Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, vấn đề an toàn thực phẩm lại trở nên 'nóng' hơn bao giờ hết vì lượng thực phẩm tiêu thụ tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường.
Hà Nội có dân số đông nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng cao. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể... nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. Qua đó cho thấy, bên cạnh đa số cơ sở chấp hành nghiêm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn còn nhiều cơ sở cố tình vi phạm. Chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã xử phạt 22 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với tổng số tiền 785 triệu đồng...
Bảo đảm an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Để người dân Thủ đô đón năm mới 2025 an toàn, vui tươi, ngày 21-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND về việc bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Theo đó, thành phố yêu cầu, các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Muốn triển khai có hiệu quả kế hoạch của UBND thành phố, thời gian tới, cần nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó, trước hết các địa phương, đơn vị cần chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt nguyên liệu thực phẩm phải bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập về phòng chống ngộ độc trong trường học, khu vực đông dân, tránh tình trạng lúng túng khi sự cố xảy ra. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các phần mềm quản lý an toàn thực phẩm.
Thông qua các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm giúp các nhà quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nắm rõ trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, giúp người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là các cấp, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và tiến hành hậu kiểm việc khắc phục sai phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường...
Để ngăn ngừa triệt để nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần thực hiện theo những khuyến cáo của ngành chức năng; cần có sự lựa chọn thông minh, chỉ mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, xem kỹ hạn sử dụng, thông tin ghi trên sản phẩm.
Sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, địa phương, đơn vị cùng sự giám sát của người tiêu dùng là cơ sở để thực phẩm bẩn không có cơ hội xâm nhập vào thị trường cũng như hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm.