Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Thực tế hiện nay, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra trong đời sống xã hội.
Đây là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, những năm gần đây, mặc dù tình trạng bạo lực gia đình đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, sự lên án gay gắt của xã hội, nhưng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn diễn ra và có những vụ việc nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của các thành viên, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Vẫn còn những câu chuyện người vợ bị chồng đánh đập bạo hành đến thương tích, tàn tật, thậm chí bị sát hại. Vẫn có những đứa trẻ bị tổn thương nặng về thể xác và tinh thần từ chính những người cha, người mẹ của mình, cá biệt có trẻ em gái bị hiếp dâm...
Nỗi đau của các nạn nhân bị bạo hành gia đình cũng chính là nỗi đau chung của toàn xã hội. Số vụ bạo lực gia đình mà các cơ quan chức năng thống kê được chỉ là một phần nhỏ so với thực tế. Bởi trong nhận thức của cộng đồng, bạo lực gia đình vẫn còn là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, chỉ khi nào mức độ bạo hành xảy ra nghiêm trọng thì nạn nhân hoặc cộng đồng mới báo cáo các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết. Do đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi cần sự nỗ lực chung tay, chung sức của cộng đồng và của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ.
Nhằm góp phần giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành,đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”.
Hội Phụ nữ các cấp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.
Các cấp Hội Phụ nữ đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, với nhiều hoạt động như: Tổ chức hàng trăm buổi truyền thông về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi, giao lưu, diễn đàn, các mô hình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng... về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới.
Đồng thời lên tiếng, vào cuộc và trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân và phối hợp với ngành chức năng giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo hành, buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em gái.
Năm 2024, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới có chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Tháng hành động được tổ chức từ ngày 15/11/2024 đến ngày 15/12/2024. Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, ngày 11/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Kế hoạch được triển khai nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em...
Với vai trò, chức năng của mình, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành trong triển khai các hoạt động nhằm cung cấp kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật. Tổ chức các hoạt động cung cấp các kiến thức về làm cha mẹ, cách chăm sóc giáo dục con cái, giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc bạo lực gia đình, kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết bạo lực nhằm bảo vệ hiệu quả phụ nữ và trẻ em.
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm, tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, văn minh, đẩy lùi bạo lực, thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.