Hải Thượng Lãn Ông - tiếng thơm lưu mãi muôn đời

Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khép lại nhưng dư âm về tài năng, nhân cách của Đại danh y vẫn lan tỏa mãi trong lòng người dân Hà Tĩnh và muôn phương.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh nhận Nghị quyết của UNESCO vinh danh Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tại lễ kỷ niệm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh nhận Nghị quyết của UNESCO vinh danh Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tại lễ kỷ niệm.

Sáng ngời y đức Đại danh y dân tộc

Các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024) được tỉnh Hà Tĩnh chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hưng Yên tổ chức kéo dài từ ngày 19/12-28/12/2024. Trong đó, bên cạnh Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” diễn ra tại tỉnh Hưng Yên (ngày 20/12), các sự kiện chính tập trung tại Hà Tĩnh từ ngày 25/12-28/12/2024, bao gồm: Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại TP Tĩnh và Trưng bày Chuyên đề “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - cuộc đời và sự nghiệp” tại huyện Hương Sơn (khai mạc vào ngày 25/12), Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ III năm 2024 (ngày 26/12) và đặc biệt là Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào tối 27/12...

 Tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật "Trăm năm, ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức. ẢNh: Đậu Hà

Tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật "Trăm năm, ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức. ẢNh: Đậu Hà

Mặc dù thời tiết ngày gần cuối năm mưa rét, nhưng sân khấu lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) vẫn rực rỡ ánh đèn. Từ buổi chiều, khán giả từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh đã đổ về để cùng tham gia vào đại lễ trang trọng và ý nghĩa vinh danh Đại danh y dân tộc.

Sau phần lễ trang trọng là chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trăm năm, ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông". Chương trình gồm 3 phần: “Cơ duyên nghề thuốc”, “Dấn thân dựng nghiệp” và “Thênh thang một cánh diều” được thể hiện dưới dạng hoạt cảnh có sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm xen lẫn lời bình và các ca khúc .

 Hàng ngàn người dân và du khách trong tỉnh và cả nước đổ về Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) tham dự lễ kỷ niệm.

Hàng ngàn người dân và du khách trong tỉnh và cả nước đổ về Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) tham dự lễ kỷ niệm.

Mưa dần nặng hạt nhưng trên sân khấu các nghệ sỹ, diễn viên vẫn hăng say cống hiến, mang đến khán giả những màn diễn lúc hào sảng, rộn ràng, lúc lắng đọng, xúc động... Tất cả đã tái hiện một cách chân thực, sống động cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, vẽ nên chân dung của một danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, một vị Đại danh y với tài năng về y thuật, y đức cao cả, nhà văn, nhà thơ lớn, nhà tư tưởng, nhà khoa học lỗi lạc. Đặc biệt, khắc họa những công lao to lớn của ông khi biên soạn ra bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh, công trình được xem là "bách khoa toàn thư", di sản quý báu về y học, văn hóa, lịch sử dân tộc còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Chị Phạm Thị Phương Lê (khán giả đến từ thị trấn Đức Thọ) bày tỏ: "Mặc dù ở cách TP Hà Tĩnh gần 45km và biết chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng nhiều đài truyền hình, nhưng tôi và bạn bè vẫn quyết định đến trực tiếp để hòa mình vào lễ kỷ niệm đầy trang trọng do tỉnh tổ chức. Tôi cảm thấy buổi lễ rất tuyệt vời, nhất là chương trình nghệ thuật được dàn dựng bài bản, công phu, hấp dẫn và xúc động. Thông qua chương trình, lần đầu tiên tôi được hiểu đầy đủ về con người cũng như những đóng góp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông cho dân tộc; thêm ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của ông và tự hào khi quê hương mình có vị danh nhân được UNESCO vinh danh".

 Chương trình nghệ thuật đã làm nổi bật nhân cách, tài năng lỗi lạc của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Chương trình nghệ thuật đã làm nổi bật nhân cách, tài năng lỗi lạc của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Không chỉ khán giả đến xem trực tiếp, nhiều người dân Hà Tĩnh xa quê cũng cảm thấy tự hào khi theo dõi chương trình truyền hình. Anh Dương Văn Cường (quê ở Lộc Hà, là kỹ sư xây dựng tại TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi cảm thấy vinh dự khi chương trình lễ kỷ niệm 300 năm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được rất nhiều người quen, bạn bè và người dân nơi mình đang sinh sống quan tâm, đón xem. Điều khiến tôi thêm tự hào là sau chương trình, nhiều người hỏi thăm, bày tỏ mong muốn được một lần đến Hà Tĩnh để tham quan Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tìm hiểu về văn hóa, con người Hà Tĩnh".

