Hàng hải Việt Nam nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường và các cam kết quốc tế

Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT với chủ đề: 'Hàng hải Việt Nam nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường và các cam kết quốc tế', hướng tới Net Zero trong lĩnh vực hàng hải.

Ngành HHVN với vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông quốc gia và giao thương quốc tế đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải và tiến tới phát triển bền vững.

Tạp chí GTVT đã cuộc trao đổi với ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục HHVN với chủ đề: "Hàng hải Việt Nam nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường và các cam kết quốc tế" để thấy được bức tranh tổng thể của ngành Hàng hải trên con đường tiến tới Net Zero.

Xin ông cho biết các công việc, nhiệm vụ, kết quả đạt được của ngành HHVN về xây dựng thể chế chính sách và phát triển hạ tầng cảng biển xanh trong thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Xin ông cho biết các công việc, nhiệm vụ, kết quả đạt được của ngành HHVN về xây dựng thể chế chính sách và phát triển hạ tầng cảng biển xanh trong thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Ông Lê Đỗ Mười: Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm trên trục hàng quốc tế có lưu lượng tàu thuyền qua lại lớn, là điểm kết nối giữa các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với vị trí thuận lợi như vậy, Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải và là đầu mối trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, ngành HHVN đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời chủ động, tích cực thực hiện các cam kết của Việt Nam hướng đến phát triển xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch,thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, năm 2022, Cục HHVN đã phối hợp với Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (trước đây là Vụ Môi trường) và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT xây dựng Kế hoạch chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, trong đó có lĩnh vực hàng hải. Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.

Để cụ thể hóa Chương trình hành động trong ngành Hàng hải, Cục HHVN đã ban hành các kế hoạch chi tiết thực hiện cam kết giảm phát thải trong ngành Hàng hải, bao gồm Quyết định số 1461/QĐ-CHHVN ngày 12/10/2022 và Quyết định số 151/QĐ-CHHVN về kế hoạch chi tiết thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Cục HHVN về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong lĩnh vực hàng hải, giai đoạn 2022 - 2030.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái: “Cảng xanh” thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

Cảng Tân Cảng - Cát Lái: “Cảng xanh” thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

Cục HHVN cũng đã triển khai lồng ghép nội dung của Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 trong quá trình lập các Quy hoạch chuyên ngành hàng hải, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024; lồng ghép vào các quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.

Hiện nay, Cục HHVN đang triển khai thực hiện rà soát để đề xuất xây dựng các nội dung quy định pháp luật, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực hàng hải để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, trong đó có Bộ luật HHVN năm 2015.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Cục HHVN cũng đã đề xuất gia nhập nhiều công ước quốc tế về môi trường của Tổ chức Hàng hải Quốc tế như: Công ước Marpol, Công ước AFS, Công ước BWM. Do đó, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải được quy định tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hàng hải cần được rà soát bổ sung nhằm nội luật hóa và phù hợp với quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước Marpol, AFS, BWM).

Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng - cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc

Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng - cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc

Về phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển xanh, với đặc thù là ngành hội nhập quốc tế, do đó ngay từ năm 2020, Cục HHVN đã xây dựng và trình Bộ GTVT phê duyệt Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam và đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2027/QĐ-BGTVT ngày 29/10/2020. Theo đó, Cục đã đề ra lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển cảng biển theo xu hướng xanh và bền vững.

Cục HHVN đã xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 02:2022/CHHVN về tiêu chí cảng xanh (tại Quyết định số 1909/QĐ-CHHVN ngày 29/12/2022), hiện các cảng đang triển khai áp dụng thí điểm. Theo lộ trình thực hiện đến năm 2025, kết quả thí điểm này sẽ được đánh giá để tiếp tục xem xét mở rộng quy mô áp dụng trên toàn quốc.

