Hạn chế tối đa thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, tránh bỏ sót đối tượng nộp thuế, hạn chế thất thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Tránh bỏ sót đối tượng nộp thuế

Khắc phục những khoảng trống pháp lý của Luật hiện hành về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế, dự thảo Luật bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam; cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các khoản thu nhập khác (ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính) của doanh nghiệp nói chung, các khoản thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài (có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) và khoản thu nhập ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó khoản thu nhập ở nước ngoài phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) tại Nghị quyết số 107/2023/QH15.

Nhiều đại biểu đánh giá cao việc bổ sung người nộp thuế là các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh trên nền tảng số vào dự thảo Luật và cho rằng tuy đây là vấn đề mới nhưng nếu bỏ sót sẽ dẫn đến thất thu thuế. "Sẽ là không công bằng nếu chỉ đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước mà không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới", ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, có thể đánh thuế được đối với các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam, nhưng có những doanh nghiệp không có cơ sở không thường trú tại Việt Nam mà chỉ hoạt động kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử, công ty mẹ, công ty con đều ở nước ngoài thì cách tính thuế sẽ như thế nào? Nêu câu hỏi này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ có nghị định quy định chi tiết, cụ thể về lĩnh vực này.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, có những cơ sở kinh doanh kê khai thu nhập chịu thuế nhưng cũng có những cơ sở không kê khai trung thực. Thực tiễn cho thấy, việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo cách hạch toán, quyết toán các hóa đơn… cho nên việc thu thuế đối với những đối tượng này rất khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp dễ dàng trốn thuế nếu cơ quan thuế không phát hiện được những hành vi gian lận của doanh nghiệp.

Đơn cử, đối với cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ khoán thuế thu nhập doanh nghiệp, thì có thể doanh nghiệp chỉ kê khai thu nhập mỗi tháng là 1 tỷ đồng, nhưng thực tế doanh thu của họ lên tới 5 tỷ đồng. Hay, đối với những doanh nghiệp lớn, nếu không áp dụng kế toán kép, thì họ cũng dễ dàng trốn thuế. Xuất phát từ thực tế này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định nhằm hạn chế bỏ sót đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong thực hiện nghĩa vụ về tài chính.

 ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Nhấn mạnh vấn đề này, song ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới. “Điều này sẽ giúp hạn chế thất thu thuế, tạo môi trường cạnh tranh công bằng”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị.

Xác định đúng căn cứ tính thuế

Xác định thu nhập tính thuế có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở giúp cơ quan thuế thu đạt chỉ tiêu, thu khách quan, trung thực. Do vậy, một số đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính; sửa đổi, bổ sung quy định để cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế...

Tại khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật quy định về thời điểm xác định doanh thu như sau: thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua; thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành toàn bộ hoặc từng phần việc cung cấp dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.

 ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, cần làm rõ thêm thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế, bởi lẽ, kể cả trong trường hợp chưa thu được tiền thì doanh thu vẫn không bị ảnh hưởng. Đại biểu đề nghị sửa quy định theo hướng: “Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành toàn bộ hoặc từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Về căn cứ tính thuế tại Điều 6, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định chi tiết về việc xác định thu nhập tính thuế trong các giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và tài sản số bởi đây là lĩnh vực kinh tế mới nổi, có giá trị lớn và tiềm năng phát sinh tranh chấp nếu không được quy định một cách rõ ràng.

Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, tại điểm m, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định "Khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế là một trong các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế". ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy, đây là quy định được luật hóa từ nội dung Nghị định 218 năm 2013 của Chính phủ và quy tắc doanh thu tương ứng với chi phí của pháp luật về kế toán.

 ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, nếu bổ sung quy định trên vào dự thảo Luật có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi lẽ hiện nay không hiếm gặp các trường hợp doanh nghiệp bỏ rất nhiều chi phí đầu tư vào các dự án kinh doanh nhưng vì lý do khách quan, sự kiện bất khả kháng mà dự án không sinh lời như kế hoạch đã đặt ra trước đó. “Điều này rất bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp khi họ vừa phải gánh chịu rủi ro, không có doanh thu và vừa gánh rủi ro có thể không được khấu trừ thuế khi đầu tư dự án”. Với lập luận như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về các trường hợp khoản chi đã nêu ở trên được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro khi đầu tư dự án.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/han-che-toi-da-that-thu-thue-va-tao-moi-truong-canh-tranh-cong-bang-post397701.html
Zalo