Quyết liệt triển khai các dự án giao thông trọng điểm phía nam bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ
Chiều 21/4, tiếp tục chương trình công tác tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố khu vực phía nam; các chủ đầu tư, nhà thầu liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam. (Ảnh: THANH GIANG)
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đồng bằng sông Cửu Long rất trù phú, giàu tiềm năng, giàu truyền thống cách mạng. Sau 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, quản lý, mang lại nhiều thành quả phát triển cho nhân dân cả nước, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long vẫn có 2 nút thắt lớn về giao thông và nhân lực, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thúc đẩy, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo để giải quyết 2 nút thắt này cho vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng cho biết, qua kiểm tra dự án cao tốc trục dọc Cần Thơ-Cà Mau-đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, đến giờ này, cơ bản những khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết; chậm nhất tới ngày 19/12/2025 phải khánh thành dự án này, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau. Cùng với đó, các dự án trục ngang (Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) và một số dự án quan trọng khác (cầu Rạch Miễu 2, Cao Lãnh-An Hữu, cầu Đại Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn Gò Quao-Vĩnh Thuận và Rạch Sỏi-Bến Nhất, cao tốc Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi…) cũng đang được được triển khai đồng bộ, quyết liệt; qua đó hoàn thành mục tiêu đến hết 2025, đồng bằng sông Cửu Long có 600km cao tốc.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng nêu rõ 3 yêu cầu lớn với các dự án là: kịp và vượt tiến độ; bảo đảm và nâng cao chất lượng; không đội vốn, đội giá; đồng thời không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm vệ sinh, hoàn nguyên môi trường. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương từ nay tới cuối nhiệm kỳ cần chuẩn bị sẵn sàng để triển khai các dự án trong giai đoạn tới năm 2030, gồm đoạn cao tốc từ Cà Mau tới Đất Mũi và từ Đất Mũi tới cảng Hòn Khoai (từ nay tới cuối năm phải khởi công), hoàn thành thêm 600km cao tốc trong nhiệm kỳ tới để tới năm 2030 đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 1.300km cao tốc (sau khi bổ sung gần 100km đoạn cao tốc Cà Mau-Đất Mũi và nối ra cảng Hòn Khoai).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: THANH GIANG)
Cùng với đó, triển khai các dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau, Phú Quốc, Rạch Giá; các cảng biển như Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai; các cảng thủy nội địa để khai thác hệ thống đường sông; tuyến đường sắt tốc độ cao từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Giải quyết được 5 phương thức giao thông (đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt) thì đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo, do đó chúng ta phải quyết tâm làm, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành. Cùng với đó, quan tâm ứng phó các vấn đề sụt lún, sạt lở, hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp. (Ảnh: THANH GIANG)
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác tuyên truyền; biểu dương lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã rất nhanh trong việc xử lý, cấp phép các mỏ đất đá, nguyên vật liệu cho các dự án; đồng thời các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long phải tích cực hỗ trợ về nguyên vật liệu cho Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều dự án lớn.
Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tham luận, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện phát triển các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh đặc biệt: không khí đặc biệt; thời điểm đặc biệt; phương pháp thực hiện cũng hết sức đặc biệt; kết quả đạt được cũng rất đặc biệt. Thủ tướng cảm ơn cấp ủy, chính quyền đã tích cực chỉ đạo; nhân dân các nơi có dự án đi qua đã nhường nơi ở, sinh kế, nơi thờ tự, mồ mả… để phục vụ công trình.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, chúng ta đã hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đang nỗ lực hoàn thành dự án cao tốc trục dọc bắc-nam (Cần Thơ-Cà Mau) vào ngày 19/12/2025.
Thủ tướng đánh giá cao và đồng ý với sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn khắc phục khó khăn vấn đề gia tải để rút ngắn thời gian chờ lún, giao Bộ Xây dựng phải hướng dẫn việc này và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời; các địa phương phải bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải có hướng dẫn xử lý những vấn đề phát sinh liên quan việc này.
Thủ tướng nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm trong quá trình đầu tư xây dựng: cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền phải vào cuộc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội phải động viên, thăm hỏi, vận động nhân dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng, động viên người lao động trên công trường; phát huy tính đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, trong xã hội; phát huy tính tự lực, tự cường của các cơ quan, đơn vị, các địa phương, chủ thể liên quan; huy động sức mạnh tổng lực của các địa phương; các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau; phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên, khen thưởng kịp thời, “khó khăn ở đâu thì phải giải quyết ở đó”, “vướng ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”; vượt thẩm quyền thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền; “không việc gì là không thể”, phải biết “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Về công việc sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, với kinh nghiệm đã có trong những năm vừa qua, chúng ta càng củng cố sự tự tin, bản lĩnh, kinh nghiệm và sự trưởng thành để làm nhiều hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn với khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhấn mạnh yêu cầu đầu tư phát triển đồng bộ các phương thức giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư các cảng Trần Đề, Cái Cui, Hòn Khoai; nâng cấp, mở rộng các sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá; các địa phương trong vùng theo thẩm quyền phải chủ động đề xuất phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa, Bộ Xây dựng thiết kế một mẫu chung cho các cảng thủy nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhắc lại phương châm Trung ương chỉ thực hiện đầu tư các hạ tầng kết nối vùng, quốc gia và quốc tế; các bộ, ngành nghiên cứu và nỗ lực khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ vào năm 2027. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến đường sắt Cần Thơ-Cà Mau, phấn đấu khởi công dự án này trong năm 2028.
Thủ tướng yêu cầu quá trình thực hiện đầu tư, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long phải phát huy tính tự lực, tự cường để thực hiện các dự án, không trông chờ ỷ lại; chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, chia sẻ trách nhiệm với Trung ương theo tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.
Thủ tướng lưu ý, đối với vấn đề vật liệu xây dựng cho các dự án, rút kinh nghiệm từ những vụ việc trước đây, các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí với tinh thần là “3 có, 2 không”, theo đó “3 có” là: có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của doanh nghiệp, có lợi ích của người dân; “2 không” là không có động cơ cá nhân, không tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng nhắc lại tinh thần quy hoạch đầu tư các tuyến cao tốc phải bảo đảm nắn tuyến thẳng nhất có thể theo hướng “qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét núi”; phải nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa, trông rộng; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thủ tướng nêu rõ, không chỉ là các dự án giao thông trọng điểm, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ thảo luận sâu hơn để thúc đẩy Đề án trồng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án chống sạt lở ở miền núi phía bắc, khô hạn, sụt lún ở phía nam; đề án đào tạo nguồn nhân lực và phát triển lĩnh vực y tế cho Đồng bằng sông Cửu Long…