Bất ngờ giá đỗ ngâm chất cực độc ở Đắk Lắk có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Liên quan vụ gần 3.000 tấn giá đỗ hóa chất ở Đắk Lắk có một trong 4 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Theo VOV, ngày 27/12, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Đắk Lắk) đã cấp giấy chứng nhận "cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm" để sản xuất kinh doanh sản phẩm giá đỗ đối với Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo. Công ty này là đơn vị cung cấp giá đỗ cho Bách Hóa Xanh từ 350 – 400kg/mỗi ngày.
Giấy chứng nhận này được cấp ngày 22/4, có hiệu lực trong 3 năm; người ký giấy chứng nhận khi đó là ông Trần Ngọc Trịnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
Theo đăng ký mã số thuế, Công ty Lâm Đạo có ngành nghề sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh, hoạt động từ ngày 11/1, người đại diện là Lâm Văn Đạo. Ông Đạo vừa bị Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố cùng 3 người khác về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, do trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng chất cấm độc hại.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk (thay ông Trần Ngọc Trịnh từ tháng 10.2024 - PV), vừa qua, chi cục có cử người tham gia với cơ quan công an trong quá trình điều tra vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm khi sản xuất giá đỗ.
Trả lời câu hỏi vì sao Công ty Lâm Đạo đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng sử dụng chất cấm (hoạt chất 6-Benzylaminopurine) mà không được phát hiện, ông Hưng cho rằng chi cục chỉ quản lý, kiểm tra điều kiện sản xuất, khi điều kiện sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì cấp chứng nhận, còn việc họ lén lút sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất thì không phát hiện được.
Về kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với giá đỗ khi đưa ra thị trường, ông Hưng cho biết chi cục đi lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm, mỗi năm chỉ làm một số mẫu ở chợ đầu mối, cơ sở buôn bán, nhiều thời điểm không "phủ sóng" được hết.