Hai lần vượt ngục của 'anh hùng' Hy Lạp
Vassilis Paleokostas, kẻ đã cướp hàng triệu euro từ các ngân hàng, được người dân Hy Lạp yêu quý, coi như 'anh hùng'.
Vassilis Paleokostas, kẻ đã cướp hàng triệu euro từ các ngân hàng, được người dân Hy Lạp yêu quý, coi như “anh hùng” vì lấy của giàu chia người nghèo. Hắn ta đã hai lần vượt ngục và thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát nhờ sự bảo vệ của người dân.
“Robin Hood của Hy Lạp”
Vào một ngày của tháng 2/2010, một người đàn ông che mặt, lái chiếc xe đánh cắp qua những con phố bình yên tại Aspra Spitia, miền Trung Hy Lạp. Đỗ xe bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Quốc gia, hắn tiến vào cùng khẩu AK-47, ra lệnh cho nhân viên mở két sắt và lấy đi 250 nghìn euro.
Cùng ngày, tại Eginio (Hy Lạp), một người đàn ông bịt mặt đã đập vỡ cửa sổ của chi nhánh Ngân hàng Quốc gia, làm điều tương tự và lấy đi 240 nghìn euro. Vì không có ai bị thương, điều hi hữu trong các vụ cướp tại Hy Lạp, cảnh sát đưa ra kết luận: Vassilis Paleokostas đã thực hiện điều đó.
Trong 3 thập kỷ, Vassilis Paleokostas đã ăn cắp hàng triệu USD từ các ngân hàng nhà nước và hào phóng phân phát cho người nghèo. Hắn ta được gọi là “Robin Hood của Hy Lạp”, nhân vật cướp của người giàu chia cho người nghèo trong văn hóa Anh. Dù tuyên bố không làm hại bất kì ai, hắn ta vẫn là một trong những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất châu Âu.
Sinh năm 1966, Paleokostas lớn lên tại làng Moschofyto, miền Trung Hy Lạp, trong một gia đình có cha là linh mục. Từ nhỏ, y là người ít nói, hướng nội, hay quan tâm đến chính trị, cũng như lớn lên trong giai đoạn nền kinh tế Hy Lạp phát triển nhanh chóng tiến gần đến việc gia nhập Liên minh châu Âu nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn.
Vậy nên, Paleokostas cảm thấy mình như một nô lệ bị chủ nghĩa tư bản bóc lột. Thay vì làm việc chăm chỉ trong các trang trại, y bắt đầu nổi loạn.
Từ năm 1979, Paleokostas và anh trai Nikos hành nghề trộm cướp và học hỏi được nhiều mánh khóe từ cộng sự Costas Samaras, biệt danh là Nghệ sĩ. Bộ ba đã cướp nhiều tiệm đá quý, vàng bạc, ngân hàng và bắt cóc tống tiền doanh nhân rồi đem những khoản tiền kếch xù chia cho người nghèo.
Giai đoạn này, Hy Lạp trải qua một cuộc lạm phát lớn. Dân chúng mất niềm tin vào chính phủ và bất mãn với tình trạng tham nhũng trong các ngân hàng do nhà nước điều hành. Vì vậy, số lượng người ủng hộ hành động “lấy của giàu chia người nghèo” của anh em nhà Paleokostas ngày càng tăng cao.
Vụ cướp táo tợn đầu tiên diễn ra vào tháng 6/1992 tại thị trấn Kalambaka, nơi sinh sống của những ẩn sĩ, kẻ cướp và tội phạm và một ngân hàng nhỏ, nằm cách đồn cảnh sát chỉ vài trăm mét. Bộ ba nhắm mục tiêu vào ngân hàng này một phần vì muốn biến cảnh sát thành trò đùa.
Cả ba hiên ngang bước vào ngân hàng. Trong khi Paleokostas hét lên “Listia!”, có nghĩa là “cướp bóc” thì anh trai Nikos và Nghệ sĩ giơ súng về phía nhân viên, bảo vệ. Thời điểm đó, nền kinh tế Hy Lạp đang sung túc, các ngân hàng chất đầy tiền mặt trên quầy hàng và bên trong két. Trước sự run rẩy của nhân viên, bộ ba bắt đầu vơ vét của cải, sau đó bỏ trốn trên chiếc xe Audi đánh cắp.