Qua đánh giá, nhiều cảng biển Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chí cảng xanh như các cảng thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng và Cảng Cái Mép - Thị Vải, Cảng Germalink và nhiều cảng biển khác. Các cảng biển lớn mới đầu tư đã được trang bị các thiết bị, phương tiện bốc xếp hàng hóa hiện đại, tự động, sử dụng điện giúp giảm thiểu chi phí lao động, tăng năng suất và cải thiện hiệu quả công việc và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Xu hướng phát triển cảng xanh, cảng thông minh với sự kết hợp của công nghệ AI, IoT và các hệ thống tự động hóa để tạo ra một hệ sinh thái cảng biển hiệu quả và ít tốn kém hơn cũng đang được các cảng biển Việt Nam triển khai ứng dụng vào hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển. Hiện các cảng đã triển khai các phần mềm thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử, sử dụng Mobile Apps cho các phương tiện vận chuyển (xe đầu kéo, sà lan…), tự động hóa trong hoạt động của cảng: Cổng thông tin cho phép khách hàng giao dịch trực tuyến với cảng (E-port); sử dụng các phần mềm lập kế hoạch điều hành, phần mềm quản lý vận tải, container… nhằm tối ưu hóa các chuỗi vận hành khai thác cảng; triển khai sử dụng các phương thức kết nối trực tuyến trong tổ chức điều hành, họp và hội nghị trong nội bộ của doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị có liên quan (Cisco, Webex, thiết bị Aver, Office 365, Zoom…); sử dụng phần mềm quản trị nội bộ như Oracle và Smartlog.

Các cảng cũng đã triển khai lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái để sử dụng cho các tòa nhà hành chính của cảng và có phương án cung ứng điện bờ cho tàu biển. Một số doanh nghiệp cảng biển cũng đã và đang nghiên cứu, tìm kiếm các đối tác để ưu tiên sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, có sẵn ở địa phương, cung cấp công nghệ dây chuyền sản xuất sử dụng nguyên liệu có thể tái chế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng cũng đã quan tâm và đang nghiên cứu lộ trình đầu tư phương tiện điện thay thế cho phương tiện đang sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Đặc biệt, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang nghiên cứu lập phương án đầu tư lắp đặt hệ thống điện gió tại một số cơ sở cảng của doanh nghiệp.

Toàn cảnh Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) - cảng đang xây dựng và khai thác theo mô hình “xanh hóa”

Toàn cảnh Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) - cảng đang xây dựng và khai thác theo mô hình “xanh hóa”

Một vấn đề rất quan trọng trong bảo vệ môi trường biển là giảm phát thải từ hoạt động vận tải biển, vậy ngành HHVN đã có những hành động gì và đạt được kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Lê Đỗ Mười: Ngành HHVN đã triển khai các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về kiểm soát khí thải cho đội tàu biển của Việt Nam hoạt động quốc tế, cụ thể:

Đội tàu biển của Việt Nam đều đang tuân thủ theo quy định của Công ước về Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và Công ước MARPOL 73/78, sử dụng nhiên liệu low sulphur không vượt quá 0,5%, lắp đặt hệ thống lọc khí thải hoặc phải dùng nhiên liệu thay thế.

Tại khóa họp thứ 76 (từ ngày 10 - 17/6/2021), Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã thông qua Nghị quyết MEPC.328(76) về sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu" của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL), nhằm mục đích giảm cường độ các-bon từ vận tải biển phù hợp với Chiến lược ban đầu về khí nhà kính của IMO. Sửa đổi, bổ sung này dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2022, đưa ra các quy định mới về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) và giảm Chỉ thị cường độ các-bon hoạt động của tàu (CII).

Ngoài ra, ngày 7/7/2023, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua sửa đổi Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu, theo đó tham vọng của Chiến lược giảm phát thải ròng khí nhà kính đối với vận tải biển quốc tế về 0 vào năm 2050. Chiến lược cũng đã đưa ra các biện pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm kiểm soát nghiêm ngặt mức phát thải của vận tải biển quốc tế để đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 vào 2050. Hiện đội tàu của Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế đang triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, Cục HHVN cũng đang nghiên cứu xem xét thiết lập tuyến hành lang vận tải biển xanh từ các cảng biển Việt Nam tới các cảng trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian qua, Cảng Đà Nẵng đã đẩy mạnh số hóa, hướng tới phát triển cảng thông minh và "cảng xanh" của khu vực

Thời gian qua, Cảng Đà Nẵng đã đẩy mạnh số hóa, hướng tới phát triển cảng thông minh và "cảng xanh" của khu vực

Vậy còn những hoạt động khác, thưa ông?

Ông Lê Đỗ Mười: Ngoài những nhiệm vụ chính nêu trên thì Cục HHVN cũng tập trung đẩy mạnh công tác phổ biến và tuyên truyền. Theo đó, Cục HHVN đã tiến hành tuyên truyền phổ biến các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HHVN tới các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển để biết và có phương án lộ trình đầu tư, kinh doanh khai thác phù hợp với lộ trình và các cam kết của Chính phủ.

