Hải Phòng tìm hướng đánh thức tiềm năng du lịch đường sông

Những dòng sông của Hải Phòng mang trong mình chiều sâu văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước đáng tự hào của dân tộc

Chiều 22-4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Hải Phòng tổ chức hội thảo "Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp", với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đô thị, quy hoạch và đầu tư.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ tiếc nuối khi Hải Phòng - thành phố của những cây cầu và dòng sông - vẫn chưa khai thác xứng tầm lợi thế tự nhiên và giá trị văn hóa - lịch sử của hệ thống sông ngòi.

Hải Phòng hiện có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính như Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình. Những dòng sông này không chỉ là huyết mạch giao thương mà còn ghi dấu những giai đoạn lịch sử oai hùng, từ thời nữ tướng Lê Chân lập trang ấp bên sông Cấm, đến chiến thắng Bạch Đằng lừng danh trên dòng sông được mệnh danh "thiêng liêng và hào hùng bậc nhất Việt Nam".

Tuy nhiên, theo các đại biểu, du lịch đường thủy tại Hải Phòng hiện nay vẫn ở dạng sơ khai, thiếu sản phẩm đặc thù, hạ tầng yếu, quy hoạch thiếu đồng bộ và còn nhiều rào cản.

Hạ tầng yếu, thiếu quy hoạch tổng thể

Hiện chỉ có khu vực Cát Bà là có hơn 200 phương tiện phục vụ vận tải khách du lịch bằng đường thủy. Các tuyến sông khác chủ yếu phục vụ vận tải hành khách thời vụ, chưa hình thành các sản phẩm du lịch chuyên biệt. Thành phố chưa có cảng tàu du lịch quốc tế hay hệ thống bến du thuyền quy mô. Nhiều tuyến sông bị bồi lắng, hạn chế luồng lạch, thiếu điểm neo đậu và dịch vụ hỗ trợ.

Dự án bến du thuyền tại đảo Vũ Yên (Vingroup) được ghi nhận là điểm sáng, nhưng mới chỉ phục vụ nội khu. Các tuyến sông còn lại chưa được kết nối hoặc khai thác du lịch hiệu quả.

Ngoài ra, thành phố chưa có chiến lược hoặc đề án phát triển du lịch đường thủy một cách bài bản. Hoạt động chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch không gian du lịch hai bên bờ, dịch vụ nghèo nàn và khó thu hút du khách lâu dài.

Cảnh quan ven sông cũng bị đánh giá là chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng rác thải, bèo lục bình, ô nhiễm nước, thiếu hệ thống chiếu sáng nghệ thuật và các công trình kiến trúc điểm nhấn khiến trải nghiệm du khách bị giới hạn. Hệ sinh thái dịch vụ ven sông – bao gồm các điểm nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực, cộng đồng – hầu như chưa hình thành.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Các đại biểu tham gia hội thảo

Đề xuất giải pháp từ chuyên gia, doanh nghiệp

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất TP Hải Phòng cần sớm xây dựng Đề án tổng thể phát triển du lịch đường sông, xác định rõ các tuyến trọng điểm, điểm dừng chân, điểm check-in, trung tâm đón khách và sản phẩm du lịch đặc thù.

Các tuyến sông có giá trị văn hóa - lịch sử như sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray cần được khai thác thành tour du lịch văn hóa, kết nối nội đô với Cát Bà, kết hợp trải nghiệm ngắm cảnh, tham quan di tích, làng nghề, ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật trên mặt nước.

Hệ thống tàu du lịch nên được thiết kế mang phong cách riêng, đậm bản sắc vùng đất cảng. Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch không gian hai bên bờ sông để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, tạo điều kiện cho các dịch vụ nhà hàng, lưu trú, vui chơi giải trí phát triển.

Một số ý kiến đề xuất tổ chức các lễ hội ven sông, đẩy mạnh truyền thông số, phát động các chiến dịch quảng bá du lịch đường sông trên các nền tảng trực tuyến, đồng thời xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng và dịch vụ.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hải Phòng, phát biểu tại hội thảo

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hải Phòng, phát biểu tại hội thảo

Hướng tới mô hình du lịch xanh, bền vững

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hải Phòng, phát triển du lịch đường thủy là một bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp đa ngành và đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, với tiềm năng to lớn từ thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, nếu có hướng đi đúng và sự đồng hành của chuyên gia, doanh nghiệp, các dòng sông của Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành điểm đến đặc sắc, mang lại giá trị kinh tế bền vững cho thành phố.

Bà Mai nhấn mạnh Hải Phòng cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng và cơ chế cấp phép cho phương tiện du lịch thủy, tổ chức kiểm tra định kỳ theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện và an toàn. Đồng thời, thành phố phải tăng cường kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, thu gom rác ven sông và trồng cây xanh bảo vệ bờ.

"Không chỉ là phương tiện di chuyển, mỗi dòng sông phải trở thành một sản phẩm du lịch sống động, kể lại câu chuyện riêng, gắn liền với trải nghiệm và bản sắc địa phương"- bà Mai nói.

Trọng Đức

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-phong-tim-huong-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-duong-song-196250422204648741.htm
Zalo