Hai ngôi trường bị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai 'tuýt còi'

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có thông báo kết quả kiểm tra công tác quản lý, thực hiện hoạt động giáo dục ở 2 ngôi trường tại huyện Trảng Bom và Tân Phú với nhiều tồn tại, bất cập.

Theo thông báo số 3888 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, Trường THPT Văn Lang (trụ sở đặt tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) là loại hình trường dân lập (chưa thực hiện chuyển đổi loại hình tư thục theo quy định hiện hành), được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai.

Chưa đảm bảo cơ sở pháp lý

Trong năm học 2023 - 2024, đội ngũ giáo viên và nhân viên nhà trường có 39 người, gồm 16 giáo viên cơ hữu và 16 giáo viên hợp đồng thỉnh giảng, 7 nhân viên.

Một góc Trường THPT Văn Lang tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom đang sửa chữa

Một góc Trường THPT Văn Lang tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom đang sửa chữa

Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận có 1 trường hợp chưa có bằng cấp. Trong 15 giáo viên, có 6 trường hợp không có hồ sơ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Đơn vị có khuôn viên diện tích 6.741m2 tại xã Hưng Thịnh, và hiện quyền sử dụng đất vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định, có các phòng học và phòng chức năng cơ bản, tuy nhiên không có phòng học bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Công nghệ và khối phòng hỗ trợ học tập, phụ trợ.

Ngoài địa chỉ trụ sở được cấp có thẩm quyền thành lập và cho phép hoạt động, đơn vị còn tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục (dạy học) tại địa chỉ ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom có khuôn viên diện tích 4.000m2 chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện hoạt động giáo dục tại địa chỉ này.

Theo giải trình của nhà trường, do trụ sở ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom xuống cấp, đang sửa chữa nên đã đưa học sinh về địa điểm ở ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, và hiện nhà trường đang tiến hành các thủ tục xin thành lập trường tại địa điểm này.

Về công tác tuyển sinh và các hoạt động giáo dục của đơn vị được tổ chức tại địa chỉ ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (chưa được cấp phép), số học sinh trong năm học 2023 – 2024 là: Khối lớp 10 có 215 học sinh/5 lớp; khối 11 có 167 học sinh/4 lớp; khối 12 có 115 học sinh/3 lớp (đã tốt nghiệp vào năm 2024).

Hiện trạng có khối phòng học tập có 15 phòng học/9 lớp, có 2 phòng bộ môn, không có khối phòng hỗ trợ học tập, phụ trợ và các phòng bộ môn theo quy định.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT Văn Lang đang là loại hình trường dân lập, chưa thực hiện chuyển đổi sang loại hình tư thục theo quy định hiện hành, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý…

Trường tổ chức hoạt động giáo dục tại địa chỉ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục. Hiện trạng cơ sở vật chất không có đầy đủ các khối phòng hỗ trợ học tập, phụ trợ và những phòng bộ môn theo đúng quy định. Trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Từ kết quả kiểm tra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đề nghị Trường THPT Văn Lang cần thực hiện chuyển đổi loại hình theo đúng quy định, hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trường tiểu học, Trường THCS và THPT, trường có nhiều cấp học loại hình tư thục.

Khắc phục tồn tại về địa điểm hoạt động giáo dục đảm bảo đúng theo quy định, như: Bố trí thêm phòng hỗ trợ học tập, các phòng bộ môn, bổ sung những trang thiết bị dạy học các môn để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo quy định.

Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch chuyên môn đảm bảo đủ nội dung chương trình giáo dục các khối lớp và các môn học đúng theo hướng dẫn.

Không có đầy đủ hồ sơ cá nhân, nợ bảo hiểm

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả kiểm tra, Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn là loại hình trường tư thục.

Tại thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đơn vị không có đầy đủ hồ sơ cá nhân của 19 giáo viên cơ hữu để làm minh chứng đảm bảo yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo, chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu về tỉ lệ giáo viên cơ hữu và định mức giáo viên theo quy định.

Ngoài ra, theo biên bản của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai về việc xác minh việc vi phạm hành chính đối với Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn và văn bản xác nhận nợ tiền bảo hiểm ngày 4-9-2024 của hiệu trưởng nhà trường, đến thời điểm hiện tại nhà trường vẫn chưa thanh toán nợ cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, do chậm nộp cho người người lao động và lãi chậm nộp với tổng số tiền là gần 3,2 tỉ đồng.

Trường có khuôn viên diện tích gần 8.700m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất nêu trên thửa đất số 38, tờ bản đồ số 7 và tài sản gắn liền với đất đang bị Cục thi hành án huyện Tân Phú thực hiện kê biên để đảm bảo thi hành theo quyết định của TAND huyện Tân Phú. Số tiền phải thi hành án trả cho Ngân hàng Eximbank trên 15 tỉ đồng và lãi suất theo hợp đồng tín dụng.

Về công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp của nhà trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh được giao, sĩ số học sinh trên lớp thấp so với quy định. Năm học 2023-2024, toàn trường có 12 lớp với 163 học sinh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị không giao chỉ tiêu tuyển sinh cho Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn năm học 2024-2025. Nhà trường thông báo công khai cho phụ huynh học sinh biết tình hình hoạt động của nhà trường, khắc phục kịp thời những vấn đề tồn tại đã nêu, đảm bảo đủ các điều kiện để học sinh các khối lớp còn lại được học tập theo đúng chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Đặc biệt lưu ý trong phần kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, nhà trường chuẩn bị kế hoạch, xây dựng các phương án, thống nhất với phụ huynh học sinh để đảm bảo quá trình học tập của học sinh khi cấp có thẩm quyền có quyết định đình chỉ hoạt động đối với nhà trường.

Nguyễn Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-ngoi-truong-bi-so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-dong-nai-tuyt-coi-196240918113517846.htm
Zalo