Hành trình của những cuốn sách Đẹp

Họa sĩ Trần Đại Thắng - người mở đường cho dòng sách thủ công ở Việt Nam từng chia sẻ rằng: 'Một cuốn sách không chỉ cần hay mà còn nên đẹp bởi sẽ giúp ta có thêm tình yêu, sự trân quý đối với sách vở, việc đọc, và cả những xúc cảm thẩm mỹ'. Đó là hành trình 20 năm theo đuổi con đường làm sách và ấp ủ giấc mơ mang sách thủ công 'made in Việt Nam' ra thế giới.

Hành trình 20 năm

Trong những ngày đầu năm, độc giả Hà Nội được chiêm ngưỡng những ấn bản sách thủ công của công ty Sách Đông A trưng bày tại không gian nghệ thuật của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Với họa sĩ Trần Đại Thắng đó là hành trình trở về, nơi anh bắt đầu ấp ủ cho giấc mơ làm sách của mình.

Đó là năm 2005, Đông A cho ra mắt ấn bản đặc biệt đầu tiên (gọi tắt là dòng sách S- viết tắt của từ Special) “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ” gây ấn tượng bởi cách làm sách không giống ai của họa sĩ Trần Đại Thắng. "Lúc đó, khi rong ruổi khắp mọi miền đất nước để xin chữ ký trực tiếp của các nhà văn có tác phẩm được in trong hợp tuyển này, tôi không hình dung và cũng không tưởng tượng được hành trình làm sách S của Đông A sẽ kéo dài đến tận bây giờ, qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau".

Họa sĩ Trần Đại Thắng giới thiệu những ấn phẩm sách đặc biệt.

Họa sĩ Trần Đại Thắng giới thiệu những ấn phẩm sách đặc biệt.

Đó là hành trình 20 năm tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, nâng cao kỹ thuật làm sách thủ công, hướng tới đối tượng là những người chơi và các nhà sưu tầm sách, với 43 ấn bản đặc biệt S100 (mỗi tựa in 100 bản) và hơn 50 bản giới hạn khác đã phát hành. Không gian của Đông A hôm nay giới thiệu đầy đủ 43 bản đặc biệt S100 từ năm 2005 đến 2025. Ngoài ra còn có những ấn bản giới hạn khác như: S365, S500, S895 và tủ sách “Trăm năm Nobel”.

Có thể nói, ở thời điểm làm cuốn “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ”, Đông A gần như là đơn vị đầu tiên đưa sách phiên bản đặc biệt trở lại với những người sưu tầm và chơi sách.Tên gọi S100, logo của bộ sách... đều đã định danh, định hình từ những ngày đó. Thú chơi sách này đã có ở Việt Nam từ những năm trước 1975 nhưng sau đó bị gián đoạn. Hai năm trước, sau những khai mở của Đông A, phong trào làm sách thủ công rộ lên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng đến bây giờ, ít đơn vị còn trụ lại được với cuộc chơi kỳ công và tốn kém này.

Duy chỉ có Đông A mà linh hồn là họa sĩ Trần Đại Thắng, với một tình yêu sách đặc biệt, với một con đường chẳng giống ai, anh bền bỉ theo đuổi giấc mơ của mình. Tuy được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt nhưng họa sĩ Trần Đại Thắng tự nhận thấy kỹ thuật làm sách thủ công cần phải nâng cao hơn nữa, phải làm thế nào để có thể tiệm cận được mỹ thuật và kỹ thuật làm sách của phương Tây, những nước đã có nền tảng và truyền thống từ hàng trăm năm nay. Cơ duyên là tháng 1/2020, thầy Dư Thanh Khiêm - nhà sưu tầm kiêm nghệ nhân đóng sách đã có 15 năm kinh nghiệm theo học và thực hành đóng sách thủ công học tại Brussels, Bỉ - về Việt Nam tuyển sinh lớp đóng sách thủ công. Khi biết được thông tin này, ngay lập tức, anh mời thầy đến dạy tại trụ sở công ty ở TP. Hồ Chí Minh.

Sáu tháng sau, vào tháng 6/2020, Đông A chính thức thành lập phòng Sách thủ công. Với những kỹ thuật mới được tiếp cận, Đông A đã dần dần cho ra mắt các ấn bản đặc biệt mới, định vị một thương hiệu sách thủ công của Đông A, được giới sưu tầm sách lựa chọn.

Giấc mơ mang sách thủ công “made in Việt Nam” ra thế giới

Họa sĩ Trần Đại Thắng quan niệm, sách không đơn thuần chỉ để truyền tải kiến thức mà còn là một tác phẩm mỹ thuật, bên cạnh nội dung có giá trị thì hình thức còn mang tính thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng phong phú của bạn đọc. Với sự sáng tạo không ngừng, lần đầu tiên, độc giả được chiêm ngưỡng những tác phẩm được áp dụng lối đóng sách Bradel kết hợp với phong cách Kinh Thánh với ấn bản S100 “Nhà thờ Đức Bà Paris”. Lối đóng sách Bradel kết hợp với phong cách Kinh Thánh cũng được áp dụng với ấn bản đặc biệt “Thần khúc”. Kỹ thuật trang trí ghép da inlay được áp dụng cho ấn bản “Con Bim trắng tai đen” và “Hành trình thám hiểm Đông Dương”.

