Hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm an toàn giao thông

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn...

Một trong những lý do cần thiết ban hành Luật, Chính phủ cho rằng, Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ khắc phục những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Thực tiễn cho thấy an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.

Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản, kinh doanh và tuân theo quy luật thị trường.

Từ góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Luật TTAGTGT đường bộ 2024 tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn... Ảnh minh họa.

Luật TTAGTGT đường bộ 2024 tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn... Ảnh minh họa.

Dựa trên những quy định của pháp luật, căn cứ tình hình thực tiễn, có thể khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật TTATGT là phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, bởi:

Thứ nhất,Luật TTATGT đường bộ sẽ góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ, một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước; là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ban hành đến nay đã nhiều năm nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, trong khi tình hình TTATGT thời gian qua đã có nhiều thay đổi.

Thứ hai, Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện điều chỉnh đồng thời 2 lĩnh vực khác nhau là TTATGT và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Đây là hai lĩnh vực có phạm vi lớn, có các nội dung khác biệt, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật, nên không thể quy định một cách đầy đủ, rõ ràng, không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra để phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ…

Thứ ba,thực tế hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; các vi phạm về TTATGT còn diễn ra phổ biến, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm nước ta có gần 9.000 người tử vong, 30.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Thế nhưng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại không quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, thậm chí là gây chồng chéo giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật.

Thứ tư,trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến phức tạp, nhất là các tội phạm về gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, vận chuyển hàng giả, hàng lậu… ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặt ra yêu cầu cần có hành lang pháp lý để cơ quan thực thi pháp luật có cơ sở xử lý, tránh bỏ sót, lọt tội phạm và đó cũng là yêu cầu cần thiết để xây dựng, ban hành Luật TTATGT…

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hanh-lang-phap-ly-quan-trong-bao-dam-an-toan-giao-thong-184488.html
Zalo