Hai tập đoàn hạ tầng hàng đầu Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ Nghị quyết số 68
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình hợp tác giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Công ty cổ phần FECON là nhằm hưởng ứng Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại lễ ký kết hợp tác với FECON.
Theo nội dung Biên bản ghi nhớ vừa được ký kết, Tập đoàn Đèo Cả và FECON sẽ hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, phát triển và triển khai các dịch vụ xây dựng hạ tầng cho một loạt dự án giao thông trọng điểm.
Vì sự thịnh vượng chung
Thỏa thuận hợp tác được đôi bên định hướng tập trung đẩy mạnh phát triển nhân lực, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hợp tác quốc tế và hướng đến cùng nhau góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước bứt phá, góp phần vào phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hiệu quả làm thước đo, hướng đến hợp tác bền vững.
Mối quan hệ hợp tác này sẽ đặc biệt tập trung vào các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao quốc gia, hạ tầng giao thông đường bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị lớn – những lĩnh vực đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt chú trọng triển khai trong giai đoạn tới.
Cụ thể, hai bên thống nhất định hướng thành lập liên danh để tham gia đấu thầu thi công hoặc đầu tư theo phương thức PPP tại các dự án đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao, góp phần vào việc cải thiện năng lực vận tải đô thị, giảm ùn tắc giao thông và tạo ra không gian phát triển mới cho các đô thị lớn.
Đèo Cả và FECON cam kết sẽ cùng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời chủ động tìm kiếm và hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm để nâng cao năng lực thực thi dự án, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến độ thi công theo yêu cầu.
Ngoài ra, biên bản ghi nhớ còn mở rộng phạm vi hợp tác sang lĩnh vực đường bộ và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Việc hợp tác giữa hai doanh nghiệp tư nhân lớn không chỉ dựa trên tầm nhìn chung về phát triển hạ tầng bền vững, mà còn là sự kết nối chiến lược giữa hai hệ thống với năng lực bổ trợ lẫn nhau nhằm cùng nhau xây dựng các doanh nghiệp tư nhân có năng lực, kinh nghiệm đủ sức tham gia vào các dự án có tính chất"xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái" hạ tầng chiến lược của đất nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 68.
Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, bên cạnh những nội dung đã nêu, hai bên cũng cần hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng đào tạo nhân lực, không phải đào tạo hình thức, mà đào tạo công nhân thực hành, kỹ sư thực chiến. Đây là những nền tảng quan trọng để hai bên cùng phát triển, hợp tác bền vững và cũng là điều kiện cần và đủ để khi hợp tác quốc tế.
“Thành công của FECON cũng là thành công của chúng tôi. Sự thịnh vượng của FECON cũng là niềm vui của chúng tôi. Tư duy hợp tác phải đặt trên nền tảng cùng vượt khó, cùng thắng lợi, cùng đi xa”, ông Hồ Minh Hoàng nói.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị, sau ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hai bên khẩn trương có hành động cụ thể, từ công việc tại các dự án đã hoạch định, cho đến chia sẻ kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, mô hình đào tạo hay văn hóa doanh nghiệp...
Hai đơn vị cần lập tức thành lập nhóm công tác để tổ chức thực hiện các nội dung đã thống nhất giữa hai bên, lên kế hoạch chi tiết, phân công đầu mối chịu trách nhiệm cho từng hạng mục công việc.
“Tập đoàn Đèo Cả và FECON xác định triển khai hợp tác thực chất, có mục tiêu, có sản phẩm, có tiến độ rõ ràng và nhất là phải mang lại hiệu quả cao cho hai bên”, ông Hoàng nêu rõ.

Tập đoàn Đèo Cả tham gia xây dựng Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Doanh nhân Việt trước những vận hội mới
Được biết, buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Đèo Cả và FECON diễn ra ngay sau thời điểm Nghị quyết số 68 được ban hành.
Nghị quyết số 68 được đánh giá có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ nhiều rào cản để kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Nghị quyết cũng nêu quan điểm chỉ đạo xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế...
