Hai nhà khoa học hàng đầu về AI nói gì về nguy cơ máy móc thông minh hơn người?
Hai nhà khoa học hàng đầu về AI là Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Yann LeCun đã chia sẻ cách để giúp loài người an toàn trước sự phát triển nhanh chóng của AI.
Trong buổi giao lưu sau Lễ trao giải VinFuture 2024, hai nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực Học sâu, Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Yann LeCun đã nhận được hàng loạt câu hỏi về AI.
Một chủ đề quen thuộc trong buổi trao đổi của hai nhà khoa học là đảm bảo an toàn với AI, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh hơn.
AI nguy hiểm hay không là do con người
Trước câu hỏi "Làm sao để an toàn khi AI thông minh hơn con người?" Giáo sư Yoshua Bengio - nhà sáng lập và Viện trưởng Viện nghiên cứu AI Mila (Montreal, Canada) khẳng định rằng đây là chủ đề tranh luận cần thiết và cần phải tôn trọng các quan điểm khác nhau. Ông đặt câu hỏi "khi nào AI thông minh như con người" và cho rằng trong thời gian ngắn có thể đáng lo nhưng vài thế kỷ nữa thì không. Làm sao kiểm soát hệ thống thông minh hơn ta vẫn là thách thức lớn và mở, Giáo sư Yoshua Bengio nói.
Giáo sư Yann LeCun - Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ Nhân tạo tại Meta cũng bày tỏ quan điểm cho rằng nhiều khi có thực thể thông minh là mối nguy hiểm với con người, thậm chí khát vọng thống trị con người.
Tuy nhiên, Giáo sư Yann LeCun nhấn mạnh, AI không nguy hiểm nếu như chúng không được lập trình với những động lực cụ thể. Theo ông, AI hiện tại chỉ có tri thức nhưng không có động lực, và nếu chúng ta tạo ra động lực tích cực cho AI để đóng góp cho cộng đồng, chúng sẽ phục vụ con người đúng cách.
Giáo sư Yann LeCun ví von việc đảm bảo an toàn AI cũng giống như làm cho máy bay an toàn hơn, cả hai đều là những công cụ hữu ích cho con người. "Nhiều người cho là AI thống trị con người thì đó là quan điểm sai vì ngay cả trong xã hội ta có nhiều người thông minh nhưng ko đồng nghĩa họ muốn thống trị thế giới," Giáo sư Yann LeCun cho biết.
Giáo sư Yoshua Bengio trước đó cũng thực hiện một bài chia sẻ tại Tập đoàn FPT về chủ đề kiểm soát AI tự tạo động lực. Ông cho rằng chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến AI tạo ra hậu quả lớn với loài người. Nhà khoa học Canada cho rằng khái niệm cần đưa ra là AI hoàn toàn không có mục tiêu, chứ không phải là có mục tiêu tốt.
"Con người hoàn toàn có thể đưa động lực vào máy. Có người muốn biến máy trở thành con người, tự dưng khi đó máy muốn bảo toàn cho chính nó. Khi ta muốn tắt máy nhưng máy ko chịu. Khi ta huấn luyện cho máy, máy sẽ nghĩ là làm sao làm tốt để giành được phần thưởng, nhưng cũng sẽ nghĩ làm sao chiếm luôn quyền trao thưởng. Tất nhiên chúng ta phải đảm bảo kịch bản đó ko xảy ra," Giáo sư Bengio chia sẻ.
Tạo cuộc trao đổi, Giáo sư Yann LeCun cũng cho rằng những thập kỷ tiếp theo là của robot. 9-10 năm tới AI sẽ rất phát triển để biến robot làm công việc hàng ngày. Robot hiện vẫn chưa đủ thông minh làm việc nội trợ.
"Câu hỏi là có nên để robot có cảm xúc không? Tôi nghĩ chúng ta đều muốn thúc đẩy robot làm điều đúng nên khó tránh việc tạo ra cảm xúc. Nhưng chúng ta cũng cần hệ thống đủ thông minh để dự đoán hành động. Ví dụ khi thấy nguy hiểm thì phải quan ngại," Giáo sư Yann LeCun nói.
Giáo sư Yoshua Bengio thì nói rằng có quá nhiều điều chưa biết về AI. Để an toàn, nên xây dựng máy móc như công cụ, khi ta biết rõ hậu quả thì ta sẽ biết việc cần làm và phải làm.
