Hàn Quốc: Bất ổn kinh tế gia tăng
Sự ra đi đột ngột của Phó Thủ tướng Choi tạo ra một khoảng trống lãnh đạo lớn vì ông đã được chỉ định thay thế ông Han làm quyền tổng thống bắt đầu từ ngày 2/5.
Hàn Quốc phải đối mặt với tình hình kinh tế bất ổn gia tăng sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok đột ngột từ chức đêm 1/5, gây lo ngại làm gián đoạn các chính sách kinh tế quan trọng, bao gồm các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn tiến với Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Choi đã từ chức vào đêm 1/5 ngay sau khi đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc trình kiến nghị luận tội ông. Cũng trong ngày 1/5, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cũng từ chức để bắt đầu tranh cử tổng thống trong cuộc đua được ấn định vào ngày 3/6 tới.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
*Tiến trình đàm phán thuế quan với Mỹ
Sự ra đi đột ngột của Phó Thủ tướng Choi tạo ra một khoảng trống lãnh đạo lớn vì ông đã được chỉ định thay thế ông Han làm quyền tổng thống bắt đầu từ ngày 2/5.
Thứ trưởng Tài chính Kim Beom-seok đã đảm nhận vai trò Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm quyền Bộ trưởng Tài chính. Ngay trong ngày 2/5, ông Kim đã chủ trì một cuộc họp với những người đứng đầu các cơ quan kinh tế lớn và tập hợp các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Kim chỉ đạo tập trung mọi nỗ lực bảo vệ uy tín của Hàn Quốc và giảm thiểu tác động của cú sốc thuế quan, đồng thời đảm bảo thực hiện nhanh chóng ngân sách bổ sung để giải quyết các vấn đề cấp bách. Lãnh đạo mới của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh sẽ vận hành hệ thống ứng phó khẩn cấp để đảm bảo sự ổn định của thị trường.
Việc từ chức của Bộ trưởng Tài chính Choi phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, vốn đang có rủi ro cao đối với Hàn Quốc. Ông Choi và Bộ trưởng Thương mại Ahn Duk-geun là hai nhân vật trực tiếp đàm phán với hai đối tác là Bộ Tài chính và Đại diện Thương mại Mỹ theo cơ chế đối thoại “2+2” để đi đến kết quả nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán cấp làm việc để hoàn thiện “thỏa thuận cả gói” vào tháng Bảy tới với Mỹ.
Sự ra đi đột ngột của ông Choi làm dấy lên lo ngại về khả năng thiếu sự lãnh đạo toàn diện của Seoul trong tiến trình đàm phán về tài chính, kinh tế cho dù Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rằng các cuộc thảo luận "2+2" sẽ không bị ảnh hưởng.
Bộ Thương mại Hàn Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật. Ngày 1/5, Vụ trưởng Chính sách Thương mại Chang Sung-gil đã gặp các quan chức Mỹ tại Washington. Các cuộc đàm phán song phương cấp kỹ thuật cũng sẽ được tiến hành giữa Bộ Tài chính Hàn Quốc và Bộ Tài chính Mỹ về chính sách tiền tệ.
*Thỏa thuận hạt nhân trị giá 18 tỷ USD với Cộng hòa Séc
Với sự thay đổi lãnh đạo đột ngột chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân mang tính bước ngoặt giữa Hàn Quốc và CH Séc dự kiến ký kết, nhiều lo ngại đang được nêu lên. Theo kế hoạch, ngày 7/5 tới, một liên danh do tập đoàn Korea Hydro & Nuclear Power đứng đầu sẽ hoàn tất việc ký kết thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD với Prague để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại Dukovany, miền Nam CH Séc. Dự án này sẽ đánh dấu lần xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Hàn Quốc sau 16 năm và là lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường năng lượng nguyên tử của châu Âu.
Việc từ chức đột ngột của Phó Thủ tướng Choi, người được cho là sẽ tham dự lễ ký kết với tư cách là Quyền Tổng thống, đã khiến thành phần phái đoàn Hàn Quốc bị đảo lộn. Quyền Tổng thống mới ông Lee Ju-ho được cho là sẽ tham gia phái đoàn Hàn Quốc. Bộ trưởng Thương mại và Tổng Giám đốc điều hành KHNP Whang Joo-ho đã được xác nhận sẽ tham dự sự kiện.
Các phân tích cho thấy sự hiện diện hoặc vắng mặt của giới lãnh đạo cấp cao nhất của Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận Dukovany, mà còn ảnh hưởng đến cơ hội của Hàn Quốc trong việc đảm bảo các hợp đồng trong tương lai, bao gồm quyền chào hàng đầu tiên cho một dự án lò phản ứng khác ở Temelin, thuộc khu vực Nam Bohemia của CH Séc.
*Triển khai ngân sách bổ sung để kích thích nền kinh tế
Trong khi đó, việc thực hiện ngân sách bổ sung để kích thích nền kinh tế được xem là việc làm cấp bách. Chính giới Hàn Quốc đã kêu gọi nhanh chóng thực hiện ngân sách bổ sung trị giá 13,8 nghìn tỷ won (9,8 tỷ USD) để ứng phó thảm họa và phục hồi kinh tế bất chấp những bất ổn chính trị trong nội bộ. Quốc hội Hàn Quốc đã phê duyệt ngân sách bổ sung, thêm 1,6 nghìn tỷ won vào đề xuất ban đầu là 12,2 nghìn tỷ won của chính phủ. Đây là ngân sách bổ sung đầu tiên được thông qua trong năm nay và được coi là rất quan trọng để kích thích nền kinh tế Hàn Quốc đang cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Theo đó, ngân sách sẽ được rót vào các quỹ nhằm phân bổ cho ba lĩnh vực chính gồm: hơn 3 nghìn tỷ won cho việc phục hồi các khu vực thảm họa, tái thiết ở tỉnh Bắc Gyeongsang sau vụ cháy rừng hồi tháng Ba; khoảng 4,5 nghìn tỷ won cho các dự án liên quan đến thương mại và trí tuệ nhân tạo; và hơn 5 nghìn tỷ won cho việc hỗ trợ rộng rãi hơn cho sinh kế và ổn định kinh tế.
Xuất khẩu của Hàn Quốc đã cho thấy những thiệt hại đầu tiên. Thống kê cho biết, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã giảm 3,7% trong tháng 4/2025, trong khi xuất khẩu nói chung vẫn tăng trưởng. Theo dữ liệu của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc, trong quý I/2025, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2024. Báo cáo của Ngân hàng xuất nhập khẩu cũng nhận định tác động thực sự sẽ xảy ra trong quý thứ hai, với xuất khẩu dự kiến sẽ giảm 6-7%.
Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã cho thấy sự đình trệ với các rủi ro cả bên trong và bên ngoài. Tăng trưởng GDP trong quý I/2025 đã giảm xuống mức - 0,2% và dự báo tăng trưởng bình quân năm 2025 của Hàn Quốc sẽ ở mức 1%.