Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Hạt nhân lan tỏa

Các trường chuyên THPT là hạt nhân đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...

Cô Ngô Thùy Dung - Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) và học trò đoạt giải Nhất (điểm cao nhất cả nước) Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Cô Ngô Thùy Dung - Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) và học trò đoạt giải Nhất (điểm cao nhất cả nước) Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Với thế mạnh từ chất lượng người học, người dạy và sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường THPT chuyên luôn đi đầu trong phong trào dạy học ngoại ngữ; thể hiện ở cả kết quả giáo dục mũi nhọn, đại trà. Với lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, đây chính là những hạt nhân lan tỏa.

Khó nhưng có thể thực hiện

Tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025, tỉnh Lào Cai có 100 thí sinh (đều đến từ Trường THPT chuyên Lào Cai), dự thi ở 10 môn thi. Kết quả đạt được 71 giải, tăng 8 giải so với năm học trước. Riêng môn Tiếng Anh giành 9 giải trong số 10 thí sinh tham dự, trong đó có 5 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Trước đó, địa phương này từng có giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh.

Chia sẻ của thầy Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, dạy học ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh được nhà trường quan tâm. Bên cạnh chú trọng dạy học cả 4 kỹ năng, nhà trường đẩy mạnh dạy 5 môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) bằng tiếng Anh, thời lượng từ 30 - 50%. Đề kiểm tra định kỳ các môn học này cũng có tỷ lệ tương tự câu hỏi bằng tiếng Anh.

Cùng với tạo dựng môi trường dạy học ngoại ngữ, trong đó có giải pháp giao lưu, trao đổi với cơ sở giáo dục nước ngoài (cụ thể là Singapore), nâng cao chất lượng giáo viên dạy học môn này và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên toàn trường được đặc biệt coi trọng. Với nhiều giải pháp, không chỉ kết quả giáo dục mũi nhọn, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của trường khá cao (khoảng 8 điểm).

Từ thực tế, thầy Ngô Thanh Xuân cho rằng, mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị là khả thi, nhưng sẽ có không ít khó khăn. Để thực hiện được, cần đồng bộ dạy học ngoại ngữ trong cả hệ thống giáo dục; thay đổi để dạy học ngoại ngữ như một ngôn ngữ, không phải một môn học; xây dựng được môi trường sử dụng ngoại ngữ thực sự tốt; đặc biệt quan trọng là chuẩn hóa trình độ của đội ngũ giáo viên.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) có số giải cao nhất từ trước đến nay (97 giải/110 thí sinh dự thi), xếp thứ 5 toàn quốc về số lượng giải. Môn Tiếng Anh, trường đạt 10/10 giải - gia tăng cả về số lượng và chất lượng so với hai năm học gần đây.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang - Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, phụ trách đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh tỉnh Hải Dương cho biết: Nhiều năm nay, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh, cả mũi nhọn và đại trà cho các lớp không chuyên.

Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn học này của học sinh Nguyễn Trãi luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Nhiều học sinh lớp chuyên Anh đạt 8.0 IELTS và đa số các em lớp không chuyên đạt từ 6.5 IELTS trở lên. Về đội ngũ, tổ Ngoại ngữ hiện có 13 giáo viên, đều đạt chuẩn, nhiều giáo viên có trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, một số thầy cô đã giảng tốt toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội bằng tiếng Anh...

“Đây là thời điểm phù hợp triển khai chủ trương từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hiện, đa số nhân dân thấy cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và tiếng Anh là công cụ cần thiết để thực hiện mục tiêu đó. Học sinh có thể chọn nhiều con đường sau khi tốt nghiệp THPT, nhưng dù trong lĩnh vực nào thì sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Bên cạnh đó, với Chương trình GDPT 2018, học sinh được học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3”, cô Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ thêm.

 Cô Ngô Thùy Dung và đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh tỉnh Bắc Ninh năm học 2024 - 2025. Ảnh: NVCC

Cô Ngô Thùy Dung và đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh tỉnh Bắc Ninh năm học 2024 - 2025. Ảnh: NVCC

Điều kiện cần và đủ

Trong 4 năm gần đây, Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) luôn có học sinh đoạt giải Nhất quốc gia, duy trì được tỷ lệ 85 - 100% học sinh đoạt giải. Đặc biệt, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025, đội tuyển tiếng Anh của nhà trường giành 10/10 giải, trong đó có 1 giải Nhất (điểm cao nhất cả nước), 5 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.

Tính đến hết kỳ I năm học 2024 - 2025, trường có 139 học sinh thi IELTS, trong đó 68 em đạt 7.5 trở lên. Đặc biệt, lớp 12 Anh 1 có 36/36 học sinh đạt 7.5 trở lên. Đây cũng là đơn vị duy trì điểm trung bình môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT đứng đầu tỉnh.

Thể hiện đồng tình cao với chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cô Ngô Thùy Dung - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Chủ nhiệm đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, để thực hiện được điều này, cần cân nhắc nhiều yếu tố và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều phía.

Với giáo dục mũi nhọn, đặc biệt trong các trường THPT chuyên, đạt được nhiều thành tựu trong giảng dạy tiếng Anh, có chất lượng khá cao và đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, giáo dục đại trà, chất lượng giảng dạy tiếng Anh còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền và trường khác nhau.

Do đó, điều kiện cần và đủ liên quan đến nhiều yếu tố, từ đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, môi trường ngôn ngữ, sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Cụ thể, cần có các chương trình đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên tiếng Anh để nâng cao trình độ chuyên môn. Tuyển dụng giáo viên giỏi, có năng lực sư phạm là cần thiết để đảm bảo chất lượng dạy học.

Trường học cần được trang bị đầy đủ công cụ giảng dạy hiện đại như phòng học tiếng Anh, máy tính, bảng điện tử, các phần mềm học tập. Đặc biệt, vùng sâu, xa cần có sự hỗ trợ đặc biệt về cơ sở vật chất. Chương trình giảng dạy tiếng Anh phải được điều chỉnh để tích hợp tiếng Anh vào môn học khác, đồng thời có tài liệu học tập phù hợp cho tất cả cấp học.

Học sinh cần có cơ hội thực hành tiếng Anh trong môi trường thực tế, chẳng hạn như hoạt động ngoại khóa, chương trình giao lưu văn hóa, hoặc khóa học ngắn hạn với giáo viên nước ngoài. Phụ huynh cần được thông tin đầy đủ về lợi ích việc học tiếng Anh. Hơn nữa, cộng đồng cần tạo ra các chương trình hỗ trợ học tập ngoài giờ học chính khóa, giúp học sinh làm quen và sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày.

Từ thực tế giảng dạy và kết quả giáo dục mũi nhọn, đại trà, tôi thấy đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là khả thi. Việc này giúp học sinh trang bị kỹ năng ngôn ngữ quan trọng, mở rộng cơ hội nghề nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin quốc tế, gia tăng khả năng hội nhập toàn cầu; đồng thời, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong cộng đồng quốc tế. - Cô Ngô Thùy Dung - Trường THPT chuyên Bắc Ninh

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-hat-nhan-lan-toa-post716922.html
Zalo