự: “Âu cũng là chuyện lịch sử đã qua, hồi đó nhìn chỗ nào cũng coi chừng có phản động “cài cắm”. Khách Tây mời mình ăn, không dám ngồi chung, anh nào láng cháng là bị kiểm điểm như chơi. Có một anh làm công tác cửa khẩu ở cảng Nha Trang, biết nói tiếng Anh, giúp người thủy thủ tàu mua đồ trái cây bán trước cổng cảng, kể thêm vài chuyện văn hóa, lịch sử Nha Trang, có vẻ thân mật. Anh đó bị vào “tầm ngắm” của mấy ông “an ninh mật” ngoài cổng, báo cáo lên cấp trên và yêu cầu kiểm điểm anh cán bộ kia”.

Quyết đưa tàu lớn vào cảng

“Vạn sự khởi đầu nan”, những năm 1987-1988, mỗi mùa chỉ đón khoảng vài tàu du lịch quốc tế cập cảng Nha Trang. Đây là đánh dấu triển vọng lớn, dấu ấn giai đoạn đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, có ý nghĩa vô cùng. “Khách châu Âu giống như “mở đường” và “chứng thực” cho dòng khách châu Á, châu Mỹ... đến du lịch Nha Trang. Họ đi bằng tàu biển thấy Nha Trang đẹp, yên bình, thời gian sau họ quay trở lại bằng đường hàng không ở lại nhiều ngày hơn, khám phá gốc rễ cốt cách văn hóa, con người vùng đất ven biển” - ông Sáu đưa ra thông tin quan trọng.

Ông Phạm Hữu Khánh say sưa kể chuyện đón tàu khách. Ảnh: Hải Luận

Ông Phạm Hữu Khánh say sưa kể chuyện đón tàu khách. Ảnh: Hải Luận

Những chuyến tàu du lịch nhỏ đến Nha Trang trước, coi như tiên phong “dò đường”, tiếng gần đồn xa từ các hãng tàu du lịch biển trên thế giới với nhau. Các hãng tàu bắt đầu biết đến Nha Trang nằm gần với tuyến hàng hải thế giới, cảng nằm ngay trong thành phố, có bãi biển dài tuyệt đẹp, đảo Hòn Tre và nhiều đảo nhỏ che chắn vịnh kín gió quanh năm, độ sâu lý tưởng để cho những chiếc tàu khách dài 250-300m vào khu vực cảng.

Đầu năm 1990, diễn ra sự kiện “nhớ đời” cho những cơ quan, đơn vị đón tàu khách du lịch quốc tế cập cảng Nha Trang. Ông Phạm Hữu Khánh, nguyên Giám đốc Chi nhánh đại lý hàng hải Việt Nam tại Nha Trang nhớ lại: “Chiếc tàu dài 240m, trong khi cảng Nha Trang (cũ) rất ngắn, nhiều ban, ngành như: Cảng vụ Nha Trang, hoa tiêu, đại lý tàu, Biên phòng... họp bàn nhiều lần. Vì thương hiệu quốc gia, thương hiệu du lịch, họ quyết định cùng với thuyền trưởng đưa tàu vào cập cảng. Lúc đó sợ 2 chiếc tàu lai dắt nhỏ xíu không đủ mạnh kèm con tàu khổng lồ vào cảng an toàn. Bên chủ tàu nói tàu khách có 5 chân vịt, ở trước mũi, hai bên mạn có 2 cái, mạn sau lái có 2 cái. Với cơ cấu chân vịt như thế này, tàu khách sẽ tự cập vào cảng, 2 chiếc tàu kéo sẵn sàng hỗ trợ. Tàu cập vào cảng an toàn, phía mũi thừa ra dài phía lầu Bảo Đại, lái thừa ra ở phía bến đò Cầu Đá”.

Tàu lớn khách đông, cán bộ làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cảng Nha Trang thực hiện đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu khách nào, thì khách đó mới được lên cảng đi tham quan. “Thời gian tàu cập cầu chỉ 7 giờ để cho khách đi tham quan Nha Trang, riêng chuyện đóng dấu nhập cảnh chiếm thời gian quá nhiều, khách phàn nàn hết thời gian đi chơi. Tỉnh họp ban chỉ đạo, rút kinh nghiệm, chuyến tàu sau cứ cho khách lên bờ trước, Biên phòng, đại lý tàu làm việc trực tiếp chỉ huy tàu, đóng dấu xuất, nhập cảnh lên hộ chiếu cho khách” - ông Khánh thông tin thêm.

Bài 2: Nghiệp vụ đón khách “chuẩn quốc tế”

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-trinh-gan-40-nam-phat-trien-du-lich-tau-bien-quoc-te-bai-1-post482922.html
Zalo