Hải quân nhân dân Việt Nam: Không để bị động, bất ngờ trên biển

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển trọng điểm, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ.

Từ chỗ chỉ có 141 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, phương tiện vũ khí hết sức thô sơ, lạc hậu của những ngày mới thành lập, gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam đã trở thành một Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại với đầy đủ các thành phần, khẳng định là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) Hải quân hôm nay tiếp bước cha anh khắc ghi lời thề giữ biển, vượt mọi gian khó, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, nỗ lực huấn luyện, làm chủ vũ khí trang bị mới, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc từng “tấc đảo, sải biển” thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến sĩ Trường Sa canh gác bảo vệ chủ quyền

Chiến sĩ Trường Sa canh gác bảo vệ chủ quyền

“Báo cáo đồng chí Trung đội trưởng, tàu 187 Bà Rịa Vũng Tàu, hoàn thành nhiệm vụ trên biển, cập bến, người và vũ khí an toàn hết".

Sau hơn một tháng thực hiện nhiệm vụ trong lòng biển, tàu ngầm 187 mang tên Bà Rịa-Vũng Tàu trở về, cập cảng an toàn. Năm 2024 tàu 187 đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, ở nhiều độ sâu khác nhau, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đươc giao.

Là lực lượng trẻ, mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 13 năm, song với quyết tâm làm chủ những “pháo đài thép” là những tàu ngầm kilo-636 vô cùng hiện đại, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 189 đặc biệt coi trọng việc khai thác, sử dụng hiệu quả trang bị vũ khí kỹ thuật. Các kíp tàu đã nghiên cứu, xây dựng và tổ chức luyện tập thuần thục hơn 300 tình huống trong đấu tranh bảo vệ sức sống tàu, hơn 60 tình huống xử lý của kíp trực tại bến.

CBCS Lữ đoàn 171 duy trì công tác trực canh trên tàu hộ vệ chống ngầm

CBCS Lữ đoàn 171 duy trì công tác trực canh trên tàu hộ vệ chống ngầm

Các thủy thủ tàu ngầm tích cực học tập, nghiên cứu, thuần thục khai thác, làm chủ vũ khí trang bị và hiệp đồng thao diễn các bảng bố trí chiến đấu. Các kip tàu đã độc lập khai thác, vận hành tàu ngầm, đảm bảo an toàn tuyệt đối hàng trăm chuyến thực hiện nhiệm vụ trong lòng biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo từ lòng đại dương.

Thượng tá Nguyễn Đức Tường, Chính ủy Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân khẳng định, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, niềm vinh dự, tự hào khi được phục vụ trong lực lượng tàu ngầm cho mỗi cán bộ thủy thủ là yếu tố quan trọng hàng đầu, luôn được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị coi trọng và duy trì thường xuyên, liên tục, được cô đọng lại thành 4 yếu tố đặc biệt: “Trung thành, đoàn kết, kỷ luật, bí mật”. Mỗi cán bộ, thủy thủ tàu ngầm đều có tinh thần sẵn sàng nhận và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

CBCS Lữ đoàn 162 huấn luyện hiệp đồng cất hạ cánh trực thăng Ka28 trên tàu hộ vệ tên lửa

CBCS Lữ đoàn 162 huấn luyện hiệp đồng cất hạ cánh trực thăng Ka28 trên tàu hộ vệ tên lửa

Sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên, có uy lực tác chiến cao của Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) với 6 tàu ngầm hiện đại, vừa là mục tiêu, vừa là lộ trình xây dựng HQND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trước yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thời gian qua Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được trang bị nhiều loại tàu chiến hiện đại, có sức tấn công lớn, trong đó phải kể đến đội tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Làm chủ những con tàu này là CBCS Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.

CBCS Lữ đoàn 189 huấn luyện thoát hiểm từ tàu ngầm

CBCS Lữ đoàn 189 huấn luyện thoát hiểm từ tàu ngầm

Thượng tá Mai Văn Doanh, Chính ủy Lữ đoàn 162 cho biết: Đến nay, CBCS đã hoàn toàn làm chủ con tàu, nắm vững và sử dụng thành thạo vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Trong đó, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 đã tập trung huấn luyện làm chủ trang bị kỹ thuật hiện có và trang bị kỹ thuật mới, có nhiều đổi mới trong công tác huấn luyện để đạt kết quả cao nhất như: tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, luyện tập tại ví trí chỉ huy, hội báo chiến thuật và truyền thụ kinh nghiệm. Với đặc điểm công tác huấn luyện ở tàu thường diễn ra trong không gian trật hẹp, cường độ làm việc cao, môi trường huấn luyện trên biển khắc nghiệt, xa bờ. Song mỗi CBCS Lữ đoàn 162 luôn xác định “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, viết tiếp trang sử vẻ vang của cha anh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Cùng với các đơn vị trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, những năm qua, Bộ đội Trường Sa tích cực học tập, rèn luyện, vững vàng ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng. Đại tá Trần Văn Quyển, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), cho biết, những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của các thế hệ cha anh đi trước được bộ đội Trường Sa kế thừa, phát triển và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn quản lý chủ quyền và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc hiện nay.

Tàu ngầm cập cảng sau khi thực hiên nhiệm vụ trên biển

Tàu ngầm cập cảng sau khi thực hiên nhiệm vụ trên biển

Đại tá Trần Văn Quyển cho biết thêm, hiện, Lữ đoàn tiến hành tổ chức huấn luyện cho các đối tượng, sát với tình hình nhiệm vụ, nâng cao nhận thức chính trị, huấn luyện sát với địa hình, điều kiện công tác trên môi trường biển, đảo. Bên cạnh đó, Lữ đoàn đã tăng cường học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ, đối sách trên không, trên biển; giáo dục tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; phát huy tốt vai trò các tổ chức trong giáo dục nhiệm vụ, tư vấn tâm lý tình cảm,... làm cho bộ đội luôn nhận thức đúng tình hình, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc, chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Với quyết tâm làm chủ vùng biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình mới, đối mặt với nhiều thử thách, khắc nghiệt và diễn biến phức tạp trên Biển Đông, song Hải quân nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển trọng điểm, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo vệ được chủ quyền và các mục tiêu chiến lược, các hoạt động kinh tế biển. Đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.

CBCS nhà giàn DK1 chào cờ đầu tuần

CBCS nhà giàn DK1 chào cờ đầu tuần

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng khẳng định, trong bất luận hoàn cảnh nào thì cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân; nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; thực sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoạt động kinh tế biển của Tổ quốc.

Tàu tên lửa 12418 công kích mục tiêu trên biển

Tàu tên lửa 12418 công kích mục tiêu trên biển

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm lực lượng Hải quân ngày 15/3/1961 đến nay vẫn luôn thấm nhuần và là kim chỉ nam với mỗi CBCS. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Hải quân bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình nối tiếp nhau xây đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”.

Thu Lan/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hai-quan-nhan-dan-viet-nam-khong-de-bi-dong-bat-ngo-tren-bien-post1142065.vov
Zalo