Hai người cha

Nó đã mười lăm tuổi, đủ chai sạn với những lời nói móc máy của thiên hạ.

Ngày mới đi học, bị lũ bạn chế giễu là "thằng con hoang", nó lao vào ăn thua, nhưng rồi nhận ra, không thể mãi đương đầu với lũ trẻ dai như đỉa ấy. Về nhà, nó ấm ức kể lại sự bức bối ở trường. Mẹ nghe chỉ im lặng, còn bà ngoại thì buông một câu như xát thêm muối vào vết thương:

- Đúng mày là con hoang còn gì! Người ta có bố, có mẹ, còn mày chẳng biết bố là ai, không gọi "con hoang" thì gọi là "con gì"?

Kể từ đó, nó không để tâm tới những lời chọc ghẹo. Trêu miết cũng nhàm.

Nhưng tối nay, mẹ lại nhắc đến chuyện ấy. Điều mà trước đây, mỗi khi bà ngoại tra hỏi: Bố thằng Tình là ai? Mẹ chỉ cúi gằm mặt xuống đất, không hé răng nửa lời.

Nhưng câu chuyện mẹ kể về bố mông lung quá, lại liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng ho như xé ngực. Khuôn mặt mẹ tím tái, bàn tay run rẩy lục trong chiếc hòm gỗ lấy ra chiếc bút máy Hồng Hà khắc hình đôi bồ câu với hai chữ cái "H & N" là kỷ vật mối tình của mẹ: "H là Hường tên mẹ, N là Nghĩa tên bố, hiểu chưa?". Mẹ giải thích.

- Còn đây là cuốn sổ tay ghi đơn vị của bố. Dù ông ấy còn sống hay đã chết, con vẫn cứ tìm để biết nguồn cội của mình.

Mấy tháng sau, sức khỏe mẹ Tình ngày thêm suy kiệt. Bà ngoại bề ngoài thì ác khẩu, nhưng thâm tâm, bà thương mẹ Tình nhiều. Đàn gà trong vườn nhà cứ thưa dần để nấu cháo tẩm bổ cho mẹ. Nhưng mẹ Tình vẫn xanh xao, ủ rũ như tàu lá chuối.

Ngày mẹ từ biệt cõi trần, bà ngoại nấc lên từng hồi: "Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời?!". Chẳng biết, ông trời có thấu hay không, nhưng trời mưa dầm dề mất mấy ngày. Lúc hạ huyệt, bà ngoại đấm thùm thụp vào ngực mình, bà hối hận đã quá cay nghiệt với con gái. Để có lúc mẹ Tình chỉ muốn hòa mình xuống dòng Mai Giang cuồn cuộn nước đổ ra cửa biển Lạch Cờn. Nhưng nghĩ đến đứa bé vô tội trong bụng, lại gượng sống trong nỗi nhục nhã ê chề, bởi lối suy nghĩ định kiến, cổ hủ với phụ nữ không chồng mà chửa thời ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

*

Nhà Hường ở một xã ven biển cách vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam - Bắc gần 300 cây số.

Mùa hè đầu những năm 60 một đơn vị bộ đội, gồm toàn những tân binh về đây huấn luyện trên một bãi đất trống, bao bọc xung quanh là những quả đồi trùng điệp. Cách bãi đất ấy không xa, là những ruộng mía ngút ngàn cao hơn đầu người.

Sau một ngày huấn luyện vất vả trên thao trường, lính trẻ từng tốp rủ nhau vào làng. Riêng Nghĩa, chàng trai xứ Thanh lại lang thang ra ruộng mía, với ý định xin bà con một cây ăn cho đỡ háo. Nhìn ngang, ngó dọc, chẳng thấy ai, chàng tân binh lấm lét bẻ vội một cây, rồi ngồi ngay tại ruộng mía, lấy hàm răng vững chắc róc vỏ nhai rau ráu.

- Mười hai điều kỷ luật của quân đội: "Tuyệt đối không tơ hào cái kim, sợi chỉ của nhân dân"... Tại sao đồng chí vào bẻ trộm mía của dân?

Nghĩa giật mình, mặt tái mét, ngơ ngác không biết tiếng nói từ đâu, thì xuất hiện một cô gái, tuổi chừng mười bảy, mười tám, lấy tay che miệng nén tiếng cười khúc khích.

- Xin lỗi, tôi cũng đã nhìn quanh xem có ai để hỏi xin, nhưng không thấy, nên...

- Em đùa thôi. Bộ đội hy sinh vì đất nước, hậu phương chúng em tiếc gì cây mía...

Câu chuyện giữa họ bị ngắt giữa chừng bởi tiếng kẻng tập trung về đơn vị, nhưng đôi mắt họ dành cho nhau thì chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Nó đủ rung động để hai trái tim cùng thổn thức và thao thức suốt đêm hôm đó.

