Hàn Quốc gợi ý Việt Nam nghiên cứu sản xuất điện hạt nhân

Góp ý vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc gợi ý Việt Nam nghiên cứu đưa vào sản xuất điện hạt nhân, lĩnh vực quốc gia này có kinh nghiệm không chỉ ở Hàn Quốc mà còn đang triển khai tại một số quốc gia khác trên thế giới.

Góp ý vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay, dù năm nay không thiếu điện, nhưng sự việc cắt điện vào năm ngoái cũng khiến nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc e ngại.

Theo hiệp hội này, những lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, cũng như chất bán dẫn cần rất nhiều điện so với các nhà máy thông thường.

"Những nhà đầu tư lo ngại nhất là cơ sở hạ tầng, trong đó có nguồn điện. Nếu không có đầy đủ nguồn điện, họ sẽ không dám mở rộng nhà máy sản xuất, cũng không dám kêu gọi nhà đầu tư thứ phát trong lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn", Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay.

Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận từ tháng 11/2016. Để được nghiên cứu lại nguồn điện này, cần phải được thể hiện tại Luật Điện lực (Ảnh minh họa).

Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận từ tháng 11/2016. Để được nghiên cứu lại nguồn điện này, cần phải được thể hiện tại Luật Điện lực (Ảnh minh họa).

Chính vì vậy, để có nguồn điện ổn định, an toàn, hiệp hội này kiến nghị cần phê duyệt các luật liên quan nhanh chóng và kịp thời để đảm bảo nguồn điện trong thời gian tới.

Trong đó, hiệp hội này gợi ý nghiên cứu đưa vào sản xuất điện hạt nhân. Đây là lĩnh vực quốc gia này có kinh nghiệm 50 năm không chỉ ở Hàn Quốc mà còn đang triển khai tại một số quốc gia khác trên thế giới.

Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, sự phát triển của Hàn Quốc cũng nhờ vào việc có nguồn điện an toàn và giá rẻ này.

Liên quan đến đề xuất này, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, xu hướng hiện nay thế giới đang quay trở lại điện hạt nhân rất mạnh mẽ. Trong vòng 10 năm tới chưa có công nghệ nào có thể thay thế được điện hạt nhân, nếu không đưa vào luật, trong tương lai khi muốn quay trở lại điện hạt nhân chắc chắn chúng ta không thể triển khai được những chủ trương lớn và không đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050.

"Trước đây khi chuẩn bị làm điện hạt nhân ở Ninh Thuận chúng ta mất gần 15 năm, và nếu chúng ta muốn làm điện hạt nhân thì tôi tin rằng 10 năm sau chúng ta mới có thể khởi động được. Do vậy, nên có quy định ở trong dự thảo luật về điện hạt nhân mà cụ thể là ở Điều 5 về chính sách phát triển điện hạt nhân", ông Quân đề xuất.

Với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII được Chính phủ ban hành năm 2023, ngành năng lượng sẽ không bao gồm điện hạt nhân. Theo đó, tập trung vào các nguồn điện tái tạo (điện gió, mặt trời), điện khí, LNG và giảm dần điện than.

Vào giữa năm ngoái, việc UBND tỉnh Ninh Thuận hủy các thông báo thu hồi đất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân là những bước cuối cùng để chấm dứt dự án này sau 14 năm được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Điện hạt nhân sẽ được thay thế bằng nhiều dự án mới nhằm thực hiện mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII đặt ra là ưu tiên phát triển điện sạch và Ninh Thuận là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/han-quoc-goi-y-viet-nam-nghien-cuu-san-xuat-dien-hat-nhan-19224081013405735.htm
Zalo