Ngồi trên xe, Paleokostas ném một nắm tiền ra sau. Ngay lập tức, đường phố trở nên hỗn loạn. Người đi đường lẫn người dân lao ra nhặt những tờ tiền giấy. Ước tính, chỉ trong 3 phút, khoảng 360 nghìn bảng Anh đã bị đánh cắp ngay trước mắt chính quyền và trao cho người dân. Sau sự việc, các ngân hàng tăng cường an ninh và thẻ tín dụng dần thay thế tiền mặt.
Bắt cóc tống tiền người giàu
Vụ cướp như năm 1992 khó có thể lặp lại. Vì vậy, anh em Paleokostas đã từ bỏ việc cướp ngân hàng trong một thời gian và chuyển sang bắt cóc chủ của những nhà máy công nghiệp giàu có để đòi tiền chuộc.
Một trong những người giàu có nhất Hy Lạp bị Paleokostas nhắm tới là tỷ phú Alexander Haitoglou. Ông bị bắt cóc vào năm 1995 và bị Paleokostas yêu cầu nộp 1,2 triệu bảng Anh tiền chuộc. Vị tỷ phú lập tức đồng ý.
“Đó là một vụ bắt cóc được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Hành vi của những kẻ bắt cóc rất nhanh gọn, chuẩn xác”, tỷ phú Haitoglou kể.
Đôi khi, Paleokostas vẫn tấn công vào những ngân hàng lơ là cảnh giác và dùng số tiền phân phát cho người dân. Theo lời kể của người dân Hy Lạp, Paleokostas thường phân phát tiền ăn cắp từ ngân hàng cho nông dân địa phương hoặc những người vô gia cư. Có một cô gái mồ côi cần kết hôn được ông tặng khoảng 100 nghìn bảng Anh, một khoản tiền lớn vào thời điểm đó.
Vì vậy, Paleokostas luôn nhận được sự yêu quý, tin tưởng từ những người dân thuộc tầng lớp lao động, dân nghèo. Những vụ cướp táo tợn khiến Paleokostas trở thành “cái gai” trong mắt chính quyền nên họ luôn tìm cách vây bắt hắn và đồng bọn. Tuy nhiên, “Robin Hood” luôn được người dân bảo vệ. Không ai tiết lộ thông tin của Paleokostas nên hắn ta có thể thoải mái tấn công các ngân hàng trên khắp cả nước.
Đào tẩu
Vào tháng 4/1990, Paleokostas bị bắt trong lúc cố gắng lái xe tăng đâm xuyên qua bức tường phòng giam để giải cứu anh trai khỏi nhà tù Chalkida ở Larissa và bị giam giữ. Nhưng chỉ một năm sau, hắn ta được tại ngoại.
Đến tháng 12/1999, Paleokostas lại bị bắt và bị giam tại nhà tù Corfu, nằm trên một vách đá cheo leo nhìn ra biển Lonian. Cuộc sống nơi đây tồi tàn, bẩn thỉu đã không làm hao mòn ý chí của tên cướp.
Paleokostas tìm mọi cách để trốn thoát dù nhiều lần bị phát hiện nên đến tháng 5/2003, hắn ta được chuyển đến nhà tù Korydallos, an ninh tối đa bậc nhất Hy Lạp và là nơi giam giữ những kẻ giết người, tội phạm chiến tranh và khủng bố.
Tại đây, Paleokostas được xếp chung phòng với Alket Rizai, 34 tuổi, một sát thủ người Albania và cả hai nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết vì chung mục tiêu vượt ngục. Kế hoạch được triển khai tương đối thận trọng với sự sắp xếp từ bên ngoài, được cho là do Nikos.
Ngày 4/6/2006, khoảng 18 giờ, một chiếc trực thăng thương mại màu trắng xuất hiện trên nóc nhà tù Korydallos. Từ trong buồng lái, một người đàn ông cao lớn, bịt mặt hét lên: “Tao có lựu đạn! Tao có thuốc nổ” khiến tốp lính canh sợ hãi. Họ chần chừ không dám bắn về phía trực thăng.