Tiếp đó, Cục chú trọng nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật. Hiện nay, Cục HHVN đang đẩy mạnh triển khai xúc tiến đề nghị Tổ chức Hàng hải Quốc tế và các nước hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng cơ chế chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, dự án để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.

Tóm lại, việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nêu trên không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho một ngành Hàng hải phát triển xanh, sạch mà còn giúp nâng cao vị thế của ngành HHVN trong khu vực và quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần vào việc thực hiện thành công các cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện các công ước quốc tế của IMO về bảo vệ môi trường mà Việt Nam là thành viên được Cục HHVN thực hiện như thế nào?

Ông Lê Đỗ Mười: Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành HHVN, chúng ta có thể tự hào về những bước tiến vững chắc mà ngành đã đạt được, không chỉ trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng và đội tàu mà còn trong việc chủ động thực hiện các cam kết quốc tế nhằm bảo vệ môi trường biển.

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) được nhận Giải thưởng “Cảng xanh” năm 2020

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) được nhận Giải thưởng “Cảng xanh” năm 2020

Ngành HHVN đã khẳng định vị thế và tầm vóc của mình thông qua việc triển khai các công ước quốc tế của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường biển toàn cầu. Đặc biệt, việc thực hiện các công ước này không chỉ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành Hàng hải phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 3 công ước về bảo vệ môi trường biển của IMO, bao gồm: Công ước MARPOL và 6 phụ lục của công ước này (Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu biển), Công ước AFS (Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại) và Công ước BWM (Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu). Đây là những công ước trọng yếu, không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái của đại dương mà còn giúp Việt Nam vươn lên, trở thành một quốc gia có trách nhiệm và có vai trò quan trọng trong cộng đồng hàng hải quốc tế.

Nhằm thực thi các quy định của Công ước mà Việt Nam là thành viên, nghĩa vụ quốc gia thành viên công ước, nghĩa vụ của quốc gia có cảng, quốc gia tàu treo cờ, quốc gia ven biển, ngành Hàng hải đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tăng cường công tác an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển; thường xuyên tổ chức tốt công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Công ước và các sửa đổi tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.

Tiếp đó, HHVN tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của Công ước đối với các tàu biển nước ngoài đến cảng, các tàu Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế nhằm bảo đảm đúng quy định, tránh việc lưu giữ tàu, gây lãng phí về thời gian, tăng chi phí... bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

Cảng Long An đã ứng dụng phát triển logistics xanh trong toàn bộ chuỗi hoạt động thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, giảm thiểu rác thải, khí thải

Cảng Long An đã ứng dụng phát triển logistics xanh trong toàn bộ chuỗi hoạt động thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, giảm thiểu rác thải, khí thải

Cục HHVN cũng thường xuyên cử các cán bộ của Cục, của các cảng vụ tham gia các khóa đào tạo về thực thi các quy định của Công ước quốc tế, trong đó có các nội dung liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ tàu biển.

Cục HHVN yêu cầu các cảng vụ hàng hải tăng cường công tác kiểm tra điều kiện an toàn của con tàu trước khi tàu xuất bến một cách khoa học và phù hợp với hoạt động khai thác của tàu; kết hợp với việc kiểm tra thực tế trên tàu là việc hướng dẫn, khuyến cáo cho thuyền viên của tàu về những quy định tối thiểu về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển giúp cho thuyền viên nắm vững các quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục HHVN cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường hàng hải.

Việc gia nhập và triển khai thực hiện các công ước quốc tế của IMO về bảo vệ môi trường biển đã giúp hoàn thiện hơn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải nói riêng, từ đó thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường biển và nâng cao trách nhiệm quốc gia đối với các vấn đề toàn cầu.

Các công ước mà Việt Nam tham gia không chỉ giúp bảo vệ hệ sinh thái biển mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành HHVN, thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành GTVT và 60 năm thành lập ngành HHVN, việc thực hiện các công ước này cũng là minh chứng rõ ràng cho sự trưởng thành và hội nhập quốc tế của ngành. Việc thực thi các công ước này không chỉ giúp Việt Nam phát triển ngành Hàng hải một cách bền vững mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường toàn cầu, đặc biệt là môi trường biển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Cường

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/hang-hai-viet-nam-no-luc-thuc-hien-cong-tac-bao-ve-moi-truong-va-cac-cam-ket-quoc-te-183241212163331363.htm
Zalo