 Tiết mục trong chương trình nghệ thuật thể hiện những ân tình sâu nặng của Lê Hữu Trác với quê mẹ Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Tiết mục trong chương trình nghệ thuật thể hiện những ân tình sâu nặng của Lê Hữu Trác với quê mẹ Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Bên cạnh lễ kỷ niệm, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của du khách gần xa là Triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại TP Hà Tĩnh (do Bộ VH-TT&DL phối hợp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức) và Trưng bày Chuyên đề “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - cuộc đời và sự nghiệp” tại huyện Hương Sơn (do Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp tổ chức), diễn ra từ ngày 25/12 -28/12/2024. Các triển lãm, trưng bày đã giới thiệu hàng trăm tư liệu, bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y, những đổi mới trên quê hương Hà Tĩnh... Sau 4 ngày mở cửa, hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt người tham quan, tìm hiểu các chuyên đề. Cùng với người dân Hà Tĩnh, hoạt động còn thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu, đội ngũ y, bác sỹ đang công tác tại nhiều bệnh viện y học cổ truyền trên cả nước, các em sinh viên trường y...

 Du khách xem "Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Du khách xem "Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Em Boun Mi Xay - sinh viên Lào tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết: "Triển lãm giúp chúng em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp về Đại danh y của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, em cảm thấy rất thấm thía khi đọc 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là những lời dạy bổ ích để sau này khi học xong, em sẽ áp dụng vào công việc chữa bệnh cho người dân đất nước em".

 Em Boun Mi Xay (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) sinh viên Lào tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cùng các bạn tham quan "Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác".

Em Boun Mi Xay (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) sinh viên Lào tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cùng các bạn tham quan "Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác".

Để tiếng thơm Hải Thượng mãi lưu truyền

Một trong những nội dung góp phần làm nên thành công của chuỗi hoạt động kỷ niệm lần này là Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” do tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

 Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” tại tỉnh Hưng Yên.

Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” tại tỉnh Hưng Yên.

Hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài gửi về. Các tham luận đã tập trung làm rõ các thông tin, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho dân tộc, khẳng định giá trị di sản mà ông để lại mang tầm vóc nhân loại. Đặc biệt, hội thảo cũng đã tìm ra những hướng đi trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong thời đại ngày nay.

 Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.

Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.

Sự thành công của hội thảo thêm một lần nữa khẳng định tầm vóc nhân loại về con người và di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Kết quả hội thảo không chỉ có nhiều giá trị khoa học lịch sử mà có giá trị thực tiễn sâu sắc, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, góp phần lan tỏa tư tưởng và di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đến với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Sau nhiều tháng chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bài bản, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thành công tốt đẹp.

Ông Bùi Kỳ Đà - Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) bày tỏ: "Các hoạt động trong sự kiện kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lần này đã được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức rất bài bản, chu đáo. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các đơn vị, cơ quan Hà Tĩnh trong suốt quá trình tổ chức Triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác". Nhờ đó, triển lãm đã thành công, góp phần lan tỏa di sản của Đại danh y đến đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế".

 Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh tại lễ kỷ niệm.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh tại lễ kỷ niệm.

Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và chuỗi hoạt động bên lề không chỉ là dịp để Hà Tĩnh tôn vinh những đóng góp to lớn của Đại danh y cho dân tộc, nhân loại mà còn là cơ hội để lan tỏa những giá trị di sản văn hóa con người quê hương núi Hồng, sông La trong Nhân dân. Qua đó, thể hiện quyết tâm của thế hệ hôm nay trong việc kế thừa tinh hoa văn hóa truyền thống vào công cuộc đổi mới xây dựng quê hương đất nước. Như lời của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm: "Vinh dự là quê hương của Đại danh y, Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ tiền nhân, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân 2 tỉnh quyết tâm nỗ lực xây đắp thêm hành trang, vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới".

 Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Hà Tĩnh và du khách gần xa.

Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Hà Tĩnh và du khách gần xa.

Chuỗi hoạt động của sự kiện kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lê Hữu Trác đã khép lại nhưng những dư âm tốt đẹp về nhân cách, tài năng của Đại danh y dân tộc, về văn hóa, con người quê hương núi Hồng, sông La sẽ vẫn còn đọng lại mãi trong lòng mỗi người dân Hà Tĩnh cùng du khách cả nước và quốc tế. Điều đó khơi lên niềm tự hào, động lực để mỗi người dân Hà Tĩnh tiếp bước tiền nhân, tô thắm thêm những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, không ngừng nỗ lực học tập, lao động góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp.

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/hai-thuong-lan-ong-tieng-thom-luu-mai-muon-doi-post280071.html
Zalo