Độ tuổi 'kim cương' để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ

Giai đoạn 2 đến 7 tuổi là thời gian 'kim cương' để trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ. Phụ huynh có thể hỗ trợ con qua một mô hình vừa được công bố, theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt.

Trẻ em có thể phát triển tư duy ngôn ngữ, trí tưởng tượng, sức sáng tạo tốt nhất nếu được phát triển thói quen đọc sách trong thời gian từ 2 đến 12 tuổi, theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chia sẻ tại một sự kiện về đọc sách, PGS.TS Nguyễn Ái Việt xác định mô hình Đọc - Xem - Nghe như một công cụ để phụ huynh hỗ trợ con phát triển tư duy ngôn ngữ và thói quen đọc sách. Đây là mô hình được ông và các cộng sự nghiên cứu và sử dụng trong các lớp học của mình.

Mô hình Đọc - Xem - Nghe

Đọc - Xem - Nghe là một mô hình phối hợp ngôn ngữ, âm thanh và hình ảnh một cách khoa học để giúp trẻ em hình thành tư duy sáng tạo, thế giới quan đúng đắn, theo PGS Việt.

Ông cho biết mô hình này đã tồn tại từ những năm công nghiệp hóa đầu tiên của thế giới. Song do chi phí sử dụng quá cao, Đọc - Xem - Nghe chỉ phổ biến trong giới siêu giàu. “Với sự phát triển của Internet và công nghệ số, Đọc - Xem - Nghe có thể phổ cập cho toàn xã hội”, Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin chia sẻ.

 PGS.TS Nguyễn Ái Việt từng giữ vai trò Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Petrotimes.

PGS.TS Nguyễn Ái Việt từng giữ vai trò Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Petrotimes.

Theo ông Việt, mô hình này bao gồm 8 hoạt động phối hợp ngôn ngữ, âm thanh và hình ảnh, ví dụ chuyển thể truyện cổ tích thành một bài hát, đọc sách trong khi nghe một bản nhạc phù hợp, tập sáng tác các bài hát dựa trên câu chuyện có sẵn…

Để bắt đầu mô hình này, các bậc phụ huynh cần có một câu chuyện phù hợp với trẻ em về nội dung. “Cần chọn những câu chuyện có tính giáo dục, nội dung tươi sáng, gần gũi và dễ hiểu để trẻ dễ tiếp thu”, ông ví dụ Dế Mèn phiêu lưu ký, Nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết… như những tác phẩm phù hợp với mô hình Đọc - Xem - Nghe.

 Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm phù hợp để phát triển thói quen đọc sách của trẻ. Tranh minh họa: Tạ Huy Long.

Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm phù hợp để phát triển thói quen đọc sách của trẻ. Tranh minh họa: Tạ Huy Long.

Sau khi chọn được câu chuyện, việc chọn nhạc nền lại càng quan trọng. Theo PGS Việt, nhạc nền phù hợp có thể hỗ trợ quá trình phát triển cảm xúc và trí tưởng tượng của trẻ em. Ông sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để chọn nhạc nền khi kể truyện Dế Mèn phiêu lưu ký.

“AI đã gợi ý tôi chọn bản nhạc cổ điển Morning Mood (Tạm dịch: Tâm trạng buổi sáng) của Edvard Grieg để làm nhạc nền cho phần mở đầu vì đây là bài hát có giai điệu tươi sáng, nhẹ nhàng. Đến những đoạn kịch tính, chúng ta có thể sử dụng Mars, the Bringer of War (Tạm dịch: Sao Hỏa - Kẻ mang đến chiến tranh) trong tuyển tập nhạc giao hưởng The Planets (Tạm dịch: Hành tinh)”, PGS Việt chia sẻ bài hát ông được AI gợi ý để dùng làm nhạc nền cho Dế Mèn phiêu lưu ký.

