Sữa giả: Sát thủ âm thầm
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn, hoạt động tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận.

Một trong những nhãn sữa được cơ quan chức năng phát hiện là sữa giả. Ảnh: CMH
Sữa giả là sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như đã công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất hoặc chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm dành cho trẻ nhỏ.
Việc sử dụng các sản phẩm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có hệ miễn dịch yếu và đang trong giai đoạn phát triển thể chất, trí tuệ.
Mối nguy hiểm âm thầm với trẻ
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn, hoạt động tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột nhằm hợp thức hóa hoạt động phi pháp.
Thông tin về vụ việc khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang, trong đó có chị Nguyễn Thị Vi (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM). Đọc tin tức những ngày qua, chị Vi thấy may mắn vì thiếu chút nữa đã mua phải những sản phẩm sữa giả này. Trước đó, chị Vi từng có ý định chuyển sang một nhãn sữa mới với hy vọng tiết kiệm chi phí, nhưng sau này được xác định là hàng giả.
“May mắn là qua tìm hiểu, tôi thấy không có nhiều người sử dụng nên vẫn duy trì dùng các hãng sữa uy tín cũ. Thật sự rất sợ khi biết những loại sữa giả bị phát hiện đều nhắm đến người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ xử lý thật nghiêm những người buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, chị Vi bày tỏ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai nhận định, đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Dũng, hành vi sản xuất và buôn bán sữa giả được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, với khung hình phạt thấp nhất là từ 2 đến 5 năm tù. Trong trường hợp có các tình tiết tăng nặng, tùy mức độ và hậu quả, hành vi này có thể bị xử phạt ở các mức từ 5 - 10 năm tù hoặc cao hơn 15 - 20, tù chung thân.
“Người dân và các cơ sở kinh doanh tuyệt đối không nên vì lợi ích nhất thời mà sản xuất, kinh doanh hàng giả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc trước pháp luật”, luật sư Dũng nhấn mạnh.

Sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều, có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Ảnh: L.N
Hệ lụy sức khỏe lâu dài
Theo ThS.BS Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe trẻ nhỏ.
Các rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng thường xảy ra do thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn; trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cấp hoặc mạn tính vì thiếu hụt các vi chất thiết yếu như protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, DHA... Trong trường hợp sữa giả chứa kim loại nặng, chất tạo màu hoặc chất bảo quản vượt mức cho phép, nguy cơ ngộ độc càng tăng cao.
BS Lợi cho biết, phụ huynh có thể nghi ngờ con mình sử dụng phải sữa giả nếu trẻ có các biểu hiện lâm sàng như thay đổi thói quen ăn uống, biếng ăn, bỏ bú, dễ kích thích; kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, bụng trướng; hay các phản ứng dị ứng ngoài da như nổi mẩn, phát ban, ngứa, đỏ da.
Ngoài ra, trẻ có thể chậm tăng trưởng, không đạt chỉ số cân nặng và chiều cao phù hợp với tuổi; thậm chí có dấu hiệu thiếu máu với biểu hiện da xanh xao, mệt mỏi kéo dài do thiếu dưỡng chất.
Bên cạnh đó, việc sử dụng sữa không đạt chuẩn chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi; thiếu hụt các vi chất quan trọng như DHA, choline, sắt có thể khiến trẻ chậm phát triển nhận thức, giảm khả năng học hỏi và tư duy.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất bởi hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và chức năng chuyển hóa còn non yếu. Vì vậy, hậu quả của sữa giả ở trẻ sơ sinh thường nghiêm trọng hơn, bao gồm suy dinh dưỡng cấp tính, mất nước nặng do tiêu chảy kéo dài, rối loạn điện giải dẫn đến co giật hoặc rối loạn ý thức.
Trong một số trường hợp, nếu trẻ bị dị ứng nặng với thành phần có trong sữa giả, nguy cơ sốc phản vệ - tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Phụ huynh nên chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc; kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất. Tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như livestream, mạng xã hội, hoặc sản phẩm có giá thấp bất thường.
Nên ưu tiên những nhãn hiệu đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan y tế. Khi trẻ có các dấu hiệu nghi sử dụng sữa giả, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm, khám và điều trị kịp thời”, BS Lợi khuyến cáo.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù không thể hoàn toàn phân biệt sữa thật và sữa giả bằng mắt thường, phụ huynh vẫn có thể lưu ý một số đặc điểm nhận biết. Sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn, đồng đều và mang mùi thơm nhẹ, đặc trưng. Trong khi đó, sữa giả có thể xuất hiện màu sắc bất thường, bột thô, vón cục, không có mùi hoặc có mùi hóa chất khó chịu. Về bao bì, sản phẩm chính hãng được in ấn rõ ràng, sắc nét và cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Ngược lại, bao bì của sữa giả thường mờ, lệch màu, thiết kế kém tinh xảo và thiếu các thông tin bắt buộc.