Sau buổi gặp gỡ ấy, ruộng mía trở thành nơi hẹn hò của đôi bạn trẻ. Không ai biết địa điểm bí mật ấy, trừ những cây mía từng hàng san sát rì rào mách bảo nhau rằng họ đã trao cho nhau kỷ vật để minh chứng cho lời thề hẹn ước: "Hết chiến tranh, nhất định anh sẽ trở về cưới em làm vợ".

Ngay tối hôm đó, đơn vị của Nghĩa được lệnh hành quân, khi chàng tân binh còn chưa kịp gửi lời từ biệt tới người yêu.

Hẫng hụt! Chiều đến, Hường thường ra ruộng mía, nơi hai người trước kia ngồi tâm sự, mắt xa xăm nhìn về bờ Nam sông Mai Giang, nơi có những đoàn quân tiến vào mặt trận.

Bất ngờ, Nghĩa xuất hiện trước mặt Hường, toàn thân ướt sũng, run rẩy vì rét.

- Sao anh lại ở đây? Em tưởng, đơn vị đã vượt vĩ tuyến vào Nam cơ mà?

- Bọn anh đang trên đường vào B, nhưng nghỉ đêm bên kia sông. Anh bơi sang đây tạm biệt em.

Hường cởi chiếc áo bông khoác ngoài ủ ấm cho Nghĩa. Không để mất thời gian lâu hơn nữa, họ ghì chặt lấy nhau, bù đắp hơi ấm cho nhau, để rồi không kìm nén được ngọn lửa tình hừng hực cháy trong hai cơ thể. Gốc mía nơi họ nằm rung lên, rập rờn sau tiếng thở hổn hển, gấp gáp của đôi trai gái...

Từ bên kia sông, kẻng ngân vang làm Nghĩa giật mình: "Anh xin lỗi! Đến giờ anh phải về đơn vị!". Nghĩa vội vã bơi sang sông, anh không biết được mình đã để lại một mầm sống đang hình thành trong cơ thể của Hường.

*

Tình thất vọng! Nó tưởng tượng, ngay sau tiếng gọi "bố", ông ta phải nhào tới, ôm ghì lấy, nhấc bổng nó lên vì vui sướng. Nhưng trái ngược là thái độ lạnh lùng như dò xét.

Nhận chiếc bút máy và cuốn sổ tay từ Tình, ông ta cặm cụi đọc như nuốt từng chữ, thi thoảng ngước nhìn nó từ đầu đến chân. Ông ta có biết rằng để tìm được đơn vị ghi trên cuốn sổ tay của mẹ, Tình đã phải dò hỏi khắp nơi, gặp rất nhiều người có tên là Nghĩa. Suốt hai tháng lang thang đi nhờ tàu xe, tối thì nằm đường, ngủ chợ, đói thì xin ăn mới tìm tới đơn vị ông đóng quân. Nhưng bây giờ Tình đã hiểu, vì sao đất nước thống nhất mấy năm rồi mà ông không về tìm mẹ con Tình.

- Nếu cháu không phải con chú, thì cho cháu xin lại những kỷ vật kia. Giọng Tình nghẹn đi vì uất hận.

Nhận lại chiếc bút và cuốn sổ tay, Tình vội nhét nó vào túi, quay phắt mặt rời đi. Chưa ra tới cửa, có tiếng gọi phía sau:

- Tình! Quay lại. Bố đây. Bố Nghĩa của con đây...

Không tin vào tai mình, Tình ngoái lại, thấy hai tay ông Trần Nghĩa dang rộng đón nó để ôm vào lòng. Vứt chiếc túi xuống sàn nhà, nó nhảy phốc lên người ông, nước mắt giàn giụa.

- Bố xin lỗi! Đất nước vừa thống nhất, thì chiến sự xảy ra ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, người lính như bố không lúc nào được ngơi nghỉ...

Một chiến sĩ trẻ xuất hiện đứng nghiêm chào, giọng dõng dạc.

- Báo cáo thủ trưởng Trần Nghĩa, tôi có mặt.

- Đây là Tình con tôi. Cậu dẫn em đi tắm, thay quần áo và báo nhà bếp chuẩn bị một mâm cơm mang lên phòng cho tôi. Chiều nay, hai cha con sẽ ăn bữa cơm đoàn tụ...

Tình thấy tự hào vì có bố là thủ trưởng. Một tuần ở lại cùng bố, Tình được ông Nghĩa chiều chuộng. Nó cảm nhận rõ tình cảm cha con thật đầm ấm, thiêng liêng. Nhưng quãng thời gian ấy không thể kéo dài.