Theo PGS, nghe nhạc nền trong khi đọc truyện có thể kích thích khả năng sáng tạo, tăng cường trí nhớ của trẻ em. Đồng thời, trẻ sẽ học được cách kết nối hiệu quả các giác quan. Ông nói thêm việc sử dụng nhạc nền để trẻ thưởng thức tranh hiện đại, nghệ thuật cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Trao đổi với PGS Việt, GS Nguyễn Văn Trọng nhận xét Đọc - Xem - Nghe là một mô hình giáo dục “tinh tế”. Song mô hình này còn đòi hỏi người sử dụng cần có trình độ giáo dục cao để chọn được câu chuyện và bản nhạc phù hợp.

“Điểm tốt của mô hình này là giúp trẻ chưa biết chữ cảm nhận câu chuyện một cách sinh động và sâu sắc. Thói quen đọc sách, thưởng thức âm nhạc và tư duy ngôn ngữ hình thành từ đây”, GS Trọng nói.

Tuổi vàng và tuổi kim cương

PGS.TS Nguyễn Ái Việt cho biết mô hình Đọc - Xem - Nghe dựa trên lý thuyết của hai nhà khoa học giáo dục, tâm lý nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 là Jean Piaget và Lev Vygotsky.

Jean Piaget là nhà tâm lý học đầu tiên nghiên cứu về sự phát triển trí khôn của trẻ em. Ông chia hành trình phát triển nhận thức của trẻ em thành 4 giai đoạn: cảm giác vận động (0 đến 2 tuổi), tiền thao tác (2 đến 7 tuổi), thao tác cụ thể (7 đến 11 tuổi), thao tác hình thức (trên 11 tuổi).

 Quyển Tâm lý trẻ em của Piaget là một trong những quyển sách quan trọng trong các nghiên cứu phát triển nhận thức của trẻ em. Ảnh: Fado.vn.

Quyển Tâm lý trẻ em của Piaget là một trong những quyển sách quan trọng trong các nghiên cứu phát triển nhận thức của trẻ em. Ảnh: Fado.vn.

Trong đó, giai đoạn tiền thao tác và thao tác cụ thể lần lượt là độ tuổi “kim cương” và “vàng” để phát triển tư duy ngôn ngữ, trừu tượng và sức sáng tạo của con người, theo PGS Việt.

Ông cho biết đây là hai giai đoạn mà trẻ em học cách nghĩ về cuộc sống một cách khái quát, trừu tượng và hình thành tư duy logic. Do đó, tiếp thu kiến thức trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ có nền tảng đúng đắn để phát triển thành “con người hạnh phúc”, PGS Việt nói.

Ông còn dẫn thêm nghiên cứu của Lev Vygotsky - “cha đẻ” của các lý thuyết về phát triển nhận thức con người. Vygotsky cho rằng quá trình phát triển nhận thức của trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều bởi người thầy và bạn bè xung quanh.

Người thầy sẽ là người chịu trách nhiệm tóm lược, đặt câu hỏi, làm rõ các câu trả lời và định hướng cho trẻ. Theo Vygotsky, người thầy là người đồng hành trong hành trình học tập của trẻ em chứ không phải người chia sẻ kiến thức đơn thuần.

Người thầy không chỉ bao gồm những người có bằng cấp sư phạm và giảng dạy ở nhà trường mà còn chỉ các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè của trẻ.

“Vygotsky chính là người đặt nền tảng cho quan điểm đặt người học là trung tâm của giáo dục”, PGS Việt bổ sung. Ông xác định gia đình, người thầy và bạn bè là những đối tượng tác động mạnh nhất đến nhận thức của trẻ em.

“Để dạy con học, cha mẹ cũng phải là những người học tập suốt đời. Họ sẽ là người noi gương, người hỗ trợ, người hướng dẫn con trong quá trình tiếp thu kiến thức”, ông nhấn mạnh.

Đức An

Nguồn Znews: https://znews.vn/do-tuoi-kim-cuong-de-hinh-thanh-thoi-quen-doc-sach-cho-tre-post1494080.html
Zalo