Hàng giả tấn công cả mã QR, giải pháp nào để truy xuất nguồn gốc?
Khi hàng giả không chỉ sao chép mẫu mã mà còn giả mạo cả mã QR, truy xuất nguồn gốc đang đứng trước thách thức lớn.
Những ngày qua, báo chí đưa tin Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 loại, thu lợi gần 500 tỷ đồng làm xã hội rúng động. Đáng nói, đối tượng mà những kẻ buôn hàng giả nhắm đến là người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Kho sản xuất sữa bột giả bị công an phát hiện, triệt phá. Ảnh: VTV.
Tại TP.HCM, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cũng liên tục phát hiện nhiều trường hợp buôn bán thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc tân dược và hàng tiêu dùng, hàng thời trang giả mạo, hàng nhái.
Bên cạnh đó, theo thống kê từ Cục Hải quan TP.HCM, trong năm 2024 đơn vị đã chủ trì, phối hợp, bắt giữ 1.942 vụ vi phạm pháp luật hải quan, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 4.347 tỷ đồng. Trong đó, Cục Hải quan TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính 1.939 vụ, với tổng số tiền xử phạt nộp NSNN gần 39 tỷ đồng; khởi tố và đề nghị khởi tố 46 vụ.
Những con số này không chỉ phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, kém chất lượng... đang hoành hành mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp kiểm soát nguồn gốc hàng hóa hiệu quả hơn.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.
Tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia" do Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) và Techfest Việt Nam vừa được tổ chức, TS Trịnh Bá Dương, Chủ tịch AseanHub, chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia nhận định, tình trạng làm giả hiện nay không chỉ dừng ở sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả dữ liệu truy xuất, kể cả mã QR. Các biện pháp truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần ngày càng bộc lộ hạn chế trước thủ đoạn tinh vi của đối tượng làm giả.
Do đó, rất cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.
Ông đề xuất giải pháp tích hợp ba công nghệ RFID - Blockchain - AI để xây dựng hệ thống truy xuất hiện đại, minh bạch và khó bị làm giả, có thể áp dụng rộng rãi cho hàng tiêu dùng, nông sản, dược phẩm, y tế và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hàng giả, hàng nhái ngày càng được ngụy trang tinh vi, dễ dàng qua mắt người tiêu dùng.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, luật sư Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam cho rằng, truy xuất nguồn gốc là yếu tố sống còn của doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn người tiêu dùng.
Hiện nay, hàng không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên thị trường, từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nguy hại cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp muốn cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế cần có giải pháp đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là hàng thật, chất lượng.
Về giải pháp, phía Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam giới thiệu nền tảng True Data - giải pháp truy xuất nguồn gốc ứng dụng chip RFID, lưu trữ thông tin từng công đoạn sản xuất - vận chuyển - phân phối, kết nối với cổng thông tin truy xuất quốc gia.
Đơn vị kỳ vọng giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường truy xuất nguồn gốc theo sự phát triển của thế giới, giúp người tiêu dùng hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm...
Đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, có thể kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường từ đó nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp.