Hai phương án đề xuất xây hầm thay phà Cát Lái ra sao?
Đơn vị tư vấn đề xuất hai phương án bao gồm xây hầm Cát Lái chi phí chỉ khoảng 9-10.000 tỷ đồng, ít giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.
Liên quan đến công tác triển khai cầu thay thế phà Cát Lái nối Đồng Nai và TP.HCM, mới đây tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện Công ty CP Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC đã đề xuất phương án xây dựng hầm vượt sông thay cầu.
Theo đại diện của Công ty CP Fecon, việc xây hầm vượt sông thay cho xây cầu sẽ hạn chế được các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Giảm tối đa tác động xã hội đến địa bàn dân cư đang sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án. Đồng thời, việc xây dựng hầm sẽ tránh được tác động đến hệ thống giao thông đường thủy, hoạt động của Cảng Cát Lái hiện hữu.
Đơn vị tư vấn đã đưa ra hai phương án xây dựng hầm vượt sông và đưa ra mốc thời gian, chi phí dự kiến cho phương án rẻ nhất, nhanh nhất.
Phương án rẻ nhất tổng mức đầu tư chỉ từ 9-10.000 tỷ đồng, xây dựng không quá 2 năm. Hai phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai với các hầm hở phía TP.HCM và Đồng Nai và phần hầm kín vượt sông. Cả 2 phương án đều đề xuất có 2 tuyến hầm chạy song song.
Với phương án 1 sẽ có 8 làn đường với 4 làn mỗi hầm, vận tốc thiết kế 80km/h. Với phương án này, chiều dài tuyến hơn 2,3km. Sẽ thi công phần hầm kín, hầm hở và 2 hố shaft (giếng phục vụ thi công ngầm) được bố trí tại các vị trí đất trống, giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng và không ảnh hưởng đến lưu thông của các tuyến đường hiện hữu.
Còn phương án 2, đơn vị đề xuất quy mô 6 làn đường với 3 làn đường mỗi hầm, chiều dài tuyến hơn 1,7km. Ở phương án này phần hầm kín, hầm hở và 2 hố shaft được bố trí tại các vị trí trên mặt đường hiện hữu là Lý Thái Tổ và đường Nguyễn Thị Định nên không cần giải phóng mặt bằng trong lúc thi công hầm. Tuy nhiên, có ảnh hưởng đến giao thông trên hai tuyến này.
Theo đại diện Công ty CP Fecon, các phương án đề xuất mới chỉ là những phương án gợi mở cho địa phương và chưa có số liệu đầy đủ chi tiết về địa chất, quy hoạch liên quan. Do đó đơn vị sẽ nghiên cứu kỹ hơn để lựa chọn phương án phù hợp.
Theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT, dự án Cầu Cát Lái đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh nghiên cứu, phối hợp với TP.HCM để có kế hoạch triển khai.
Thực tế cây cầu này đã được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai dù lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng người dân rất mong chờ. Tuy nhiên, lâu nay phương án đưa ra vẫn chủ yếu là làm cầu nối hai địa phương, còn ý tưởng của đơn vị về xây hầm là rất mới.
Do đó lãnh đạo Sở GTVT đề nghị doanh nghiệp cần có báo cáo cụ thể để Sở phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm việc nhằm lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả nhất. Đồng thời, Công ty CP Fecon cần phải làm việc, kết nối với các cơ quan chức năng của TP.HCM để đề xuất ý tưởng.
Còn các đơn vị khác cho rằng doanh nghiệp phải có số liệu cụ thể nhằm hoàn thiện báo cáo đề xuất các cơ quan chức năng. Ngoài ra cần có phân tích, so sánh cụ thể hơn giữa phương án xây dựng cầu và hầm để có lựa chọn phù hợp. Trong đó đặc biệt lưu ý đến yếu tố tổng mức đầu tư.