Cùng lúc đó, Paleokostas và Alket có mặt trên nóc nhà tù, mang theo những khẩu súng lớn. Trong vài giây, họ leo lên trực thăng và rời đi giữa tiếng vỗ tay và cổ vũ của những tù nhân khác. Lính canh bắt đầu xả súng, đáp trả là một màn đạn từ bên trong trực thăng nhưng không có thiệt hại về người.
Đến năm 2008, Paleokostas một lần nữa bị bắt và giam giữ tại nhà tù Korydallos nhưng hắn ta không phải ngồi tù quá lâu. Tháng 2/2009, hắn lại trốn thoát bằng trực thăng. Chiếc trực thăng hạ cánh xuống một nghĩa trang ở Skisto, phía Bắc thủ đô Athens.
Phi công bị trói và bịt miệng. Anh ta khai với cảnh sát rằng chiếc trực thăng được thuê bởi một cặp vợ chồng nói muốn đi từ thị trấn Itea ở miền Trung Hy Lạp đến Athens. Cặp đôi này đã thuê trực thăng nhiều lần trong những tuần trước. Sau khi hạ cánh, cặp đôi đã đưa Paleokostas và Alket lên ô tô chạy trốn. Paleokostas một lần nữa vượt ngục thành công và tiếp tục công việc “vì chính nghĩa” của mình.
CIA cũng… bất lực
Hai năm sau đó, Paleokostas bắt cóc tỷ phú ngành nhôm George Mylonas, người đã khiến dân nghèo phẫn nộ khi tuyên bố rằng “người lao động cần phải thắt lưng buộc bụng”. Không dùng biện pháp đe dọa, tra tấn hay vũ lực, Paleokostas đối xử với George rất đúng mực và chỉ yêu cầu tiền chuộc là 12 triệu euro. Sau này, George kể lại: “Họ rất lịch sự và đối xử tốt với tôi. Paleokostas còn mua báo cho tôi đọc mỗi sáng và nói chuyện phiếm”.
Trong 20 năm qua, Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) đã thành lập đội chống khủng bố bí mật tại Athens (Hy Lạp) với tên gọi The Invisibles. Nhiệm vụ của đội là tìm kiếm những kẻ khủng bố và tội phạm đặc biệt. Từ sau vụ bắt cóc tỷ phú George, Paleokostas trở thành mục tiêu số một của đội.
The Invisible đã triển khai nhiều cuộc truy lùng Paleokostas gắt gao tại các vùng nông thôn với cảnh sát được trang bị vũ trang hạng nặng. Họ đồng thời cũng cố gắng tìm hiểu thông tin từ những người thân cận với Paleokostas nhưng hầu hết đều dành những lời tích cực để nói về Paleokostas.
Một người bạn tù của Paleokostas nhận xét: “Bọn tội phạm ăn cắp của người yếu thế nhưng Paleokostas ở một đẳng cấp khác. Anh ấy là một tên cướp được xã hội chấp nhận và là một anh hùng”.
Đến nay, The Invisible vẫn chưa lần nào tiếp cận được mục tiêu. Mỗi khi họ nhận được mật báo và ập đến địa chỉ được cho là nơi ẩn náu của Paleokostas thì người đã biến mất, chỉ để lại rất nhiều tiền mặt như một sự thách thức lực lượng chức năng.
Nhiều người tiết lộ Paleokostas vẫn thường cải trang để xuất hiện ở nơi đông người. Còn nếu vô tình Paleokostas bị người ngoài phát hiện, hắn cũng không lo sẽ bị tố giác bởi người dân Hy Lạp luôn bảo vệ, che chắn cho “Robin Hood” của họ. Đến nay, Paleokostas vẫn gắn liền với biệt danh “kẻ không thể bắt được” (The Uncatchable).
Dù sở hữu rất nhiều tiền, Paleokostas chỉ thích sống như một người nông dân và chi tiêu vừa đủ. Hắn ta khinh thường những chiếc xe hơi hào nhoáng và chỉ cố tình dùng nó để chạy trốn sau các vụ cướp. Một trong số ít đồ vật đắt tiền mà người đàn ông sinh năm 1966 này sở hữu là một cây thánh giá bằng vàng, thường đeo trên cổ như tấm bùa hộ mệnh.
Theo BBC