Hải Phòng: Anh nông dân làm giàu từ mô hình trang trại gà khép kín

Quá trình gây dựng sự nghiệp, anh Trần Văn Thiện, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng luôn kiên định mục tiêu 'thắng không kiêu, bại không nản'.

Anh Trần Văn Thiện là tấm gương nông dân vượt khó.

Anh Trần Văn Thiện là tấm gương nông dân vượt khó.

Không khuất phục hoàn cảnh

Anh Trần Văn Thiện là tấm gương nông dân làm giàu từ nông nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Ở anh còn là nghị lực vượt khó mà nhiều người nông dân huyện Tiên Lãng học hỏi, nêu gương.

Kể về người nông dân huyện Tiên Lãng với các cụm từ như: "một nắng, hai sương", "chân lấm, tay bùn", quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", có lẽ là quá xưa khi miêu tả về hình ảnh các bà, các mẹ hàng ngày bên ruộng lúa "chiêm trũng, mùa khê".

Tuy là huyện thuần nông nhưng ngày nay ngoài cấy lúa, huyện Tiên Lãng còn phát triển kinh tế với nhiều ngành, nghề. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, giải quyết việc làm dư thừa nông thôn cho vùng đất Tiên.

Duy trì và phát triển nghề nông nghiệp truyền thống của địa phương, người nông dân "hay lam, hay làm" chăm chỉ học hỏi đã phát triển nhiều mô hình kinh tế thoát nghèo, điển hình như: mô hình nuôi dê tự nhiên của hộ ông Vũ Văn Ngước (xã Đông Hưng); mô hình nuôi dê Boer của hộ ông Vũ Văn Nhĩ (xã Toàn Thắng)... Và mô hình nuôi gà khép kín của hộ anh Trần Văn Thiện (xã Tự Cường) là tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

 Trang trại gà hàng nghìn m2 của gia đình anh Thiện.

Trang trại gà hàng nghìn m2 của gia đình anh Thiện.

Trạng trại gà hàng nghìn mét vuông của gia đình anh Thiện chắc hẳn là mơ ước của nhiều nông dân ham làm giàu từ nông nghiệp. Nhưng ít ai biết rằng để duy trì được mô hình kinh tế ổn định, bền vững như ngày nay, anh Thiện đã phải trải qua nhiều sóng gió, khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh.

Nhớ về thời gian đầu lập nghiệp, anh Thiện chia sẻ, nhiều năm liền gia đình anh trồng lúa không hiệu quả do chuột bọ, sâu bệnh phá hoại. Năm 2007, anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Thời điểm đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi mới, mạnh dạn và không ít khó khăn.

2 năm vất vả trên cánh đồng trồng dưa nhưng kinh tế mang lại cho gia đình anh Thiện không cao do năng suất thấp, chuột tàn phá. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định chuyển sang chăn nuôi lợn, bò. Công việc chăn nuôi khó khăn khi đầu ra bấp bênh, giá cả phụ thuộc vào thị trường từng thời điểm.

Học hỏi mô hình nuôi gà, năm 2012, anh Thiện chuyển sang xây dựng trang trại gà khép kín với diện tích 750m2. Anh mạnh dạn đăng kí nuôi 8.000 con gà và ký hợp đồng liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm với một công ty để ổn định thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, rủi ro từ chăn nuôi nông nghiệp ập đến bất ngờ với gia đình anh khi cơn bão năm 2012 đổ bộ. Gần 1.000 con gà hơn 1 tháng tuổi trong trang trại bị chết, gia đình anh Thiện thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mái trại bị gió tốc, thiết bị chuồng nuôi hư hại, anh Thiện nhẩm tính 40 triệu đồng "đội nón ra đi".

 Anh Thiện mở rộng quy mô và loại hình chăn nuôi tạo thu nhập cao cho gia đình.

Anh Thiện mở rộng quy mô và loại hình chăn nuôi tạo thu nhập cao cho gia đình.

