Hàng không Việt gia nhập CORSIA: Cơ hội xanh và áp lực chi phí
Việt Nam sẽ tham gia cơ chế CORSIA từ năm 2026, đánh dấu bước tiến xanh hóa ngành hàng không, nhưng đồng thời đặt ra bài toán chi phí không nhỏ cho các hãng bay.
Từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ chính thức tham gia CORSIA – cơ chế toàn cầu về giám sát, báo cáo và bù đắp phát thải carbon từ các chuyến bay quốc tế. Đây là sáng kiến do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khởi xướng, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon cho ngành hàng không kể từ năm 2020.

Ảnh minh họa.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị cần thiết để tham gia giai đoạn tự nguyện. Trong đó, hệ thống giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV) được xây dựng, dữ liệu phát thải từ năm 2019 đến 2024 đã được gửi lên ICAO, và các quy định liên quan đến nhiên liệu – phát thải CO₂ cũng đã được ban hành bởi Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông Vận tải).
Không chỉ dừng ở việc tuân thủ kỹ thuật, Việt Nam cũng chủ động tiếp cận các chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu, ICAO và các thị trường lớn. Nhiều cuộc họp tham vấn đã được tổ chức nhằm đánh giá tác động và xây dựng khuyến nghị chính sách khi bước vào cơ chế khí hậu toàn cầu này.
Theo thiết kế, CORSIA gồm ba giai đoạn: khởi động (2021–2023), giai đoạn 1 (2024–2026) – đều mang tính tự nguyện, và giai đoạn bắt buộc (2027–2035), áp dụng cho các quốc gia có hoạt động hàng không quốc tế vượt 0,5% tổng RTK toàn cầu (số liệu 2018), trừ nhóm nước kém phát triển, đảo quốc nhỏ và quốc gia không có đảo nếu không tự nguyện.
Việc Việt Nam tham gia giai đoạn tự nguyện được ICAO đánh giá là bước đi thể hiện trách nhiệm toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dù là tín hiệu tích cực về hội nhập khí hậu, nhưng theo Cục Hàng không Việt Nam, việc tham gia CORSIA sẽ kéo theo áp lực chi phí đáng kể, đặc biệt với các hãng hàng không nội địa còn đang phục hồi sau đại dịch.
Theo dự tính, chi phí mua tín chỉ carbon có thể dao động từ 13 đến 92 triệu USD trong giai đoạn tự nguyện, tùy thuộc vào giá tín chỉ trên thị trường quốc tế (từ 6–40 USD/tín chỉ). Đây là gánh nặng không nhỏ khi các doanh nghiệp hàng không vẫn đang đối mặt với áp lực chi phí nhiên liệu, cạnh tranh giá vé và yêu cầu đầu tư cho chuyển đổi xanh.
Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không xác định cần thiết phải xây dựng một hệ thống hỗ trợ tài chính và kỹ thuật kịp thời để đồng hành cùng doanh nghiệp. Một số chính sách đang được đề xuất theo hướng phối hợp đa ngành, vừa đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ quốc tế, vừa không làm gián đoạn đà phục hồi của ngành hàng không.
Đại diện Cục Hàng không nhấn mạnh, việc chủ động tham gia CORSIA không chỉ nhằm mục tiêu môi trường mà còn là yếu tố quan trọng để hàng không Việt Nam đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, đặc biệt trong xu thế thương mại toàn cầu gắn chặt với yếu tố phát thải carbon.
Việc gia nhập CORSIA từ năm 2026 là một cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển hàng không bền vững tại Việt Nam. Tuy còn nhiều thách thức, đặc biệt về chi phí và năng lực thực thi, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hỗ trợ chính sách phù hợp, ngành hàng không Việt Nam có cơ hội khẳng định vị thế trên bản đồ vận tải quốc tế xanh hóa.