Hướng tới các bạn sinh viên, Giáo sư Bengio bày tỏ những thập kỷ tới sẽ là thời đại của robot và AI. Sinh viên cần tận dụng AI để làm việc thông minh hơn, đồng thời học cách hiểu sâu các vấn đề thay vì chỉ dựa vào câu trả lời sẵn có.
“Hãy tìm cách ứng dụng AI vào cuộc sống thực tế. Khoa học cần phục vụ cộng đồng và các bạn chính là những người thực hiện điều đó," Giáo sư Yoshua Bengio chia sẻ với các sinh viên.
Cơ hội lớn cho Việt Nam trong tương lai
Tại sự kiện, Giáo sư Yann LeCun cho biết rất ấn tượng về sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu của Việt Nam, đặc biệt là sự nhiệt tình nồng hậu trong lĩnh vực về khoa học và công nghệ, đặc biệt đối với giới trẻ. "Việt Nam là một quốc gia rất trẻ với nhiều triển vọng phát triển nhanh chóng. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy rất hào hứng, hứng khởi về tương lai của Việt Nam."
Giáo sư Yoshua Bengio thì nhận định Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến vấn đề công nghệ, không chỉ là ở phía phía chính phủ mà cả người dân nói chung. Điều đó sẽ rất tốt cho tương lai.
Về việc tiếp cận với lĩnh vực đầy tiềm năng này, hai giáo sư đều cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội rất lớn.
Giáo sư Yann LeCun cho biết AI đang phát triển rất nhanh trên thế giới nhờ các ngành công nghiệp. Nhưng trên thực tế, công nghệ hiện tại vẫn còn đang rất hạn chế, do đó chúng ta vẫn còn rất nhiều những lĩnh vực để có thể nghiên cứu, đặc biệt là cho thế hệ tiếp theo của AI hay trí tuệ thông minh nhân tạo.
Những AI thế hệ tiếp theo thì có thể được nghiên cứu bởi các ngành học thuật hay các ngành công nghiệp, do đó sẽ mở ra các cơ hội cho sinh viên, thạc sĩ và nghiên cứu sinh của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của AI.
Giáo sư Yoshua Bengio đánh giá AI đang thay đổi xã hội của chúng ta một cách nhanh chóng trong nhiều ngành khác nhau. "Tôi thấy rằng AI có thể có tác động đến nhiều những lĩnh vực khác nhau, vì vậy một điều rất quan trọng đó là chúng ta cần phải có sự phối hợp giữa chuyên gia của các ngành với các nhà khoa học."
Cách đây 3 ngày, Tập đoàn tỉ đô NVIDIA đã thành lập một trung tâm về nghiên cứu AI tại Việt Nam. Cả hai giáo sư đều đánh giá đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Giáo sư Yoshua Bengio cho biết: "Tôi có thể thấy rằng các bạn đã có sự kết hợp với các tập đoàn cũng như là các bên khác nhau liên quan đến vấn đề phát triển AI. Đây là một điều rất quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Để có việc phát triển về AI, chúng ta sẽ cần phải có những nguồn lực về các nhà khoa học và nguồn lực về cơ sở hạ tầng. Nếu các bạn có thể làm tốt điều này thì các quốc gia khác có thể xem Việt Nam là hình mẫu để noi theo"./.
Giáo sư Yoshua Bengio là nhà sáng lập và Viện trưởng Viện nghiên cứu AI Mila (Montreal, Canada), được biết đến như một trong những người tiên phong trong lĩnh vực học sâu và mạng nơron nhân tạo.
Ông là chủ nhân của giải thưởng Turing 2018, giải thưởng danh giá nhất trong ngành khoa học máy tính, được ví như giải Nobel của lĩnh vực này. Những nghiên cứu của ông đã mở đường cho các mô hình ngôn ngữ lớn, như GPT, và ứng dụng AI trong các lĩnh vực từ thị giác máy tính đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Giáo sư Yann LeCun là nhà khoa học máy tính người Pháp được xem là một trong những cha đẻ của học sâu (deep learning). Ông nổi tiếng với việc phát triển mạng nơron tích chập (CNN) và mô hình LeNet, đặt nền móng cho các ứng dụng nhận dạng hình ảnh hiện đại.
Ông hiện là Giám đốc AI tại Meta, ông cùng Giáo sư Geoffrey Hinton và Giáo sư Yoshua Bengio nhận giải Turing năm 2018 vì những đóng góp đột phá trong trí tuệ nhân tạo.
Tên của hai nhà khoa học này cũng nằm trong danh sách Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD của VinFuture 2024 dành cho 5 nhà khoa học có những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự phát triển của Học sâu (Deep Learning).