Hai thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2025

Năm 2025, ngành ngân hàng phải dồn lực để đạt các mục tiêu quan trọng trong đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, trong đó nổi lên hai vấn đề: tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ và xử lý nợ xấu...

Ngân hàng kiến nghị tiếp tục luật hóa Nghị quyết 42 để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu.

Ngân hàng kiến nghị tiếp tục luật hóa Nghị quyết 42 để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu.

Ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Nhìn lại bức tranh kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2024 có thể thấy những thách thức trong việc đạt được 2 mục tiêu mà Đề án đặt ra.

Một là, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16-17% vào cuối năm 2025.

Hai là, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).

KỲ VỌNG LÃI THUẦN TỪ DỊCH VỤ TĂNG TRƯỞNG TRÊN NỀN THẤP

Cập nhật từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng niêm yết cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của toàn ngành chỉ chiếm 10% tổng thu nhập; tăng 3,5% so với cuối năm 2023 do hầu hết các hoạt động dịch vụ thanh toán, thẻ, tài trợ thương mại, bán chéo bảo hiểm đều kém tích cực trước khó khăn chung của nền kinh tế và chưa kịp thích nghi với các quy định mới.

Trong đó, thu nhập từ phí thanh toán tại 16 ngân hàng niêm yết ghi nhận giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng còn yếu, doanh số sử dụng dịch vụ thẻ chững lại, giá trị giao dịch sụt giảm.

Hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại bị ảnh hưởng tiêu cực với việc các ngân hàng chuyển việc ghi nhận thu nhập phí L/C sang thu nhập lãi, chủ động giảm dần quy mô cấp L/C để tái cơ cấu sản phẩm (đặc biệt là sản phẩm UPAS L/C) trước các thay đổi trong quy định về ghi nhận L/C theo quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Trong khi đó, thu nhập từ bán chéo bảo hiểm tại một số ngân hàng có tín hiệu phục hồi trên nền thấp sau 5 quý tăng trưởng âm liên tục. Cụ thể, trong số 9 ngân hàng thuyết minh chi tiết về thu nhập từ hoạt động bảo hiểm trong 3 quý đầu năm 2024 thì có 4 ngân hàng ghi nhận tăng mạnh, 4 ngân hàng giảm và một ngân hàng duy trì mức như cùng kỳ năm 2023 (Kienlongbank, VPBank, Techcombank, SeABank, VIB, PGBank, LPBank, TPBank, MB). Tuy nhiên, tổng doanh thu bảo hiểm của 9 ngân hàng vẫn tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng.

Giới phân tích kỳ vọng năm 2025, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng khoảng 10% từ nền thấp của năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế và các ngân hàng đã tích cực điều chỉnh, cơ cấu lại hiệu quả các mảng hoạt động trong suốt thời gian qua. Trong đó, các ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ với tiềm năng bán chéo sản phẩm có mức tăng tưởng cao hơn trung bình ngành.

Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng có kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán cũng không thuận lợi trong năm 2024. Trong 9 tháng năm 2024, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng niêm yết tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, mua bán chứng khoán giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2024 nhưng giảm mạnh trong quý 3/2024 do biến động bất lợi của tỷ giá vào tháng 7/2024 và kéo dài tận cuối năm 2024.

Sang năm 2025, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed sẽ theo xu hướng giảm lãi suất nhưng rất thận trọng. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ khiến xu hướng tăng giá của đồng USD chậm lại trong năm 2025 và hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng giảm tốc với tăng trưởng đạt khoảng 5%.

Năm 2024, hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ ở một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm khi so sánh với mức nền cao năm 2023. Theo các chuyên gia, trong điều kiện lãi suất trái phiếu có xu hướng đi ngang và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, triển vọng lợi nhuận mảng này trong thời gian tới sẽ không có nhiều thay đổi.

Bộ đệm dự phòng của toàn ngành ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong năm 2024 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) trung bình toàn ngành giảm về mức thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, đến cuối quý 3/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình ngành ở mức 83%. Trong đó, nhóm ba ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước duy trì LLCR bình quân 148%. Bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn là Techcombank, VPBank, MBB và ACB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân 66%, những ngân hàng còn lại chỉ 56%. Theo quy định, các ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho nợ tái cơ cấu vào 31/12/2024.

BỘ ĐỆM DỰ PHÒNG THẤP LÀM HẠN CHẾ KHẢ NĂNG XỬ LÝ NỢ XẤU

Bộ đệm dự phòng mỏng làm hạn chế khả năng xử lý nợ và gia tăng áp lực trích lập dự phòng, đặc biệt ở những ngân hàng có tệp khách hàng rủi ro cao và có tỷ lệ nợ tái cơ cấu/tổng dư nợ cao. Các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, có bộ đệm dự phòng vững chắc, tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng ở mức vừa phải sẽ có khả năng kiểm soát tốt chi phí tín dụng và chất lượng tài sản.

“Các tổ chức tín dụng phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trăn trở.

Theo ông Hùng, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước năm 2025 sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Một rủi ro lớn mà giới phân tích và đầu tư toàn cầu liên tục đề cập và hồi hộp theo dõi đến từ quy mô và tốc độ của các thay đổi chính sách dự kiến dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các mức thuế cao hơn dự kiến và việc thực hiện nhanh chóng hơn các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và phân mảnh kinh tế.

Ngoài ra, gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể dẫn đến biến động trong giá hàng hóa và thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi đó, sự suy yếu hơn nữa của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á, ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ một loạt rủi ro khác như thiên tai, dịch bệnh,… làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Đó là những rủi ro khách quan từ bên ngoài, còn ở trong nước, đại diện các ngân hàng thương mại cũng chỉ ra hàng loạt thách thức trong việc xử lý nợ xấu (tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025).

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.<...>

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hai-thach-thuc-cua-nganh-ngan-hang-trong-nam-2025.htm
Zalo