Tháo nút thắt thuế quan, mở lối cho công nghệ Việt bứt phá

Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 182, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ phát triển khoa học - công nghệ. Chính sách được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt về chi phí cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Hạ rào cản thuế, mở đường cho công nghệ số

Quy định có hiệu lực từ 1/7 miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị, linh kiện, nguyên liệu phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp công nghệ số.

Trước đây, để đưa một máy phân tích phổ laser trị giá hàng trăm ngàn USD vào phục vụ nghiên cứu AI tại một phòng thí nghiệm ở TP.HCM, nhóm kỹ sư phải gánh thêm chi phí thuế nhập khẩu lên tới gần 20%, chưa kể các thủ tục xin ưu đãi phức tạp.

Việt Nam miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Bây giờ với chính sách miễn thuế mới, khoản chi phí ấy được "cắt phăng" giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho mỗi thiết bị. Không chỉ ở các trung tâm lớn, nhiều startup công nghệ ở Đà Nẵng, Cần Thơ hay các thành phố phát triển công nghiệp cũng đang hưởng lợi rõ rệt từ chính sách này.

Nghị định 182/2025/NĐ‑CP được đánh giá là một bước ngoặt lớn, không chỉ về ưu đãi thuế mà còn thể hiện quyết tâm chiến lược của Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa hiện đại hóa quốc gia.

Trọng tâm của chính sách là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và startup công nghệ được tiếp cận thiết bị hiện đại từ nước ngoài mà không bị "gánh nặng" chi phí thuế nhập khẩu.

Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu mà còn rút ngắn thời gian triển khai các dự án công nghệ, đặc biệt là những dự án mang tính thử nghiệm, ứng dụng mới như AI, IoT, Big Data hay các công nghệ lõi trong chuyển đổi số.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đóng vai trò đầu mối, hướng dẫn và xác định rõ danh mục thiết bị được miễn thuế, cũng như thời gian bắt đầu sử dụng. Doanh nghiệp sẽ được tự kê khai, chịu trách nhiệm về hoạt động nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và thông báo cho cơ quan hải quan trước khi làm thủ tục.

Cơ chế miễn thuế được áp dụng trong 5 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Nếu thiết bị không được sử dụng đúng mục đích, doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả phần thuế tương ứng. Như vậy, chính sách vừa mở rộng quyền lợi, vừa đặt ra yêu cầu rõ ràng về trách nhiệm tạo nên sự minh bạch và khả thi trong thực thi.

Tạo đòn bẩy chiến lược cho công nghiệp công nghệ cao

Chính sách miễn thuế theo Nghị định 182 không đứng một mình, mà là mắt xích quan trọng trong chuỗi cải cách lớn mà Chính phủ đang thực hiện nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khoa học - công nghệ tại Việt Nam.

Cùng với Nghị định 180/2025 về hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực khoa học công nghệ và Quỹ phát triển dữ liệu 1.000 tỷ đồng, chính sách thuế mới đã tạo nên hành lang pháp lý rõ ràng và thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào R&D.

Nhiều startup và trung tâm nghiên cứu tiến tới nghiên cứu nhập thiết bị hiện đại khi chi phí được tối ưu.

Nhiều startup và trung tâm nghiên cứu tiến tới nghiên cứu nhập thiết bị hiện đại khi chi phí được tối ưu.

Cơ sở hạ tầng chính sách dần được hoàn thiện giúp doanh nghiệp công nghệ không còn bị kìm chân trong vai trò "gia công giá rẻ". Thay vào đó, họ có cơ hội tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm gốc, tiến tới làm chủ công nghệ lõi.

Một ví dụ rõ ràng là tại Khu công nghệ cao TP.HCM, một doanh nghiệp chuyên sản xuất chip vi điều khiển cho robot từng chỉ nhập linh kiện về lắp ráp, nhưng giờ đã bắt đầu thử nghiệm dây chuyền thiết kế mẫu chip riêng - nhờ khả năng tiếp cận máy lập trình logic nhập khẩu với chi phí rẻ hơn hàng trăm triệu đồng sau khi được miễn thuế.

Không chỉ gỡ nút thắt tài chính, chính sách còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất. Giờ đây, doanh nghiệp trong nước không chỉ là "người dùng công nghệ" mà đang dần trở thành "người tạo ra công nghệ".

Miễn thuế thiết bị không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn kích hoạt đổi mới sáng tạo toàn diện.

Miễn thuế thiết bị không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn kích hoạt đổi mới sáng tạo toàn diện.

Các startup về AI, thiết bị thông minh, công nghệ y sinh có thêm cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại để triển khai các dự án đột phá, mở ra khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường.

Tín hiệu cải cách mạnh mẽ cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Với môi trường chính sách thông thoáng hơn, nhiều tập đoàn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao đang cân nhắc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, coi đây là điểm đến tiềm năng cho cả sản xuất lẫn nghiên cứu.

Miễn thuế thiết bị công nghệ cao vì vậy không chỉ là ưu đãi về chi phí, mà còn là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp nội địa nâng cấp năng lực công nghệ, tạo nền móng cho một nền kinh tế đổi mới sáng tạo và bền vững hơn trong tương lai.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thao-nut-that-thue-quan-mo-loi-cho-cong-nghe-viet-but-pha-192250704144756755.htm
Zalo