Hải quân Ấn Độ tăng sức mạnh đối phó đồng thời Trung Quốc và Pakistan

Lực lượng hải quân Ấn Độ đang nỗ lực gia tăng sức mạnh của mình nhằm đối phó đồng thời với các đối thủ đáng gờm của họ là Trung Quốc và Pakistan, cũng như để đương đầu với thách thức từ các nhóm hải tặc.

Ấn Độ lo ngại lạc hậu trước sự lớn mạnh của hải quân Pakistan

Kể từ ngày 4/12/1971, hải quân Ấn Độ kỷ niệm ngày Hải quân của mình. Nếu như hơn 50 năm trước, hải quân Ấn Độ giành được ưu thế áp đảo trước đối thủ Pakistan thì hiện nay, ưu thế đó không còn như trước nữa. Hải quân Pakistan đã mạnh lên nhiều nhờ vào sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Tàu khu trục Imphal của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Chính phủ Ấn Độ.

Tàu khu trục Imphal của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Chính phủ Ấn Độ.

Tư lệnh hải quân Ấn Độ - Đô đốc Dinesh K Tripathi, trong cuộc họp báo trước ngày 4/12 đã đề cập việc Pakistan tăng cường hiện đại hóa hải quân với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Mặc dù có lợi thế chiến thuật trước Pakistan trong lĩnh vực hải quân, hiện nay hải quân Ấn Độ phải nỗ lực cao độ để đuổi kịp đối thủ Pakistan. Lực lượng hải quân Pakistan hiện có khát khao sở hữu một trong những lực lượng tàu ngầm hiện đại nhất và quy mô nhất châu Á.

Trong khi Ấn Độ chưa xúc tiến hợp đồng về tàu ngầm trang bị “hệ thống đẩy không phụ thuộc không khí” (AIP) thì phía Pakistan đã khởi động chương trình này, với tàu ngầm lớp Hangor mới nhất do Trung Quốc đóng.

Với tiến độ như hiện nay, các tàu ngầm lớp Hangor sẽ được đưa vào biên chế hải quân Pakistan vào cuối thập niên 2020 và đầu thập niên 2030. Một khi hoàn thiện, các tàu ngầm đó sẽ nâng đội tàu ngầm AIP của Pakistan lên thành 11 chiếc.

Pakistan hiện có 3 chiếc tàu ngầm lớp Khalid nâng cấp. Hải quân Pakistan cũng tìm cách để có thêm một số tàu ngầm tấn công nước nông (SWATS), với tiềm năng đưa Pakistan vào hàng ngũ những hải quân sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn hàng đầu châu Á.

Những tàu ngầm nói trên được trang bị các cảm biến tiên tiến và vũ khí hiện đại, mang lại lợi thế chiến thuật cho Pakistan. Những tàu ngầm tấn công diesel này cùng phù hợp với chiến lược phong tỏa biển tiến công, với ưu tiên dành cho tàu ngầm và máy bay tuần tra biển mang tên lửa.

Trong khi đó, đội tàu ngầm của Ấn Độ hiện chỉ có 16 chiếc tàu ngầm thông thường. Ngoài 6 chiếc mới đóng gần đây, số còn lại đều trên 30 năm hoạt động và gần đến ngưỡng phải loại biên. Riêng tàu ngầm lớp Kilo và lớp Shishumar của Ấn Độ đang gặp vấn đề về linh kiện do xung đột Nga - Ukraine.

Đô đốc Tripathi bày tỏ bất ngờ trước việc Pakistan đang đóng hoặc mua thêm tàu ngầm, chiến hạm dù rằng họ đang gặp khó khăn về kinh tế.

Hiện nay Pakistan đang nỗ lực mở rộng cả đội chiến hạm mặt nước lên mức 50 chiếc bên cạnh mục tiêu sở hữu 11 chiếc tàu ngầm. Trong số 50 tàu mặt nước, có 20 chiếc dự kiến sẽ là tàu lớn như tàu hộ vệ, tàu khu trục.