- Con phải về đi học, vả lại, đi như này, bà ngoại ở nhà cũng lo. Sắp tới, đơn vị bố được lệnh hành quân ra Bắc. Bố hứa, sẽ thu xếp thời gian về với con. Bố còn phải thăm và cảm ơn bà ngoại đã nuôi nấng con, rồi ra mộ mẹ thắp hương nữa chứ! Hãy tin lời hứa của bố.

Trần Nghĩa ôm lấy Tình, xoa đầu nó rồi dắt ra chiếc xe co-măng-ca do một cần vụ lái đã nổ máy chờ sẵn.

*

Sáng nay, Tình bắt gặp một người đàn ông tha thẩn phía sau vườn nhà mình. Trông ông ta có vẻ không bình thường, người hôi hám, quần áo cáu bẩn. Tình hỏi ông ta tìm ai? Ông không trả lời mà lầm lũi đi về phía bờ sông.

- Mai Văn Nghĩa! Mày còn sống à? Có phải Nghĩa, quê Nga Sơn không?

Tình trong nhà, nghe tiếng nói ngoài cửa nhìn ra. Thế là bố đã giữ đúng lời hứa! Tình chạy ùa ra cửa đón bố, nhưng Trần Nghĩa lại hướng sự tập trung vào người đàn ông Tình gặp buổi sáng.

- Đúng Mai Nghĩa rồi! Đơn vị tưởng cậu hy sinh sau trận bom năm ấy. Cậu lưu lạc ở đâu mà nay mới tìm về?

Người đàn ông cùng tên chưa nhận ra Trần Nghĩa, nên buông một câu hỏi không ăn nhập với người đang đối thoại với mình

- Ruộng mía đâu?! Xưa ở đây nhiều mía lắm!

Bà ngoại Tình đã già, hai mắt bị lòa nằm trên giường, nhưng tai thì vẫn nghe rõ câu chuyện bên ngoài.

- Ruộng mía bỏ trồng lâu rồi, ai hỏi vậy? Bà vọng ra.

Bố Tình nắm lấy bàn tay nhem nhuốc của người đàn ông, đặt nó vào tay Tình nói:

- Đây mới đích thực là người bố con đi tìm. Hãy dắt ông ấy vào nhà. Chiến tranh có nhiều thứ không thể ngờ tới, rồi bố sẽ kể cho con biết...

Thực ra, từ lần gặp đầu tiên, Trần Nghĩa đã biết Tình chính là con của Mai Nghĩa. Bởi hồi ấy ông là tiểu đội trưởng, đã kỷ luật Mai Nghĩa khi tự ý bỏ đơn vị, bơi qua sông hôm đó. Nhưng Mai Nghĩa đã hy sinh trong một cuộc hành quân do trúng bom. Điều ngạc nhiên là tốp chiến sĩ trúng bom, mắc võng nghỉ trưa ở bìa rừng được xác định có Mai Nghĩa. Sau khi bom nổ, cả nhóm chiến sĩ hy sinh, xác vương vãi khắp nơi. Đồng đội đào bới đất đá tìm kiếm còn nhặt được chiếc ăng-gô ghi tên Mai Nghĩa dúm dó văng ra xa nên ai cũng nghĩ Mai Nghĩa đã chết.

Hôm gặp Tình, Trần Nghĩa định nói cho cậu biết, nhưng khi nhìn vào ánh mắt khát khao được có cha của Tình, ông không đành lòng, nên đã quyết định nhận Tình là con.

- Bố vẫn là bố của con. Từ bây giờ, con có hai người cha. Trận bom năm đó đã làm bố đẻ của con mất trí nhớ, phải sống lang bạt. Điều kỳ diệu đã giúp ông ấy sống, nhớ lại và tìm về đây. Chúng ta cần dành sự yêu thương để chăm sóc cho ông ấy...!

Tình nghe bố Trần Nghĩa nói, khẽ gật đầu!

Chỉ một loáng, ngôi nhà của Tình đông nghịt người đến thăm. Ngoài bà con lối xóm, còn có cán bộ huyện, xã tới chia vui. Anh cán bộ huyện đội ghé vào tai bà ngoại Tình nói to, như sợ cụ điếc không nghe rõ:

- Gia đình ta bây giờ là gia đình chính sách vì có một thương binh nặng từ cõi chết trở về!

Bà ngoại Tình mỉm cười. Bà vui vì Tình đã có cha. Mà tới tận hai người cha đều là bộ đội. Chỉ tiếc, con gái bà không sống mà hưởng niềm vui đó!

Trần Minh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh có những truyện ngắn, tản văn được đăng trên một số tờ báo. Anh cũng thường xuyên góp mặt trong các cuộc thi viết trên Báo Người Lao Động.

Truyện ngắn của TRẦN MINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-nguoi-cha-196241221211218959.htm
Zalo