Hàng Việt chiếm ưu thế
Thời điểm này, từ các siêu thị đến chợ nông thôn và cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh đầy ắp hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Sản phẩm bày bán chủ yếu được sản xuất trong nước và sản phẩm OCOP với mẫu mã đa dạng, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt
Mới đầu giờ sáng, bà Thân Thị Mỹ, tổ dân phố số 3, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) đã đến Siêu thị Co.opmart Bắc Giang (TP Bắc Giang) để chọn mua hàng Tết. Bà Mỹ cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình bà ưu tiên chọn mua hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất. Bởi hàng Việt vừa rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp với khả năng chi tiêu của gia đình. Không chỉ bà Mỹ, đa số người dân trong tỉnh đều chọn mua hàng sản xuất trong nước về dùng. Chỉ tay vào các đồ dùng trong nhà, anh Nguyễn Văn Thường, thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn (Yên Thế) cho hay: “Tôi vừa hoàn thiện ngôi nhà mới nên mua sắm rất nhiều đồ dùng như: Bàn, ghế, giường, tủ, quạt điện,… Tuy nhiên, chỉ có mấy chai rượu bày trong tủ kính cho đẹp dịp Tết là hàng nhập khẩu, hầu hết đồ dùng còn lại đều do Việt Nam sản xuất”.
Tìm hiểu thị trường dịp Tết Ất Tỵ, tại các chợ trên địa bàn tỉnh như: Chợ Triển, xã Mỹ Thái (Lạng Giang); chợ Nếnh, phường Nếnh (thị xã Việt Yên), chợ Neo, phường Nham Biền (TP Bắc Giang), chợ Vân Sơn, xã Vân Sơn (Sơn Động); cửa hàng tự chọn, tạp hóa, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị The City Lục Ngạn (thị xã Chũ), Siêu thị GO! Bắc Giang, Siêu thị Co.opmart (cùng TP Bắc Giang) đã tràn ngập hàng hóa tiêu dùng dịp Tết.
Tại những điểm, khu vực kinh doanh này, hầu hết sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm chế biến và một số mặt hàng công nghệ phẩm như: Bánh kẹo, dầu ăn, bột canh, mứt Tết, đồ hộp đóng sẵn, hàng may mặc, giày dép, bia, rượu… đều do Việt Nam sản xuất với giá cả, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Ông Trịnh Ngọc Hoài Thương, Giám đốc điều hành Siêu thị Co.opmart Bắc Giang thông tin, Siêu thị đang cung ứng hơn 20 nghìn mã sản phẩm. Trong đó, lượng hàng Việt chiếm 98%, tăng 3% so cùng thời điểm Tết Giáp Thìn-2024. Khách đến mua sắm tại Siêu thị Co.opmart còn có nhiều lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Bắc Giang.
Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...) chiếm hơn 70%. Sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt nói chung đã tăng mạnh, từ mức 73% lên hơn 85%. Toàn tỉnh hiện có 385 sản phẩm OCOP. Dịp Tết Nguyên đán, ước tính lượng sản phẩm OCOP bán ra trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Để bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã tích cực sản xuất, tìm nguồn hàng, tích trữ, ký kết phân phối sản phẩm. Tìm hiểu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Thành, phường Song Khê (TP Bắc Giang), ông Hoàng Việt Bách, Phó Giám đốc Công ty cho hay, DN đang phân phối hơn 2 nghìn mặt hàng tiêu dùng, trong đó hàng Việt chiếm 98%. Lượng sản phẩm nhập khẩu còn lại chủ yếu là bánh kẹo, rượu vang. Tháng Chạp năm nay, Công ty cung ứng lượng hàng hóa trị giá khoảng 120 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với bình quân các tháng trong năm.
Theo Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini,...) chiếm hơn 90% (trong đó, tỷ lệ hàng Việt tại Siêu thị GO! Bắc Giang, Siêu thị Co.opmart chiếm từ 95-98%). Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…) chiếm hơn 70%. Sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt nói chung đã tăng mạnh, từ mức 73% lên hơn 85%.
Sản phẩm OCOP tiêu thụ mạnh
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 385 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm 5 sao, 29 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao). Cùng với các nhà sản xuất trong nước, ngay từ tháng 11 Âm lịch, các chủ thể OCOP của tỉnh đã tích cực sản xuất để có nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán tới. Ước tính tổng giá trị hàng hóa sản phẩm OCOP hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm OCOP được sản xuất và bán với số lượng lớn như: Gà đồi Yên Thế khoảng 4 nghìn tấn; các loại mỳ gạo Chũ khoảng 13 nghìn tấn; cam ngọt, bưởi ngọt, táo, ổi, mật ong, rượu, miến dong,… của thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn và Sơn Động khoảng 15 nghìn tấn; nem nướng Liên Chung (Tân Yên) khoảng 27 nghìn quả,…
Cùng với tích cực sản xuất, dịp Tết năm nay, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP đã đầu tư lớn cho thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm để hút khách hàng tiêu thụ. Ông Trần Khiển, Giám đốc HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh (Tân Yên) thông tin, dịp Tết năm nay, HTX sản xuất 7 sản phẩm cung ứng ra thị trường, bao gồm 3 sản phẩm OCOP (rượu sâm núi Dành, mật ong hoa vải sâm núi Dành, hoa sâm sấy khô) và 4 sản phẩm mới (củ sâm sấy khô; sâm hòa tan, trà sâm túi lọc, lá và rễ sâm sấy khô). Tổng lượng sản phẩm hơn 20 nghìn hộp, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. HTX đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để thiết kế, in mẫu bao bì mới và chuẩn bị chai, lọ đóng gói cho dịp Tết và cả năm 2025.
Có được kết quả trên là do thời gian qua, công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam (trong đó có các sản phẩm OCOP của Bắc Giang) luôn được tỉnh quan tâm; thường xuyên chỉ đạo ngành Công Thương, UBND cấp huyện triển khai các chính sách bán hàng Việt, bình ổn thị trường trong dịp lễ, Tết. Tỉnh chú trọng hỗ trợ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi mô hình liên kết “sản xuất - phân phối - tiêu dùng”. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu do Việt Nam sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Để hàng Việt cũng như các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường; phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng hàng hóa, nhất là các loại sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt thiết yếu của người dân, giúp người tiêu dùng tạo thói quen mua sắm và ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh như: Khuyến công, xúc tiến thương mại. Qua đó, giúp các chủ thể nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng như: Chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng; chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; đưa hàng Việt về bán tại các khu, cụm công nghiệp… Từ đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và nông sản của tỉnh.
Bài, ảnh: Thế Đại