Hàn Quốc giữ lại tiêm kích KF-21 khi Indonesia chậm thanh toán

Hàn Quốc đã giữ lại nguyên mẫu của tiêm kích KF21 Boramae, thay vì chuyển nó cho Indonesia, nguyên do là Jakarta chậm thanh toán.

Theo tài khoản @fly_chan97, người tự nhận là cựu nhiếp ảnh gia của Không quân Hàn Quốc, và bài đăng của anh trên X vào ngày 31/3 cho biết, quyết định này xuất phát từ việc Indonesia chậm thanh toán và sự hợp tác không chặt chẽ trong một dự án liên quan tới dòng chiến đấu cơ này.

Quyết định được công bố một cách lặng lẽ vào đầu năm nay đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của các mối quan hệ hợp tác quốc phòng quốc tế giữa Indonesia và Hàn Quốc.

Những gì có vẻ như là một trở ngại tài chính đơn giản lại tiết lộ một câu chuyện sâu sắc hơn về những lợi ích công nghệ, ảnh hưởng địa chính trị và bản chất mong manh của các mối quan hệ đối tác đa quốc gia.

KF-21 Boramae, máy bay phản lực chiến đấu hai động cơ được thiết kế để thu hẹp khoảng cách giữa máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm, đại diện cho bước tiến táo bạo của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.

Ra mắt vào tháng 4/2021 tại trụ sở chính của KAI ở Sacheon, máy bay phản lực này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/2022, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với một quốc gia vốn phụ thuộc vào công nghệ vũ khí của Mỹ và châu Âu.

Được phát triển với sự hợp tác của Indonesia từ năm 2010, chương trình này nhằm mục đích sản xuất một máy bay chiến đấu đa năng, tiết kiệm chi phí, có khả năng thay thế các đội bay cũ như F-4 Phantom và F-5 Tiger của Hàn Quốc, cũng như Su-30MK2 và F-16 của Indonesia.

Theo thỏa thuận, Indonesia cam kết chi trả 20% trong tổng chi phí phát triển 8,8 tỷ USD để đổi lấy bí quyết công nghệ, quyền sản xuất và một nguyên mẫu để thử nghiệm riêng.

Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2025, Jakarta đã trả chưa đến một nửa số tiền chia sẻ, vì vậy họ đã không thể lấy được nguyên mẫu KF-21 005 từ Hàn Quốc.

Đây không chỉ là câu chuyện về những hóa đơn chưa thanh toán. Việc giữ lại nguyên mẫu thứ năm đã mang lại cho Hàn Quốc một lợi thế bất ngờ.

Với tất cả các nguyên mẫu hiện có. KAI đã đang đẩy mạnh chương trình thử nghiệm của mình.

Nguyên mẫu thứ năm, hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/2023, đã ghi lại nhiều giờ bay thử nghiệm đáng kể, bao gồm một cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu trên không mang tính lịch sử vào tháng 3/2024 với một máy bay tiếp dầu KC-330.

Cuộc thử nghiệm này, được tiến hành trên Biển Nam, đã mở rộng phạm vi hoạt động và độ bền của máy bay chiến đấu, điều này rất quan trọng đối với quân đội đang phải đối mặt với các mối đe dọa khó lường của Triều Tiên trên khắp bán đảo.

Bằng cách giữ lại nguyên mẫu, Hàn Quốc có thêm dữ liệu để tinh chỉnh hệ thống điện tử hàng không của KF-21.

Hàn Quốc đang thử nghiệm radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) và cũng đang phát triển biến thể hiện đại KF-21EX có khoang vũ khí bên trong để tăng cường khả năng tàng hình.

Tuy nhiên, đối với Indonesia việc không nhận được nguyên mẫu KF-21 khiến mất mát của họ tăng gấp đôi: không chỉ mất đi cơ hội thử nghiệm thực tế mà còn mất đi cơ hội xây dựng chuyên môn có thể nâng cao ngành hàng không vũ trụ trong nước.

Bản thân KF-21 là một kỳ quan của kỹ thuật hiện đại, kết hợp giữa giá cả phải chăng với khả năng chiến đấu tiên tiến.

Được trang bị hai động cơ General Electric F414-GE-400K chiến đấu cơ này có tốc độ tối đa là Mach 1.8 và phạm vi chiến đấu khoảng 620 dặm, theo thông số kỹ thuật do KAI công bố.

Dài 16,7 mét với sải cánh 11,2 mét, nó mang theo tải trọng vũ khí lên tới 7,7 tấn, bao gồm tên lửa không đối không như AIM-120 AMRAAM và bom dẫn đường chính xác. Mặc dù không phải là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm thực sự, nhưng tiết diện radar giảm đáng kể.

Hàn Quốc có kế hoạch triển khai 120 chiếc KF-21 vào năm 2032, với 20 chiếc đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2026.

Tính linh hoạt và chi phí tương đối thấp của máy bay phản lực này- ước tính khoảng 65 triệu USD cho mỗi chiếc - khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các quốc gia tìm kiếm chiến đấu cơ hiện đại mà không cần phải trả hơn 80 triệu USD như của F-35.

Đối với Indonesia, rủi ro đã rất cao ngay từ đầu. Quốc gia này đã tham gia chương trình KF-21 để hiện đại hóa lực lượng không quân, hiện đang dựa vào một mớ hỗn độn các máy bay chiến đấu bao gồm cả của Nga và Mỹ.

Lời hứa chuyển giao công nghệ là nền tảng của thỏa thuận, cung cấp cho Jakarta một con đường để củng cố ngành hàng không vũ trụ của riêng mình.

Nhưng những khó khăn về kinh tế, cộng thêm những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và mức giảm 25% trong xuất khẩu, đã gây sức ép lên khả năng đáp ứng các cam kết tài chính của Indonesia. Theo The Aviation Geek Club, đến giữa năm 2023, nước này chỉ trả được 278,3 tỷ won trong số 1,3 nghìn tỷ won đã cam kết.

Sự thiếu hụt này đã khiến Hàn Quốc hạn chế quyền truy cập dữ liệu nhạy cảm của các kỹ sư Indonesia sau một sự cố năm 2021, trong đó một số người bị cáo buộc cố gắng sao chép thông tin mật, làm xấu đi mối quan hệ.

Trong khi Indonesia đang gặp khó khăn, Hàn Quốc đang nắm bắt thời cơ để củng cố vị thế của mình trên thị trường quốc phòng toàn cầu.

Sự phát triển của KF-21 đã thu hút sự quan tâm của các quốc gia như Philippines, Peru, Malaysia và thậm chí là Ba Lan.

Việt Hùng

Theo Bulgarianmilitary/TWZ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/han-quoc-giu-lai-tiem-kich-kf-21-khi-indonesia-cham-thanh-toan-post607672.antd
Zalo