Tranh cãi về công nghệ 'bẫy CO₂ dưới đáy đại dương'

Gigablue, một startup về công nghệ khí hậu có trụ sở tại Israel, tuyên bố đã đạt cột mốc lịch sử khi bán thành công 200.000 tín chỉ carbon nhờ một công nghệ mà công ty cho là 'đột phá' trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới khoa học quốc tế bày tỏ lo ngại trước sự thiếu minh bạch của công nghệ này và đặt câu hỏi liệu nó có thực sự hiệu quả.

Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Theo báo Times of Israel, Gigablue, được thành lập 3 năm trước bởi một nhóm doanh nhân công nghệ tại Israel, cho biết họ đã phát triển các hạt vật liệu có khả năng giữ carbon tại đáy biển khi được thả xuống đại dương. Công ty tuyên bố rằng công nghệ này, bằng cách “tận dụng sức mạnh tự nhiên”, có thể cứu Trái Đất khỏi khủng hoảng khí hậu.

Startup này đã tiến hành các thử nghiệm tại Nam Thái Bình Dương từ năm ngoái và đang hợp tác với chính quyền một số quốc gia để thiết lập “vùng cô lập carbon” – khu vực biển chuyên dụng nơi các đợt hạt sẽ được thả theo mùa. Đồng sáng lập Ori Shaashua nói: “Chúng tôi giống như một thang máy chuyển carbon từ mặt biển xuống đáy đại dương”.

Tín chỉ carbon – đơn vị tượng trưng cho việc loại bỏ một tấn CO₂ khỏi khí quyển – đang trở thành hàng hóa được săn đón bởi các công ty toàn cầu như Google và Microsoft nhằm giảm dấu chân carbon mà không cần cắt giảm trực tiếp lượng khí thải.

Gigablue cho biết mỗi đợt thả hạt ra biển có thể tạo ra hàng trăm nghìn tín chỉ carbon, với mức giá “cạnh tranh hơn hầu hết công nghệ thu giữ carbon hiện nay”, nhắm đến các nhà đầu tư. 200.000 tín chỉ mới đây của Gigablue đã được bán cho SkiesFifty – một công ty mới chuyên hỗ trợ ngành hàng không giảm phát thải. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng thị trường này đang phát triển nhanh hơn khả năng giám sát, và Gigablue là ví dụ điển hình cho rủi ro tiềm ẩn: công nghệ còn gây tranh cãi nhưng đã được thương mại hóa quy mô lớn.

Gigablue đến nay chưa tiết lộ thành phần cụ thể của các hạt mà họ thả xuống đại dương, viện lý do đây là tài sản sở hữu trí tuệ và có thể thay đổi tùy theo vùng biển. Tuy nhiên, tài liệu thử nghiệm tại New Zealand cho thấy công ty từng sử dụng vermiculite (một loại đất sét xốp), đá nghiền, sáp thực vật, mangan và sắt.

Một số bằng sáng chế cũng cho thấy các hạt có thể chứa bông, vỏ trấu, sợi tổng hợp hoặc xơ vải. Công ty khẳng định mọi vật liệu đều không độc hại, không gây hại sinh thái và “có thể tìm thấy trong đại dương”.

Mặc dù vậy, giới khoa học vẫn đặt dấu hỏi lớn. Ken Buesseler – nhà hải dương học tại Viện Woods Hole, Mỹ – cho rằng tuyên bố của Gigablue rằng các hạt “không làm thay đổi hóa học hay sinh học của nước biển” là “khó có thể xảy ra”.

Nhiều nhà khoa học phê bình việc một công ty vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu nhưng đã bán một lượng lớn tín chỉ carbon. Họ nhấn mạnh rằng hiệu quả của công nghệ sẽ phụ thuộc vào khả năng sinh trưởng của tảo trên hạt và mức độ lắng đọng xuống đáy biển – những yếu tố mà Gigablue chưa công bố dữ liệu định lượng.

Giáo sư Thomas Kiørboe, Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, lưu ý" “Phytoplankton không phát triển trên bề mặt hạt như vậy. Ý tưởng đó, với các nhà sinh thái học biển như tôi, thật sự phi lý".

Việc Gigablue sử dụng sắt trong hạt của họ làm dấy lên lo ngại về vi phạm Công ước quốc tế cấm thương mại hóa “bón sắt cho đại dương” – kỹ thuật bị nghi gây xáo trộn sinh thái biển.

Gigablue phủ nhận điều này, cho rằng các hạt không trực tiếp giải phóng sắt vào nước và không tạo ra “sự nở rộ tảo mất kiểm soát”. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng sắt để kích thích tăng trưởng tảo vẫn đồng nghĩa với "bón phân sắt."

Hiện Gigablue chưa bị giám sát bởi bất kỳ cơ quan quản lý khí hậu chính thức nào. Đơn vị xác nhận tín chỉ carbon của họ là Puro.earth – một tổ chức tư nhân có trụ sở tại Phần Lan, vừa xây dựng một bộ phương pháp riêng để đánh giá dự án của Gigablue.

Trong khi đó, chính quyền New Zealand vẫn xem hoạt động của Gigablue là “nghiên cứu” và chưa yêu cầu quy trình phê duyệt hay tham vấn cộng đồng. Dù bị hoài nghi, Gigablue vẫn tiếp tục mở rộng. Startup này đã có mặt tại Israel, New York (Mỹ) và New Zealand, tuyển dụng đội ngũ với hàng chục tiến sĩ trong các lĩnh vực liên quan. Gigablue đang lên kế hoạch cho chuyến thám hiểm tiếp theo vào mùa Thu năm nay tại New Zealand và hy vọng được phép thành lập vùng “cô lập carbon” chính thức.

Thanh Bình (Phóng viên TTXVN tại Israel)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tranh-cai-ve-cong-nghe-bayco-duoi-day-dai-duong-20250704145405780.htm
Zalo