Hàng loạt điểm trường ở Tây Nguyên bỏ hoang, xuống cấp

Bạn đọc phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP về việc nhiều nơi ở Tây Nguyên, do không đủ số lượng nên học sinh các điểm trường lẻ chuyển về điểm trường chính học tập. Từ đó, các điểm trường lẻ không được sử dụng, bỏ hoang, lãng phí.

Điểm trường thôn 6 của Trường Tiểu học xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được người dân tận dụng để ở và làm nhà kho

Điểm trường thôn 6 của Trường Tiểu học xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được người dân tận dụng để ở và làm nhà kho

Trường học hoang phế

Điểm Trường Tiểu học buôn Sék Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) được đầu tư xây dựng từ năm 2004 với 3 phòng học liền kề trên diện tích khoảng 5.000m2. Tuy nhiên, sau khi hoạt động một thời gian ngắn thì điểm trường này dừng hoạt động do không có học sinh theo học. Do không sử dụng nhiều năm nên công trình này khá hoang tàn. Các phòng học không có bàn ghế, cửa cũng không còn; nhiều phần công trình bị xuống cấp, mục nát; khuôn viên trường cỏ cây mọc um tùm. Hiện, công trình này do xã Dliê Yang quản lý.

Tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), 2 điểm trường gồm điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (buôn Niêng 3) và điểm Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (thôn M’Thar 3) cũng bỏ hoang nhiều năm. Vì lâu ngày không hoạt động nên nhiều hạng mục của các điểm trường này đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nơi chăn thả gia súc của những hộ dân gần đó.

Ông Y Si Thất Ksor, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho biết, các điểm trường trên xây dựng để phục vụ nhu cầu học tập cho người dân các buôn. Tuy nhiên sau đó, lượng học sinh không đảm bảo nên các điểm trường phải tạm dừng hoạt động. Các điểm trường này đã được bàn giao cho địa phương quản lý. Huyện cũng đã báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến xử lý 2 công trình, nhằm phát huy công năng, tránh lãng phí.

Tại tỉnh Kon Tum, điểm trường thôn 6 của Trường Tiểu học xã Tân Lập, (huyện Kon Rẫy) xây dựng đã lâu, có 2 phòng học, hiện cũng đã xuống cấp. Điểm trường nằm ngay bên đường và không có cổng ra vào. Các phòng đã hư hỏng, phần cửa kính bị vỡ. Bên trong 2 phòng học là nơi người dân tận dụng để ở hoặc làm kho chứa, đồ đạc chất lỉnh kỉnh, bụi bám đầy phòng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, tại điểm trường này, khoảng 5 năm trước, do học sinh ít, không đủ mở lớp nên các em được đưa về điểm trường chính học. Điểm trường thôn 6 không sử dụng, bàn giao về cho địa phương quản lý. Địa phương cho các hộ dân mượn sử dụng tạm, định hướng sau này khi đủ học sinh để mở lớp, sẽ tiếp tục đưa điểm trường này vào giảng dạy.

Xây dựng phương án sử dụng

Tại tỉnh Kon Tum, có nhiều điểm trường lẻ sau khi sát nhập hiện chưa được sử dụng, để trống. Các địa phương đang tìm phương án xử lý để phát huy hiệu quả.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Tu Mơ Rông, thực hiện theo chủ trương sắp xếp điểm trường lẻ các cấp học, trên địa bàn có 33 điểm trường với 63 phòng học không sử dụng. Trong đó, có 10 điểm trường với 11 phòng học đã được chuyển giao về UBND xã tiếp nhận; 23 điểm trường với 52 phòng học, các đơn vị trường học đã lập hồ sơ đề nghị tạm bàn giao về UBND xã quản lý trong thời gian chờ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định

Còn tại huyện Sa Thầy, ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Sa Thầy, cho biết, trên địa bàn, sau sát nhập các điểm trường, có 11 điểm trường không sử dụng cho mục đích giảng dạy. Trong số đó, 3 điểm trường đang được thôn và đơn vị điện lực sử dụng; 8 điểm trường còn lại để trống. Đối với 8 điểm trường này, ngành giáo dục đang đề xuất tu bổ, sửa chữa 1 điểm để sử dụng; 7 điểm còn lại, đơn vị đang làm phương án đưa về các thôn, xã có nhu cầu để sử dụng.

Xung quanh vấn đề trường học bỏ hoang, lãng phí, mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án sử dụng các điểm trường lẻ bị bỏ hoang trên địa bàn tỉnh cho phù hợp, tránh lãng phí.

HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-loat-diem-truong-o-tay-nguyen-bo-hoang-xuong-cap-post782619.html
Zalo