Hải Phòng: Long trọng tổ chức lễ gắn tên đường Đỗ Mười – Tri ân vị lãnh tụ kiệt xuất

Sáng 13/5/2025, UBND TP Hải Phòng đã long trọng tổ chức Lễ gắn biển tuyến đường mang tên đồng chí Đỗ Mười – Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại khu Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, TP Thủy Nguyên. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - 2025 và đón nhận Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 'Thành phố Anh hùng'.

Lễ gắn tên đường Đỗ Mười – Tri ân vị lãnh tụ kiệt xuất.

Lễ gắn tên đường Đỗ Mười – Tri ân vị lãnh tụ kiệt xuất.

Tham dự Lễ gắn biển có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến; Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; con gái Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười - Nguyễn Thanh Thủy; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và nhân dân…

Các đại biểu tham dự lễ gắn biển công trình.

Các đại biểu tham dự lễ gắn biển công trình.

Sự kiện diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025), mang ý nghĩa lịch sử và chính trị sâu sắc. Đây là dịp để toàn thành phố bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của dân tộc – đồng chí Đỗ Mười.

Tuyến đường Đỗ Mười được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND thành phố, có điểm đầu từ chân cầu Hoàng Văn Thụ kéo dài đến trục chính Khu công nghiệp VSIP. Đây là tuyến giao thông quan trọng với hạ tầng hiện đại, đồng bộ, nằm ở trung tâm khu vực phát triển chiến lược của thành phố. Việc đặt tên đường mang tên danh nhân Đỗ Mười hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 10 Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ...

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Đức Thọ nhấn mạnh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc có nhiều đóng góp to lớn được khẳng định trong quá trình cách mạng Việt Nam mà còn là tấm gương lớn về nhân cách người cộng sản mẫu mực.

Đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động Cách mạng và trưởng thành rất sớm, từ tháng 3/1955, Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Đỗ Mười trực tiếp làm Bí Thư Thành ủy Hải Phòng, người đã trực tiếp chỉ đạo việc tiếp quản vùng tập kết chuyển quân 300 ngày tại Hải Phòng làm nên mốc son lịch sử. Đặc biệt là khi Sư đoàn 320 tiến vào tiếp quản TP đúng ngày này, ngày 13/5, cách đây tròn 70 năm.

Ngày 15/5/1955, hai ngày sau khi tiếp quản TP, Thành ủy Hải Phòng họp, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố, đã tập trung phân tích ý kiến và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đề ra những biện pháp vận động quần chúng, đảm bảo trật tự trị an, làm vệ sinh, đón tiếp cán bộ và học sinh miền Nam ra tập kết. Từ đây, Ủy ban hành chính thành phố được thành lập để tiếp tục công việc của Ủy ban quân chính. Các ngành chuyên môn của thành phố cũng được chấn chỉnh, kiện toàn...

Hơn 6 tháng sau ngày giải phóng, dưới sự chỉ đạo của đồng Bí thư Thành ủy và sự nỗ lực của quân và dân thành phố, mọi công tác, lĩnh vực trọng tâm ở Hải Phòng dần ổn định. Kinh tế quốc doanh lớn dần, kinh tế tư nhân bắt đầu được điều chỉnh. Văn hóa - Xã hội được ổn định, cán bộ giáo dục vào tiếp quản Hải Phòng cùng các thầy giáo, học sinh ở vùng tạm chiếm cũ đã phục hồi. Trường sở được sửa chữa, bộ máy quản lý được củng cố để chuẩn bị cho việc khai giảng năm học hòa bình đầu tiên... Bên cạnh đó, Đồng chí Đỗ Mười còn quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng Cảng, hình thành các khu vực cảng 1, cảng 2, khu chuyển tải ở Chùa Vẽ, Vật Cách... Năm 1956, đã đầu tư xây dựng nạo vét Cảng và luồng lạch đảm bảo tàu 8.000 tấn ra vào dễ dàng...

Trong suốt sự nghiệp chính trị, đồng chí Đỗ Mười giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1991 đến năm 1997. Ông là người lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, hội nhập và phát triển…

Việc gắn tên tuyến đường mang tên đồng chí không chỉ là hành động tri ân mà còn là biểu tượng của lòng tự hào, sự kính trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng dành cho một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Đồng thời, tuyến đường Đỗ Mười cũng là công trình mang giá trị văn hóa – lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ hôm nay…

Bà Nguyễn Thanh Thủy con gái Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu tại buổi lễ.

Bà Nguyễn Thanh Thủy con gái Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu tại buổi lễ.

Có mặt tại buổi Lễ, chứng kiến sự kiện này, bà Nguyễn Thanh Thủy - con gái Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười chia sẻ: "Hôm nay, gia đình chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi được chứng kiến Lễ gắn biển tuyến đường mang tên Đỗ Mười - người cha, người ông của chúng tôi - người đồng chí thân thiết đã gắn bó với quân và dân TP Hải Phòng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cũng như công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này. Trong cuộc đời của mình, noi gương Bác Hồ kính yêu, cha tôi đã tận tâm, tận lực góp một phần công lao cùng toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH nói chung và TP Hải Phòng nói riêng.

Việc TP Hải Phòng quyết định đặt tên một con đường mang tên ông không chỉ là một sự ghi nhận cao quý đối với những cống hiến mà ông đã dành trọn đời cho quê hương, đất nước, mà còn là nguồn động viên, là niềm tự hào sâu sắc không chỉ đối với Nhân dân TP Hải Phòng mà cả đối với cả gia đình, dòng họ, và thế hệ con cháu của chúng tôi".

Lãnh đạo TP Hải Phòng chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình Cố Tổng Bí Thư Đỗ Mười

Lãnh đạo TP Hải Phòng chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình Cố Tổng Bí Thư Đỗ Mười

Đồng chí Đỗ Mười, tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 02/02/1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, mất ngày 01/10/2018. Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, vào Đảng năm 1939. Trong suốt sự nghiệp cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt giam, vượt ngục, rồi trở lại tiếp tục lãnh đạo phong trào giành chính quyền và kháng chiến.

Đặc biệt, năm 1955, đồng chí Đỗ Mười là người được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ đạo tiếp quản khu tập kết 300 ngày tại Hải Phòng – một dấu mốc lịch sử đối với thành phố Cảng. Ông giữ vai trò Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hải Phòng, đặt nền móng cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn hậu kháng chiến.

Đông Bắc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hai-phong-long-trong-to-chuc-le-gan-ten-duong-do-muoi-tri-an-vi-lanh-tu-kiet-xuat-post548209.html
Zalo