Theo ông Phạm Việt Khoa, nội dung của Nghị quyết rất rõ ràng, quyết liệt, phù hợp với con đường mà các doanh nghiệp như Tập đoàn Đèo Cả và FECON đang đi - thực chất về chất lượng, tôn trọng khoa học - công nghệ, đề cao văn hóa doanh nghiệp, chú trọng phát triển con người.
Về vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng đưa định hướng Tập đoàn Đèo Cả và FECON cần nghiên cứu hợp tác đầu tư cơ sở đào tạo nghề “chia sẻ kỹ năng ứng dụng - thực chiến” để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Đối với lĩnh vực mới như đường sắt, có thể nhập khẩu các chương trình đào tạo, mời chuyên gia quốc tế về huấn luyện, đi thẳng vào thực chất, bỏ qua những rào cản hình thức.
“Thiếu nhân lực là điểm nghẽn lớn, cách thức đào tạo hiện nay tại một số trường thật sự chưa ổn và không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng ta hãy nhìn nhận nghiêm túc về năng suất lao động hiện nay của đội ngũ nhân lực của chúng ta, không thể tự cho mình đã giỏi rồi mà thiếu đi sự cầu thị học hỏi và chắc chắn đội ngũ kế thừa phải có sự chuẩn bị kỹ hơn, chuyên sâu hơn”, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhữngcải tiến công nghệ thi công NATM (hệ Đèo Cả) hay mô hình PPP ++ được áp dụng thành công trong những năm qua cũng xuất phát chính từ việc Tập đoàn Đèo Cả nghiêm túc nhìn nhận và biết mình ở đâu và khó khăn gì để tự học, tự hoàn thiện...
“Tất cả những điều này chúng tôi đã đúc rút chứng thực tại các dự án, đang được hệ thống hóa thành cẩm nang phục vụ cho việc đào tạo nôi bộ và chia sẻ cho các đơn vị đào tạo, lấy tri thức tạo nên giá trị để các thế hệ trẻ của doanh nghiệp tiếp tục kế thừa phát huy làm tốt trong nước, sẵn sàng vươn tầm quốc tế ”, ông Hoàng chia sẻ và đề nghị FECON cùng tham gia xây dựng cẩm nang này từ chính thực tiễn hoạt động và ứng dụng khoa học - công nghệ của doanh nghiệp bạn.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, Nghị quyết 68 được ban hành có rất nhiều nội dung nhắc đến những điều doanh nghiệp đang nghĩ, đang làm và đang lo. Từ việc phát triển nhân lực, đẩy mạnh công nghệ số, hợp tác quốc tế… hay tháo gỡ những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm (làm suy giảm niềm tin của tư nhân vào thể chế).
Nghị quyết thể hiện sự ủng hộ sâu sắc, thấu hiểu, tin tưởng kỳ vọng của của Đảng, Nhà nước vào sự phát triển của kinh tế tư nhân, mở ra cơ hội rõ ràng cho doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, những doanh nghiệp uy tín, trưởng thành bằng thực lực sẽ chấp nhận hy sinh trong một giai đoạn để cùng chia sẻ với Nhà nước, đối diện với những bất cập sẽ có cơ hội chứng thực khi những nút thắt cũ được tháo gỡ, những vấn đề hiện tại được giải quyết, xác lập các việc phải làm của doanh nhân – doanh nghiệp lúc này và đặc biệt hoạch định rõ nét tầm nhìn cho tương lai.
“Đồng hành đất nước bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta cần phải loại bỏ tư tưởng cũ - tư tưởng thiếu chia sẻ - cạnh tranh không lành mạnh. Khát vọng đã có sẵn và nay niềm tin đã được củng cố từ định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết số 68. Việc còn lại để doanh nghiệp phát triển tốt, bền vững, sẵn sàng cạnh tranh quốc tế chính là nhiệm vụ của chúng ta. Đội ngũ doanh nhân – doanh nghiệp đang đứng trước những vận hội mới, đừng đòi hỏi gì thêm nữa mà cần: Dám nghĩ - Dám nói - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm như lời Tổng bí thư Tô Lâm đã nói… Hãy cùng nhau đưa ra những sản phẩm thực cho xã hội - mà tốt nhất là người Việt Nam hoàn toàn làm chủ trong giai đoạn chuyển mình của đất nước”, ông Hoàng nhấn mạnh.