Hạnh phúc khi 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động được Tổ quốc gọi tên

Không tên tuổi, không di ảnh, không địa chỉ, 5 chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân nay đã được vinh danh. Quá trình làm hồ sơ để trao bằng Tổ quốc ghi công cho họ là câu chuyện dài đầy cảm động.

Ngày 5-5-1968, trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, 5 nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Lê Thị Riêng hy sinh thầm lặng tại dòng Kinh Tẻ, chỉ để lại bí danh: Hai Đòn Gánh, Tư Cơm Tấm, Sáu Già, Bo, Lý Giao Duyên.

Họ không tên tuổi, không quê quán, cho đến khi bà Lê Thị Thu và bà Lê Hồng Quân, hai cựu chiến binh, quyết tâm tìm lại thông tin và lưu dấu ký ức về những đồng đội đã hy sinh. Để tưởng nhớ, Ban Liên lạc Tiểu đoàn đề xuất đặt họ “Lê” – theo tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng – cho các chiến sĩ.

Sau bao gian nan, ngày 28-4, tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM, 5 cái tên – Lê Thị Hai, Lê Văn Tư, Lê Thị Sáu, Lê Văn Bo, Lý Giao Duyên – được xướng lên trang trọng.

Hạnh phúc vì 5 liệt sĩ biệt động được Tổ quốc gọi tên

Bà Lê Thị Thu (sinh 1947, bí danh Út Hường) lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1963, bà tham gia phong trào học sinh, Phật tử, xuống đường.

Một năm sau, bà bị bắt.

Sau khi bà Thu bị bắt, cha bà đã đến bảo lãnh, cam kết sẽ không cho bà Thu đi biểu tình và được đưa bà về nhà.

Sau đó, mẹ bà Thu đưa bà vào chiến khu Củ Chi, nơi bà được nữ anh hùng Lê Thị Riêng chọn làm thư ký. Từ 1966 đến 1975, bà hoạt động giao liên, chuyển tài liệu mật trong lòng Sài Gòn.

“Chúng tôi dùng bí danh, chẳng ai biết tên thật của nhau” - bà Thu kể.

 Bà Lê Thị Thu, Chủ nhiệm khối phụ nữ CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM; nguyên Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (bên trái) thắp nhang tri ân các liệt sĩ.

Bà Lê Thị Thu, Chủ nhiệm khối phụ nữ CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM; nguyên Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (bên trái) thắp nhang tri ân các liệt sĩ.

Sau giải phóng, bà giữ nhiều vai trò, từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, đến Hội Bảo vệ Quyền trẻ em. Năm 2014, khi làm Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối phụ nữ TP.HCM, bà tiếp cận hồ sơ 13 liệt sĩ Tiểu đoàn Lê Thị Riêng. Trong đó, 8 người được công nhận năm 2012, nhưng 5 chiến sĩ hy sinh ngày 5-5-1968 vẫn vô danh vì chỉ có bí danh.

“Muốn công nhận liệt sĩ, phải có tên tuổi, quê quán, thân nhân. Nhưng bí danh thì tìm thế nào?” - bà Thu trăn trở.

Mỗi lần họp mặt Câu lạc bộ hay vào dịp tưởng niệm ngày 10 tháng Giêng hằng năm do Hội LHPN TP.HCM tổ chức, bà đều báo cáo về trường hợp 5 nữ chiến sĩ ấy.

Năm 2015, bà Thu gửi văn bản đầu tiên đến Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (nay là Sở Nội vụ) đề nghị xem xét ghi nhận công lao của các chiến sĩ này. Sau đó, bà tiếp tục gửi đơn lên UBND TP.HCM.

Bà Thu cùng với các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB, trong đó có bà Lê Hồng Quân, nguyên Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng cùng rà soát tư liệu, tìm thân nhân, dù manh mối dần mờ nhạt.

Thứ quý giá nhất mà bà Thu giữ được lúc ấy là một bức thư tay của ông Trần Bạch Đằng – Bí thư Phân khu Nội đô, người từng trực tiếp tham dự buổi họp thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trong thư, ông viết: “Vì bí mật bất ngờ tiến công địch nên tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho sáu Xuân (Lê Thị Bạch Cát – Bí thư Quận đoàn 2, đã hy sinh) và Hồng Quân phụ trách hai lực lượng biệt động đồng khởi của Quận đoàn 2 và Tiểu đoàn Lê Thị Riêng…”

Năm 2019, bà Thu gửi văn bản lên Trung ương, nhấn mạnh tính đặc thù trong hoạt động của các chiến sĩ. Ngày 11-7-2024, bà kết nối với ông Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, gửi văn bản đến Thủ tướng và chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH (nay là Bộ Nội vụ) vận dụng chính sách đặc cách để công nhận liệt sĩ cho 5 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Lê Thị Riêng.

Hội cũng đồng thời gửi văn bản kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Cục Người có công, đề nghị xem xét theo diện đặc cách. Hành trình kiên trì ấy cuối cùng đã có kết quả: 5 nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Lê Thị Riêng chính thức được công nhận là liệt sĩ và được trao bằng Tổ quốc ghi công vào ngày 28-4 vừa qua.

"Tôi vừa vui mừng, vừa xúc động khi sau gần 57 năm, các anh chị đã hy sinh nay chính thức được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng vì đã hoàn thành được trách nhiệm của mình với đồng chí, đồng đội" - bà Thu tâm sự.

Nhờ sự quan tâm sát sao của lãnh đạo thành phố

Bà Lê Hồng Quân (1947, tên thật Đào Thị Huyền Nga), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, mang trong mình gần 200 mảnh đạn và nỗi đau không thể làm mẹ do thương tích chiến tranh và đòn roi trong ngục tù Côn Đảo.

 Bà Thu (đứng giữa) tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM.

Bà Thu (đứng giữa) tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM.

Tham gia cách mạng từ năm 8 tuổi, làm liên lạc, tiếp tế cùng mẹ, năm 14 tuổi bà là Xã đội phó, 15 tuổi được kết nạp Đảng, lấy bí danh Lê Hồng Quân. Năm 16 tuổi nhập ngũ, chiến đấu ở Tây Đô, rồi được điều về Sài Gòn-Gia Định theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam.

Tết Mậu Thân 1968, bà là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng – đơn vị lấy tên người nữ anh hùng vừa hy sinh. Dưới sự chỉ huy của bà, đơn vị tham gia nhiều mũi tấn công vào nội đô sáng 5-5-1968.

Trận chiến khiến 13 người hy sinh, trong đó có 5 nữ chiến sĩ tại dòng Kinh Tẻ. Bà Quân bị thương nặng, tự cắt tay để tiếp tục chiến đấu trước khi bị bắt, đày ra Côn Đảo đến năm 1973. Sau giải phóng, bà sống với một cánh tay, cơ thể đầy thương tích và một căn nhà không tiếng trẻ con. Nhưng với bà, niềm vui là khi đồng đội được gọi đúng tên - liệt sĩ.

“Tôi rất mừng. Danh phận của họ đã được trả lại, với sự đồng hành sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM” - bà Quân nói.

Trước đó, ngày 26-2-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 437, cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 66 liệt sĩ, trong đó có 5 chiến sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 5 đại diện Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ Thành phố, tri ân 5 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng vào ngày 28-4.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/hanh-phuc-khi-5-liet-si-tieu-doan-nu-biet-dong-duoc-to-quoc-goi-ten-post847487.html
Zalo