Hành động để thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM dự kiến sẽ được thảo luận, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Nếu được thông qua, các mục tiêu lớn của Hà Nội và TPHCM về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị trong 20 năm tới là hoàn toàn khả thi.
Theo kế hoạch, đến năm 2035, Hà Nội sẽ khai thác thêm 7 tuyến và 3 đoạn tuyến với chiều dài khoảng 397km; TPHCM khai thác thêm 7 tuyến với chiều dài khoảng 355km. Đến năm 2045, hai thành phố sẽ đưa vào khai thác thêm 7 tuyến và 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài thêm khoảng 355km. Khi đó, năng lực đảm nhận của đường sắt đô thị sẽ đạt mục tiêu lý tưởng là 50%-60% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Chính sách và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị đã được đề xuất dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ quá trình triển khai các dự án đầu tiên. Trong đó, Chính phủ đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho 2 thành phố. Vướng mắc lớn nhất cần được giải quyết là nhu cầu vốn.
Theo tính toán sơ bộ, để đầu tư toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2045, Hà Nội cần 62,25 tỷ USD, TPHCM cần 67,15 tỷ USD. Hiện hai thành phố đã tính đến việc huy động tối đa các nguồn vốn và dự kiến dành khoảng 75%-85% nguồn ngân sách địa phương cho đường sắt đô thị, đồng thời đề xuất Trung ương hỗ trợ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Bộ GTVT nhận định, với định hướng phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 424.850 tỷ đồng trong 10 năm tới không tác động lớn đến ngân sách Trung ương.
Chỉ trong 10 ngày cao điểm Tết Ất Tỵ 2025, tuyến metro số 1 tại TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên) đã đón hơn 761.000 lượt khách, thu 11,7 tỷ đồng. Tại Hà Nội, 2 tuyến đang khai thác cũng phục vụ hơn 75.000 lượt khách trong dịp tết, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Những con số này cho thấy đường sắt đô thị đã thực sự thu hút người dân, là cơ sở để tin tưởng rằng, nếu có hệ thống hoàn chỉnh, người dân sẽ dần từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang giao thông công cộng.
Hà Nội và TPHCM là 2 trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị lớn nhất cả nước, nhưng cũng là những đô thị chịu áp lực giao thông nặng nề nhất, do sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển nhanh của phương tiện cá nhân. Trong bối cảnh đó, từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đường sắt đô thị được cho là giải pháp hiệu quả với năng lực có thể đảm nhận tới hơn 60% nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Nếu chậm trễ trong phát triển đường sắt đô thị, 2 đô thị lớn nhất cả nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng sống.
Đến thời điểm này, mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM không còn là xa vời. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã dành sự quan tâm và ủng hộ. Bộ GTVT đã vào cuộc quyết liệt, đồng hành với các địa phương chuẩn bị điều kiện, cơ sở vững chắc để các dự án được thực hiện thuận lợi nhất có thể. Hai địa phương đã thể hiện quyết tâm rất lớn, dành nguồn lực ưu tiên và có những bước đi dứt khoát trong triển khai. Đặc biệt, sự chờ đợi của người dân thực sự là động lực lớn để hai địa phương hành động, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng các dự án đường sắt đô thị.
Hoàn thiện nhanh hệ thống đường sắt đô thị sẽ là một trong những cú hích mạnh nhất để Hà Nội và TPHCM sớm trở thành các đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.