Sau thiên tai, anh Thiện tiếp tục kiên định với mô hình nuôi gà thương phẩm. Công việc làm ăn đang ổn định thì trận mưa kèm theo sấm sét đánh vào đúng trang trại của anh.

"Tôi nhớ, chiều ngày 25/8/2015 vừa lúc dọn dẹp chuồng trại xong thì cơn mưa ập đến, sấm sét đùng đoàng. Trong lòng thầm nghĩ, quả này sét đánh vào nhà nào thì khổ. Ai ngờ, đúng 15 giờ, ngay khi nghe tiếng rẹt rẹt, tôi quay lại thì sét đánh ngay vào trại gà nhà mình.

Theo phản xạ, tôi xách 3 thùng nước với ý định dập lửa, nhưng lúc ấy nửa trang trại đã bị thiêu rụi. Tôi đành bất lực nhìn cả trang trại gà của gia đình bị tàn phá. Cũng may, gà vừa xuất chuồng, trang trại trống. Nhưng thiệt hại về tài sản cũng khoảng 300 triệu đồng”, anh Thiện vẫn chưa hết tiếc nuối khi nhớ lại.

Thiên tai đã kéo theo kinh tế của gia đình anh kiệt quệ. Nhưng với nghị lực và lòng quyết tâm, anh Thiện cố gắng vay chạy từ người thân, bạn bè để cải tạo trang trại, tái đàn gà. Sau năm 2015, công việc chăn nuôi của anh Thiện khá vững vàng, ổn định.

Tấm gương nông dân

Với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, anh Thiện chuyển hẳn sang nuôi gà Ri. Theo anh, gà Ri được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm ngon. Hơn nữa, giống gà này ít bệnh tật nên chăn nuôi không gặp nhiều rủi ro. Để ổn định nguồn, anh ký hợp đồng liên kết chăn nuôi với một công ty chuyên nghiệp.

Tham gia vào chuỗi sản xuất nuôi gà thịt gà của công ty, anh Thiện được cung cấp giống gà chất lượng và tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ chăm sóc đến xử lý bệnh. Mô hình chăn nuôi an toàn, không hóa chất và kháng sinh vì thế, trang trại gà của anh cho đầu ra chất lượng tốt.

Theo anh Thiện, ưu điểm của việc liên kết trong chăn nuôi với công ty giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, yên tâm về chất lượng thức ăn chăn nuôi…

 Mô hình nuôi hươu của anh Thiện đang phát triển tốt.

Mô hình nuôi hươu của anh Thiện đang phát triển tốt.

"Nuôi gà Ri vất vả nhất khi gà từ 1 đến 21 ngày tuổi, đây là thời điểm bộ lông còn mỏng, chưa hoàn thiện, do đó, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ nhiệt độ môi trường, có thể gây bệnh hoặc chết. Hệ hô hấp và tiêu hóa chưa hoàn thiện, sức đề kháng thấp dẫn đến gà dễ mắc bệnh, làm tỉ lệ sống thấp. Do vậy, cần phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật “úm gà” con để có chất lượng con giống tốt nhất. Vì thế liên kết với công ty chăn nuôi người nông dân sẽ an tâm hơn", anh Thiện cho hay.

Gà được nuôi trong chuồng kín, hệ thống cho ăn tự động. Khoảng 90 - 100 ngày tuổi với trọng lượng khoảng 2,6kg/con thì gà được xuất bán. Mỗi lứa anh Thiện nuôi 7.000 con, mỗi năm 3 lứa, cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm. Mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Thiện.

Từ số vốn gia đình tích cóp trong chăn nuôi gà, để mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Thiện đầu tư nuôi thêm 6 con hươu, 5 con nhím, 100 tổ ong, 3.000 con ếch và 2 mẫu rươi (1 mẫu rươi = 3.600m2). Trừ chi phí, anh thu lãi 500 triệu đồng/năm.

Thảo Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hai-phong-anh-nong-dan-lam-giau-tu-mo-hinh-trang-trai-ga-khep-kin-post688664.html
Zalo