Điều đặc biệt lần này, họa sĩ Trần Đại Thắng giới thiệu tới độc giả hai ấn bản S100 của năm 2025: “Truyện Kiều” và “Lịch sử Việt Nam bằng hình”. S100 “Truyện Kiều” in Letter Press (in lún) trên giấy dó truyền thống Bắc Ninh, gây ấn tượng về cả thị giác lẫn xúc giác cho người sử dụng. Ấn bản này được giữ nguyên phách giấy ở ba cạnh, tạo sự hoài cổ và chiều dài của ký ức trong mỗi ấn bản. Trước đó, “Số đỏ” là cuốn sách in trên giấy dó đầu tiên, khâu theo lối Passé-carton (khâu rết) cổ điển châu Âu và để gáy trần.

Ấn bản S100 thứ hai của năm 2025 là “Lịch sử Việt Nam bằng hình” được in bốn màu trên giấy Magic Fabric Ivory 120 gsm. Đây cũng là lần đầu tiên, Đông A áp dụng lối làm bìa theo phong cách Đan Mạch. Bìa sách được trang trí kết hợp giữa da dê và chất liệu vải. Các họa tiết đầu đao hình rồng (hiện vật thời Lê Trung Hưng), chuôi kiếm Đông Sơn trên bìa vải được ép kim nhũ vàng và ép chìm. Đây cũng là chủ ý của Đông A, đưa văn hóa Việt vào những cuốn sách được làm thủ công bằng kỹ thuật phương Tây.

Độc giả chiêm ngưỡng những ấn phẩm sách đặc biệt.

Độc giả chiêm ngưỡng những ấn phẩm sách đặc biệt.

Ngoài những tác phẩm kinh điển thế giới, họa sĩ Trần Đại Thắng còn “chế tác” các danh tác văn học Việt Nam với minh họa của họa sĩ đương đại qua tủ sách “Văn chương & Mỹ thuật” như: “Người kép già” (tác giả: Kim Lân, minh họa: Thành Chương), “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường” (tác giả: Thạch Lam, minh họa: Đào Hải Phong), “Đôi lứa xứng đôi - Nửa đêm - Cười” (tác giả: Nam Cao, minh họa: Đặng Xuân Hòa)… Các ấn bản giới hạn trong tủ sách “Văn hóa - Lịch sử” như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt Nam văn hóa sử cương”, “Việt Nam sử lược”… cũng được Trần Đại Thắng xuất bản với những ấn bản đặc biệt. Đó cũng là cách anh nâng niu và tôn vinh văn hóa Việt.

Bởi giấc mơ của anh không chỉ dừng lại ở việc chinh phục bạn đọc trong nước mà còn mang sách S đi ra thế giới. Còn nhớ đầu năm 2024, lần đầu tiên anh mang sách thủ công sang Mỹ tham gia gian hàng tại Hội chợ Nghệ thuật Sách quốc tế CODEX tại Mỹ. Tại đây, các ấn bản giới hạn mà Đông A trưng bày và phát hành đã được khách hàng và các nhà sưu tầm đón nhận tích cực. Ấn bản giới hạn bằng tiếng Anh “The Great Gatsby” được bán hết ngay tại hội sách, nhiều người còn hẹn giao hàng sau. Sự kiện này đánh dấu hoạt động phát hành sách Đông A ra thị trường nước ngoài với nhiều cơ hội hợp tác mới.

Theo họa sĩ Trần Đại Thắng: “Dòng sách thủ công của Đông A hiện học tập và sử dụng nhiều kỹ thuật, chất liệu từ phương Tây. Song song với đó, chúng tôi luôn cố gắng kết hợp hài hòa Đông - Tây, để dòng sách S của Đông A vẫn có bản sắc Việt Nam. Có thể kể đến chất liệu sơn mài được dùng cho các ấn bản “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ”, “Gatsby vĩ đại”, “Napoléon Bonaparte”… Hay cuốn “Số đỏ” và mới đây là “Truyện Kiều” được in hoàn toàn trên giấy dó - chất liệu Việt, đã gây ấn tượng mạnh cho độc giả. Ngoài ra, thiết kế bìa nhiều cuốn sách cũng đậm chất Việt Nam như cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” hay “Việt Nam sử lược”, “Lịch sử Việt Nam” đều có những hình ảnh như rồng, phượng…

Nhiều người gọi hành trình làm sách của họa sĩ Trần Đại Thắng là một hành trình phiêu lưu. Bởi nghề chơi cũng lắm công phu, tốn kém và người chơi cũng chỉ trong giới hạn. Nếu tính bài toán kinh tế thì làm sách bình thường sẽ nhàn, không phải đau đầu lao tâm khổ tứ đến tận làng nghề mua giấy dó, sang tận châu Âu mua máy in cổ về phục chế sử dụng…

Rất nhiều gian nan trên hành trình đó. Nhưng đã trót yêu, trót đam mê, nó như một thứ men say mà Trần Đại Thắng không dứt ra được. Mỗi cuốn sách thủ công ra đời, nó đã có một đời sống riêng. Vì thế, anh lại bắt đầu một hành trình mới với những điều mới mẻ, sáng tạo hơn. Bởi anh quan niệm, sách không chỉ để đọc mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật, giúp ta có thêm tình yêu, sự trân quý đối với sách vở, việc đọc và cả những xúc cảm thẩm mỹ.

Linh Nguyễn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hanh-trinh-cua-nhung-cuon-sach-dep-i758352/
Zalo