Doanh nghiệp thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng: Bài học từ bão số 3
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cơn bão số 3 đổ bộ và ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, để lại thiệt hại nặng nề cho người dân, doanh nghiệp, gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp...
Doanh nghiệp tổn thất nặng nề
Mở đầu bài phát biểu khai mạc diễn đàn "Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2024" chiều ngày 10/9 tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề cập tới thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 có tên quốc tế Yagi gây ra tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua.
Chưa bao giờ lũ cao như vậy. Mực nước lũ tại Lào Cai vượt mức đỉnh của 53 năm trước, còn mực nước trên sông Thao 65 năm mới có. Thiên tai gây ra thiệt hại vô cùng to lớn cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chỉ riêng thống kê sơ bộ của các hiệp hội doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, thiệt hại với các doanh nghiệp đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
"Cơn bão Yagi là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Cũng chính từ sự cố thiên tai, chúng ta hiểu hơn về giá trị của phát triển bền vững" ông Công nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần có chiến lược bền vững để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai.
Qua 10 lần tổ chức, VCSF đã trở thành nền tảng đối thoại quan trọng giữa các bên liên quan, đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với chủ đề năm nay “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi”, sự kiện đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thảo luận về chiến lược dài hạn để hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Niềm tin về một tương lai bền vững đang được củng cố và tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi đồng bộ, từ nhận thức tới hành động. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thành công trong hành trình chuyển đổi xanh", Chủ tịch VCCI nói.
Chuyển đổi đồng bộ trong hành trình Net Zero
Tại COP26, bên cạnh những cam kết nổi bật về tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero 2050.
Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những băn khoăn, quan ngại về khả năng hiện thực hóa mục tiêu Net Zero là điều dễ hiểu.
Để củng cố niềm tin, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero, chuyển đổi xanh, các đại biểu tại sự kiện có chung nhận định, Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi đồng bộ - từ nhận thức tới hành động, với sự vào cuộc, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan. Đây cũng chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề được trình bày và thảo luận tại diễn đàn VCSF 2024.
Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam và Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, phát triển bền vững cần được nhìn nhận là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, kết nối với người tiêu dùng để sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tăng trưởng", ông Jacob chia sẻ.
Trong khi đó, bà Milly Cheng - Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam, đã nhấn mạnh vai trò của sự đa dạng và bao trùm trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bà cũng chia sẻ về những sáng kiến xã hội mà Coca-Cola Việt Nam đã thực hiện trong gần một thập kỷ qua, như dự án EkoCenter nhằm hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững qua các chương trình giáo dục và kỹ năng thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là một yêu cầu cấp bách. Doanh nghiệp không chỉ là nhân tố chính đóng góp vào sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững mà còn thụ hưởng từ những thành quả của chính sách phát triển bền vững, như uy tín thương hiệu và tăng trưởng dài hạn.
Để tiếp tục hành trình này, Phó Chủ tịch VCCI kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên của VBCSD, chung tay hỗ trợ cộng đồng vượt qua hậu quả của cơn bão Yagi. Đây là hành động thiết thực để doanh nghiệp không chỉ phát triển kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững chung của toàn cầu.