Hạn chế sử dụng rượu, bia, ngày Xuân thêm ý nghĩa
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông liên quan tới rượu, bia những ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy ý thức của người dân trong việc nói không với rượu, bia ngày Tết khi điều khiển phương tiện giao thông được nâng cao.
Tín hiệu tích cực
Một trong những nguyên nhân góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc nói không với rượu, bia ngày Tết là Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày
26-12-2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt Nghị định 168) được thực hiện rất nghiêm trên địa bàn tỉnh.
Theo Điều 7, Nghị định 168, hành vi điều khiển xe máy khi tham gia giao thông mà trong máu/khí thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe. Với nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở bị phạt từ 6-8 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe. Với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ
22-24 tháng.
“Pháp luật không cấm người đủ 18 tuổi trở lên sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các thanh niên hiểu rõ về tác hại khôn lường của rượu, bia đối với bản thân, gia đình và xã hội; cũng như các mức xử phạt khi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn để tăng tính răn đe, giáo dục” - ông NGUYỄN VĂN HẠNH (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Cẩn (ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) cho biết, Nghị định 168 xử lý nghiêm các hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nên ông tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Khi khách đến nhà chúc Tết, ông không nài ép uống rượu, bia và ngược lại. Nhờ đó, mọi người đi lại an toàn, đồng thời không xảy ra xung đột vì “rượu vào, lời ra” gây bất hòa, mất đoàn kết trong những ngày vui Xuân, đón Tết.
Tương tự, ông P.V. (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, vì ngại uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt nặng nên ông đã từ chối lời mời uống rượu, bia của các “chiến hữu”. Nhờ đó, Tết năm nay, ông không say xỉn, không khí gia đình cũng vui hơn các năm trước.
Tác hại của việc lạm dụng rượu, bia rất khôn lường, không chỉ gây mất an toàn cho bản thân và những người xung quanh khi tham gia giao thông, mà còn dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác như: ẩu đả, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…
Chẳng hạn, ngày 13-1, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Điểu V. (sinh năm 1999), Điểu Chí T. và Huỳnh Quốc B. (sinh năm 2005), cùng ngụ xã Túc Trưng (huyện Định Quán), về tội giết người.
Theo đó, vào ngày 13-5-2021, tại quán Tư Thơm thuộc xã Túc Trưng, anh Vòng Binh T. đang ngồi uống rượu cùng bạn thì Điểu V., Huỳnh Quốc B. và Điểu Chí T. ngồi bàn bên cạnh bước đến gây sự vô cớ, dùng tháp bia bằng nhựa, đĩa sành và cây củi khô đánh liên tiếp nhiều cái vào đầu và người của anh Vòng Binh T., gây thương tật tỷ lệ 59%.
Hay trường hợp của anh N.V.T. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) vào ngày 26-1 đi dự tiệc tất niên tại nhà bạn từ chối uống rượu, bia thì bị bạn hành hung. May nhờ mọi người kịp thời can ngăn nên sự việc được giải quyết nội bộ.
Tết yên vui nhờ hạn chế uống rượu, bia
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 9 ngày Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 25-1 đến ngày 2-2, nhằm ngày 26 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng), lực lượng Công an tỉnh và công an các địa phương phát hiện, lập biên bản xử lý 357 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ nghỉ Tết 2024 giảm 394 trường hợp.
Qua đó cho thấy thói quen ngày Tết mời nhau ly rượu khi đến chúc Tết, thăm viếng đang có xu hướng thay đổi và được thay thế bằng các hình thức khác như: uống trà, cà phê hoặc dùng thức uống không cồn để tránh vi phạm pháp luật liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, nhằm hướng tới ngày Xuân tiết kiệm, an toàn, văn minh.
“Năm nay, tôi rất mừng vì chồng tôi đi chúc Tết không uống rượu, bia khi điều khiển xe máy; còn nếu uống thì cũng chừng mực, có người khác chở về nên không lo bị té ngã hoặc cãi cọ, xô xát với bạn bè” - chị N.T.L. (ngụ xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) chia sẻ.
Còn ông L.V.U. (ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ, dù rất muốn la cà cùng bạn bè bên ly rượu những ngày Tết, nhưng khi nghĩ tới chuyện trên đường về bị công an dừng xe thổi phạt vì vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ông đều từ chối các lời mời.
“Nhờ vậy mà Tết này tôi được ở bên gia đình nhiều hơn, lại không say xỉn. Do đó, năm nay tôi được vợ, con và anh em đánh giá là mẫu mực” - ông U. bộc bạch.