Người Lào ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên sinh sống chủ yếu ở 2 bản Na Sang 1 và Na Sang 2.
Bà con ở đây cho biết, nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời. Phần lớn sản phẩm thổ cẩm làm ra được họ sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, như làm váy áo, khăn, gối, đệm...
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại Núa Ngam, huyện Điện Biên hiện vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng.
Dưới hiên nhà truyền thống của nhiều gia đình ở bản Na Sang 2, ngày ngày phụ nữ dân tộc Lào miệt mài se sợi gìn giữ tinh hoa nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Phụ nữ Lào tại bản Na Sang lấy lá chàm để nhuộm bông.
Bông được thu hái, tách vỏ là nguyên liệu để se sợi.
Sự đồng đều, bền chắc của sợi bông quyết định chất lượng vải chàm được se tỉ mỉ bởi những người phụ nữ.
Các công đoạn từ trồng bông, thu bông, se sợi, hái chàm, ủ chàm, nhuộm sợi, dệt vải đều được thực hiện tỉ mỉ.
Nhuộm chàm, dệt vải là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Lào bản Na Sang 2
Để hoàn thiện một mảnh vải chàm phải mất gần một tháng. Từ chất liệu, màu sắc, độ dày, độ dài… đều có yêu cầu rất cao và được thực hiện bởi kinh nghiệm, sự khéo léo, quen tay của người phụ nữ.
Quy trình đập vải sau khi nhuộm chàm
Nhuộm chàm, đập vải, phơi khô sẽ được thực hiện nhiều lần đảm bảo mỗi sợi bông đều màu, bền màu khi dệt thành phẩm.
Sau khi nhuộm, sợi bông thô được dệt thành những tấm thổ cẩm với màu sắc khác nhau
Màu sắc chủ đạo thường là những gam màu trầm như đen, đỏ, và trắng, tạo nên sự thanh lịch và gần gũi.
Họa tiết trang trí bao gồm các hình tượng về hoa lá, con vật, hình thoi hoặc hình xoắn ốc, thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Sang 2 không chỉ đơn thuần là nghề thủ công phục vụ sinh hoạt gia đình mà còn trở thành sản phẩm có giá trị văn hóa và kinh tế.
Những tấm thổ cẩm được dệt thủ công đã trở thành quà tặng, đồ lưu niệm cho du khách khi đến tham quan, giúp người dân tăng thêm thu nhập và gìn giữ nghề truyền thống.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào” huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thủ công truyền thống được đồng bào dân tộc Lào ở Núa Ngam gìn giữ, phát huy, với mong muốn đưa các sản phẩm thổ cẩm trở thành một trong sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo ấn tượng với mỗi du khách khi có dịp đến với Điện Biên.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc