Hải quan 'vấp' nhiều vướng mắc khi đấu tranh với tội phạm buôn lậu

Trong năm 2024, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm soát ngành Hải quan đã vấp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra tang vật vi phạm. Ảnh: Đỗ Quang

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra tang vật vi phạm. Ảnh: Đỗ Quang

Nổi lên tình trạng “buôn lậu online”

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn hiện nay tiềm ẩn diễn biến phức tạp trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng... Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vi phạm pháp luật hải quan tăng cả về số vụ và trị giá

Kết quả đạt được trong năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 29.273 tỷ đồng; tăng 12,12% về số vụ và tăng 154,09% về trị giá so với cùng kỳ 2023. Cơ quan hải quan đã khởi tố 24 vụ (giảm 31,43% so với cùng kỳ 2023), chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ (giảm 5,42% so với cùng kỳ năm 2023). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 901,58 tỷ đồng.

Trong giao dịch truyền thống, qua công tác đấu tranh bắt giữ và xử lý vi phạm thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện ra các phương thức thủ đoạn mới, phổ biến, đối tượng thường sử dụng. Đó là: Lợi dụng chữ ký số của doanh nghiệp thuê làm thủ tục để buôn lậu hàng nhập khẩu có điều kiện, cất giấu hàng cấm trong hàng hóa thông thường ít rủi ro; hay trà trộn hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất được trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam.

Nhiều trường hợp thay đổi nhãn mác, số liệu trên bao bì, hoặc nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ghi tên hàng hóa, nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa và nhãn hiệu hàng hóa trong khai báo có sự sai lệch. Một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xuất khẩu hàng hóa phải có kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành...

Nhập khẩu xuất hiện hiện tượng giả mạo thông tin người đại diện theo pháp luật, công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, sử dụng trái pháp luật chữ ký số, tài khoản ngân hàng làm thủ tục nhập khẩu trái pháp luật hóa chất N2O (khí cười) là mặt hàng kinh doanh hạn chế, phải kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Đối với loại hình xuất khẩu, nổi lên hiện tượng sử dụng giấy tờ giả, khai báo sai về chủng loại, khối lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu nhằm mục đích trốn thuế.

Loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu thì tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi các đối tượng trà trộn hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng tiêu dùng có thuế suất cao vào nguyên phụ liệu nhập về các khu công nghiệp để sản xuất.

Trong các khu công nghiệp, có tình trạng nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm mà bán tiêu thụ nội địa hoặc không xuất khẩu sản phẩm gia công mà thực tế xuất khẩu mặt hàng khác, không rõ nguồn gốc xuất xứ để hợp thức hóa cho số nguyên liệu đã nhập. Một vài doanh nghiệp khai báo nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ mới trong khi thực tế là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu.

Vướng thẩm quyền và bảo quản tang vật

Không chỉ phải đấu tranh với rất nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm, theo ông Vũ Quang Toàn – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm soát ngành Hải quan còn vấp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Ông Toàn chia sẻ, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế vì Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định cơ quan hải quan chỉ có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 3 tội danh gồm: buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và sản xuất, buôn bán hàng cấm. Thực tế, khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Một số vụ án hình sự do ngành Hải quan khởi tố, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra theo thẩm quyền nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra mới tiếp nhận hồ sơ, chưa tiếp nhận vật chứng của vụ án... dẫn đến cơ quan hải quan vẫn phải tiếp tục lưu giữ, bảo quản vật chứng, phát sinh chi phí thuê kho, bãi để bảo quản số vật chứng đó. Trong khi hiện nay, ngành Hải quan không có kho bảo quản vật chứng của vụ án hình sự.

Trong thực hiện xử lý vụ việc theo quy định về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, theo quy định pháp luật, cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình trực tiếp phát hiện vụ việc đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự và thuộc thẩm quyền khởi tố thì thực hiện khởi tố vụ án mà không phải thực hiện theo thủ tục giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Tuy nhiên, theo Kết luận số 46/KL-VKSTC ngày 17/8/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị: "Đối với các vụ việc được phát hiện thông qua công tác nghiệp vụ, sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh thấy có dấu hiệu tội phạm, cần chuyển sang thụ lý tin báo, tố giác về tội phạm để giải quyết theo quy định". Điều này gây áp lực rất lớn về việc thực hiện các quy định thời hạn giải quyết vụ việc theo trình tự giải quyết nguồn tin tội phạm./.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-vap-nhieu-vuong-mac-khi-dau-tranh-voi-toi-pham-buon-lau-167339-167339.html
Zalo