Trước những bước phát triển đó của Pakistan, hải quân Ấn Độ xác định cần có thêm tàu ngầm để phòng vệ 7.500km đường bờ biển cũng như tạo thế cân bằng quân sự với cả Pakistan và Trung Quốc. Các tàu ngầm lớp Kalvari của hải quân Ấn Độ đã thường xuyên tuần tra bờ biển Makran của Pakistan, nằm cách Mumbai khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Thế đứng của hải quân Trung Quốc ở trong vùng

Giới quan sát quân sự Ấn Độ cũng nhận thấy sự gia tăng hiện diện của hải quân Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương.

Đô đốc Tripathi cho biết hải quân Ấn Độ đang theo dõi sát sao hoạt động hàng hải tổng thể ở vùng Ấn Độ Dương, bao gồm cả tàu của hải quân Trung Quốc cũng như các tàu nghiên cứu và theo dõi vệ tinh của Trung Quốc.

Ngoài cung cấp tàu ngầm cho hải quân Bangladesh, Trung Quốc cũng đang xây dựng một hải cảng ở thị xã Cox’s Bazar của Bangladesh. Quân cảng này khánh thành vào năm 2023.

Hình ảnh vệ tinh mà Ấn Độ có được cho thấy Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể tại cơ sở hải quân nói trên. Khả năng cao hải quân Trung Quốc sẽ sớm có được quyền tiếp cận hậu cần đối với cảng Cox’s Bazar.

Mới đây, vào tháng 10/2024, tàu chiến Trung Quốc đã lần đầu tiên đậu tại cảng Chittagong của Bangladesh.

Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng đã thuê được cảng Hambantota của quốc đảo Sri Lanka sau khi các công ty Trung Quốc thi công xong cảng này. Đáng lưu ý, cảng Hambantota nằm rất gần Ấn Độ.

Đối sách của hải quân Ấn Độ

Tư lệnh hải quân Ấn Độ Tripathi cho biết, lực lượng của ông đang điều chỉnh chiến lược để ứng phó với thách thức mới.

Hải quân Ấn Độ đang tăng gấp đôi đầu tư vào những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), robot và điện toán lượng tử.

Nhánh tác chiến dưới biển (tức là hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân) của hải quân Ấn Độ tụt hậu với một khoảng cách lớn so với Trung Quốc. Chính vì vậy, chính phủ Ấn Độ cuối cùng đã chấp nhận chi tiền để đóng 2 tàu loại này. Hải quân Ấn Độ đã đề xuất dự án này cách đây gần 5 năm.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) quan trọng đối với hải quân Ấn Độ đến mức họ tạm hoãn dự án đóng tàu sân bay 65.000 tấn để theo đuổi dự án SSN. Họ cần những con tàu này để theo kịp sức mạnh của hải quân Trung Quốc. SSN cũng có năng lực săn tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hải quân Ấn Độ cũng khởi động nhánh răn đe hạt nhân của họ trên biển. Họ đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa K-4 từ tàu ngầm bản địa INS Arighat chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Bên cạnh đó, hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận mua 26 máy bay tiêm kích Rafale M vào cuối năm nay, thúc đẩy năng lực phóng chiếu sức mạnh của họ ở khu vực Ấn Độ Dương. Họ cũng đàm phán với phía Pháp để đóng thêm 3 tàu ngầm lớp Scorpene. Trong những năm tới, hải quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận thêm máy bay không người lái “dã thú” MQ9 để canh chừng khu vực từ vịnh Aden đến eo biển Malacca.

Trong lúc hải quân Trung Quốc nỗ lực trở thành lực lượng hải quân “nước xanh dương” thực sự (để có thể hoạt động rất xa bờ biển Trung Quốc) thì hải quân Ấn Độ lại rèn luyện năng lực để chứng minh rằng họ là lực lượng phản ứng nhanh nhất ở Ấn Độ Dương. Chẳng hạn, hải quân Ấn Độ đã phối hợp với không quân nước này để tổ chức cho lính đặc nhiệm hải quân nhảy dù từ máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster xuống giải cứu một tàu buôn bị hải tặc khống chế cách bờ biển Ấn Độ 1.400 hải lý. Chiến dịch chống hải tặc này kéo dài trong hơn 40 tiếng đồng hồ.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Eurasian Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/hai-quan-an-do-tang-suc-manh-doi-pho-dong-thoi-trung-quoc-va-pakistan-post1144110.vov
Zalo