Hành lang pháp lý cho phát triển đô thị bền vững

Luật Quản lý phát triển đô thị được kỳ vọng không chỉ để đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đô thị bền vững.

Một góc trung tâm quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Một góc trung tâm quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Xây dựng Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị là một trong những trọng tâm của Bộ Xây dựng trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Luật Quản lý phát triển đô thị được kỳ vọng không chỉ để đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đô thị bền vững.

Việc xây dựng và ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo và chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển đô thị bền vững. Đây cũng là giải pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển hệ thống đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị là một luật khó do chưa có một công cụ pháp lý cụ thể riêng cho lĩnh vực phát triển đô thị. Trong khi đó, các đô thị của Việt Nam có quy mô, địa điểm, lịch sử phát triển, vùng, miền đặc điểm rất khác nhau…

Ngoài ra, Dự thảo Luật được xây dựng trong bối cảnh có liên quan tới nhiều văn bản luật của nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn khi phải bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống phát luật, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò của đô thị là động lực phát triển vùng, đồng thời đặt ra yêu cầu "hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý đô thị gắn với nâng cao chất lượng sống, hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng cạnh tranh".

Dự thảo Luật lần này được xây dựng dựa trên 5 chính sách cốt lõi đã được Quốc hội thông qua, gồm 7 chương, 100 điều tương ứng với 7 nhóm nội dung: những quy định chung; hệ thống đô thị, phân cấp, phân loại đô thị; chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị và quản lý các khu vực phát triển hạ tầng đô thị; quản lý phát triển hạ tầng đô thị; quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; trách nhiệm quản lý phát triển đô thị; điều khoản thi hành.

Bình Dương đang đối mặt với thách thức lớn trong việc xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Bình Dương đang đối mặt với thách thức lớn trong việc xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Hiện hạ tầng các trung tâm đô thị lớn bị quá tải, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; tính liên kết yếu. Tại đô thị lớn, một số chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị chưa đạt yêu cầu làm giảm chất lượng đô thị.

Việc khai thác không gian ngầm cũng rất hạn chế, chưa phát huy và khai thác có hiệu quả việc sử dụng. Không gian ngầm mới chỉ được chú ý phát triển trong những năm gần đây nhưng mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị; chưa được quản lý và khai thác hiệu quả, có hệ thống trong đô thị.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị chậm được đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý; chưa đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương gắn với nâng cao năng lực, trình độ quản lý và phát huy sự tham gia, thực hiện của cộng đồng dân cư trong quản lý phát triển đô thị…

Bộ Xây dựng cho biết, ngay từ cuối năm 2021, Bộ đã tổ chức rà soát thận trọng tình hình phát triển đô thị Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lý do, sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật về đô thị.

Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị, triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị dự kiến trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp 10 Quốc hội khóa XV.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hanh-lang-phap-ly-cho-phat-trien-do-thi-ben-vung/355518.html
Zalo