Hài hòa pháp luật giữa các quốc gia Asean, hướng tới phát triển toàn diện và bền vững

Sáng 10/7, tại TPHCM, trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề 'hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia Asean hướng tới phát triển toàn diện và bền vững', nhằm xác định các vấn đề và định hướng giải pháp cho tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN.

Các chuyên gia, diễn giả tại buổi hội thảo

Các chuyên gia, diễn giả tại buổi hội thảo

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Bí thư đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Bí thư đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường cho biết trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến quá nhiều sự biến động có tính phức tạp, khó lường, quá trình toàn cầu hóa đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự bất ổn địa chính trị trong khu vực và thế giới, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng… là những thách thức không hề nhỏ đối với Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong giai đoạn bản lề chuyển giao giữa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 sang Tầm nhìn Cộng đồng 2045.

Vượt qua thách thức, các quốc gia thành viên phải cùng nhau hướng tới một ASEAN kết nối chặt chẽ hơn, thúc đẩy phục hồi các nền kinh tế, chú trọng phát triển bền vững và bao trùm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và đặc biệt là việc lấy người dân làm trung tâm trong mọi thiết chế được thiết lập và thực hiện trong khuôn khổ của Cộng đồng.

Để thực hiện được những mục tiêu này, việc thúc đẩy các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tiếp nhận các xu hướng phát triển pháp luật mới đang hình thành trong cộng đồng ASEAN, cũng như tạo các diễn đàn để thảo luận về hài hòa hóa pháp luật trong các lĩnh vực liên quan được nhìn nhận là một yêu cầu rất cần thiết cho ASEAN hiện nay nhằm thúc đẩy hình thành một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm cho biết thêm.

Thạc sỹ Trần Ngọc Hà – Giảng viên Khoa Luật quốc tế - Trường Đại học Luật TPHCM

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả tập trung phân tích các nội dung về pháp luật quốc tế cũng như trong nước để tìm ra giải pháp hướng đến hài hòa pháp luật trong cộng đòng Aaean. Mở đầu Hội thảo, tham luận về vấn đề “Các yếu tố rào cản đối với tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN” của Thạc sỹ Trần Ngọc Hà – Giảng viên Khoa Luật quốc tế - Trường Đại học Luật TPHCM đã xác định và phân tích các rào cản, khó khăn đối với tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN từ góc độ những vấn đề nội tại trong mỗi quốc gia và góc độ các vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của các thiết chế trong ASEAN.

Thạc sỹ Trần Thị Ngọc Hà, Trường đại học luật TPHCM cũng đã đánh giá vai trò, ý nghĩa không thể thiếu của khoa học Luật so sánh đối với tiến trình làm giảm bớt sự khác biệt, thu hẹp khoảng cách giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên trong ASEAN thông qua tham luận về “Luật so sánh và tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN”.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Toàn cảnh buổi hội thảo

Với đề tài “Thể chế khu vực xanh: hài hòa hóa các chuẩn mực thương mại bền vững mới” của GS.TS Pasha L. Hsieh, Trường Luật Yong Pung Ho, Trường đại học quản lý Singapore đã phân tích chủ nghĩa khu vực xanh trong luật pháp quốc tế qua việc xem xét các hiệp định mới nổi ảnh hưởng như thế nào đến các chuẩn mực bền vững thương mại mới, đặc biệt là các sáng kiến xanh do Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy. Nhóm tác giả cho rằng hiểu được những động lực này là rất quan trọng để điều hướng phát triển bền vững thương mại gắn với môi trường và góp phần thúc đẩy hài hòa hóa các khía cạnh pháp lý liên quan.

Trong khuôn khổ của hội thảo còn diễn ra phiên thứ 2 “Định vị tương lai cho một ASEAN thống nhất trong đa dạng” và Phiên thứ 3 “Phát triển bền vững trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong ASEAN và các quốc gia thành viên” sẽ tiếp tục được trình bày và thảo luận trong buổi chiều cùng ngày.

Vũ Cẩm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hai-hoa-phap-luat-giua-cac-quoc-gia-asean-huong-toi-phat-trien-toan-dien-va-ben-vung-post518203.html
Zalo